Chuyện hai cựu chiến binh chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ

Chủ Nhật, 03/06/2012, 21:09
Ở nghĩa trang liệt sỹ Triệu Phong, Quảng Trị có hai cựu chiến binh tình nguyện chăm sóc mộ phần của những liệt sỹ đã gần 20 năm nay với nghĩa cử cao đẹp và tâm nguyện duy nhất là được ở bên những đồng đội của mình.

1. Buổi sáng khi chúng tôi đến, người cựu chiến binh Nguyễn Cư (62 tuổi, thôn Nhan Biều 1, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) đang cắm cúi nhặt lá, làm cỏ ở khuôn viên Nghĩa trang liệt sĩ Triệu Phong. Hỏi chuyện, ông bảo nghĩa trang sạch sẽ rồi nhưng hễ thấy một cái lá vàng rụng xuống, một cây cỏ mọc lên trên nấm mộ cũng không yên lòng. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông Cư là du kích, cùng với bộ đội chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị. Ông từng nhiều lần vào sinh ra tử ở các mặt trận ác liệt nhất lúc bấy giờ như Cửa Việt, Thành cổ…

Những lần đó, ông không chỉ bị thương bởi các loại đạn pháo mà còn bị nhiễm phải thứ chất độc dioxin quái ác do Mỹ - ngụy rải thảm xuống nơi đây. Sau này, con cái ông đã không tránh khỏi nổi đau đớn này di chứng từ cha mình. Cách đây 6 năm, sau bao năm làm cán bộ xã, thôn, người lính già Nguyễn Cư đã xin nghỉ việc để tình nguyện chăm sóc Nghĩa trang liệt sĩ Triệu Phong.

Nắng sớm mai nhuốm vàng những hàng mộ trắng, giữa khuôn viên nghĩa trang, người lính già nhễ nhại mồ hôi, khuôn mặt trông hiền từ, thật như đếm. “Tôi tình nguyện làm việc này là vì duyên nợ, nghĩa tình giữa người còn, người mất. Bao năm qua tôi vẫn không thể nào quên được đồng đội của mình đã xông pha sinh tử trên chiến trường này. Nay làm ở đây, dẫu mặt không gặp mặt song lúc nào tôi cũng cảm thấy họ luôn có ở bên mình...”.

Ông Giãn (trái) và ông Cừ đang chăm sóc phần mộ liệt sĩ ở Nghĩa trang liệt sĩ huyện Triệu Phong. 

2. Cũng như ông Cư, người cựu chiến binh Lê Văn Giãn (52 tuổi, xã Triệu Vân, Triệu Phong) đến với công việc này từ cách đây 20 năm. Năm 1986, ông đi bộ đội (Sư 361 đóng ở Hà Nội) đến 4 năm sau thì xuất ngũ và 1 năm sau đó khi tuổi đời mới ngoài 30 tuổi, ông đã tình nguyện nhận công việc chăm sóc Nghĩa trang liệt sĩ Triệu Phong. Hỏi chuyện lương tiền, ông giấu chúng tôi như một điều bí mật.

Sau này ông giải thích, nói ra rằng sợ người nghe… “sốc”! Lương của ông gần 10 năm về trước là 250.000 đồng/tháng, cách đây 3  tháng được tăng lên thành 600.000 đồng/tháng. Ông bảo nếu tính lương thì không ai làm được việc đó. Tôi hỏi ông 20 năm qua có lúc nào vì nợ nần cơm áo, cuộc sống thường ngày vợ con đã làm ông nghĩ phải bỏ việc này để làm một công việc có thu nhập cao hơn?

Ông cười hiền, đáp: “Tôi chưa từng nghĩ như vậy. Ở cái tuổi sung sức nhất, có thể làm ra tiền nhất tôi đã vào đây như một lẽ sống cho riêng mình, thì không cớ gì những năm tháng sau này lại phải chia tay nó. Nhưng thú thật, động lực thôi thúc tôi làm việc nghĩa còn có người vợ thảo hiền ở quê. Vợ tôi không chỉ đảm đương chuyện cơm áo, con cái học hành mà còn động viên tôi vượt qua khó khăn để sống cuộc đời thật tử tế với đồng đội, với những người đã dũng cảm xả thân mình vì bình yên hôm nay”.

Hai người lính từng cống hiến hết tuổi xuân của mình cho đất nước ở những giai đoạn khó khăn nhất, nay trở về cuộc sống đời thường với biết bao bon chen, xô bồ, song họ vẫn luôn giữ vững một tấm lòng trung trinh với Đảng, sống trọn đạo hiếu, nghĩa tình với đồng đội, đồng chí của mình. Bên cạnh công tác chăm sóc, giữ gìn nghĩa trang, 20 năm qua, hai người lính ấy đã giúp đỡ thân nhân các gia đình liệt sĩ tìm kiếm, xác định danh tính và vị trí mộ cho hàng trăm trường hợp.

Đặc biệt những năm gần đây nhờ hai ông mà nhiều gia đình đã loại bỏ được các thông tin bịp bợm của các “nhà ngoại cảm”. Đáng nhớ là thân nhân của liệt sĩ Phạm Ngọc Th. ở xã Chất Bình, huyện Kim Sơn, Ninh Bình. Năm 2007, gia đình nghe theo “ngoại cảm” vào Nghĩa trang liệt sĩ Triệu Phong khăng khăng nói liệt sĩ của mình nằm ở đây và đòi bốc về. Nhưng bằng trách nhiệm và các thông tin có được, hai ông đã giúp đỡ gia đình tìm ra liệt sĩ của họ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Gio Linh...

Thanh Bình
.
.
.