Chuyện của cánh lái xe taxi mưu sinh dịp Tết

Thứ Sáu, 22/02/2013, 15:47
Trong số những người làm việc xuyên Tết mà tôi gặp, công việc của lái xe taxi là chộn rộn nhất. Họ toàn được chở người ta đi chơi xuân, đi chúc Tết và khá nhiều khách lên xe mặt đã đỏ phừng phừng từ bao giờ. Không khí Tết tràn ngập ngoài đường, ùa cả vào trong xe theo các vị Thượng đế, người tài xế chạy xe xuyên Tết vì thế mà cũng không nguôi khắc khoải nhớ quê, nhớ nhà….
>> Mưu sinh xuyên Tết ở Hà Nội

1. “Chưa có năm nào như năm nay. Chiều 30 Tết rồi mà em mới chạy được 850.000đ. Mọi năm vào ngày này, em đã thu được 3-4 triệu rồi”, cậu lái xe tên Tài than thở khi “bắt” được vị khách là tôi lúc 6h tối. Nói rồi, Tài lại tự an ủi, ngày 29 Tết cậu chạy được 2 triệu tiền cước. Ngày 28 Tết, thu được số tiền là 1,7 triệu... Rồi, Tài tự đưa kết luận, do năm nay kinh tế khó khăn nên lượng khách hàng đi taxi giảm. Hoặc có thể là do năm nay cậu mở hàng không gặp được người nhẹ vía nên rông cả năm… “5 năm liền, Tết nào em cũng ở lại Hà Nội chạy taxi xuyên Tết. Tết là dịp kiếm bộn tiền nhất trong năm nên em luôn ở cố. Năm nay tình hình thế này, có khi tối về em trả xe cho công ty rồi lên xe khách về Thái Bình ăn Tết với mẹ”, Tài làm một tràng.

Tài là lái xe cho hãng taxi có tiếng cả nước về thương hiệu lẫn chất lượng phục vụ. Tuy nhiên, đợt cuối năm thông tin đầu tư ngoài lĩnh vực vận tải của doanh nghiệp này gặp nợ xấu phần nào làm ảnh hưởng đến thương hiệu của hãng. Là một hành khách ruột của hãng này, nên mỗi dịp đi taxi tôi lại trò chuyện để biết thêm thông tin. Đa phần, anh em lái xe đều tin tưởng, doanh nghiệp sẽ vượt qua vận hạn này. Và cũng không ít người tỏ ra luyến tiếc rằng, nếu như chỉ chú tâm phát triển lĩnh vực vận tải thì doanh nghiệp còn mạnh hơn nữa… “Biết là khó khăn chung, nhưng khi nó rơi vào nơi mình gắn bó thì anh em cũng tâm tư chị ạ”, Tài tâm sự.

Không chỉ là một người chỉ biết ngồi sau vô lăng, vấn đề thời sự Tài nắm khá vững. Cũng phải thôi, 5 năm làm tài xế taxi, lúc thịnh, lúc suy của nghề Tài đều trải qua. Khi bất động sản, chứng khoán lên ngôi, anh có những khách hàng VIP, đi một bước là gọi taxi. Có khi họ còn bao cả ngày chỉ để chạy vòng vòng khắp thành phố để tạt qua sàn chứng khoán nọ, quán cafe địa ốc kia… Nay, những khách hàng kiểu này chẳng còn. “Khách ruột của em bây giờ còn lại là những gia đình có con nhỏ, có người già. Tuy họ không đi lại nhiều nhưng mỗi lần đi lại gọi cho em, em thấy vui vì họ tin tưởng mình”, Tài nói.

2. Sáng mùng Một Tết, tôi ra đường vẫy xe taxi. Không như năm trước, chỉ đứng chừng mươi phút đã có xe dừng lại. Anh Thành, người có thâm niên lái xe taxi 7 năm cho biết, tối 30 anh chạy đến 22h thì về nhà cùng vợ con đón giao thừa. Anh quan niệm, “giàu nghèo gì thì giao thừa là cứ phải quây quần với gia đình”. 6h30 sáng mùng Một, anh ra bãi lấy xe và bắt đầu cuộc mưu sinh năm mới bằng cách cứ chạy rong rong trên đường và đón được tôi. “Xe nhiều, kinh tế lại khó khăn nên lượng khách đi taxi giảm”, anh Thành chia sẻ.

Người lái xe này chạy xe xuyên Tết để có mức thu nhập cao hơn ngày thường.

Trưa mùng Một Tết, tôi lại làm một cuốc taxi đi Xuân Mai. Trên hành trình hơn 30km, tôi nghe cậu lái xe tên Hoàn quê Nam Định tâm sự rất nhiều về chuyện nghề, chuyện đời. Hoàn bảo, ở quê cậu rất nhiều người làm nghề lái xe taxi. Có những gia đình, cả hai vợ chồng cùng lái xe. Ban đầu, họ lái xe thuê cho các hãng, sau này nhiều người gom góp mua cái xe cho vào hãng chạy. Như vậy, hàng tháng họ chỉ mất tiền đàm (bộ đàm), còn lại tự thu, tự chi nên thu nhập khá hơn đi chạy xe thuê. Hoàn cũng là người như vậy. Được gia đình hỗ trợ và vay mượn thêm, Hoàn mua chiếc xe 300 triệu đồng. “Em chạy cố mấy ngày Tết để lấy tiền trả nợ. Bao giờ chạy đủ tiền trả nợ thì em nhẹ gánh”, Hoàn nói. Rồi cậu thanh niên này còn tâm sự rằng, sau khi trả hết nợ sẽ về quê cưới vợ và đưa vợ lên Hà Nội. Đằng nào cũng phải thuê nhà trọ, vợ chồng ở cùng nhau vừa đỡ chi phí, vừa tiện chăm sóc nhau. Trước khi chia tay, tôi chúc cậu lái xe tên Hoàn có một cái Tết bội thu. Mùng 7 Tết, tôi gọi lại cho Hoàn thì cậu háo hức, “em đang chở khách đi chợ Viềng. Về gần quê rồi nhưng em không được về nhà nhưng may là có khách đi đường xa”, nghe giọng hồ hởi của Hoàn, tôi biết cậu có một cái Tết khác mỹ mãn.

3. Mùng Bảy, khi mà đường phố Hà Nội đã trở nên đông đúc hơn, tôi lên xe của anh lái xe tên Hà. Anh tâm sự, tháng giáp Tết, sau khi nộp hết tiền cước về cho hãng. Hãng trừ tiền xăng, tiền công đoàn, số tiền công anh được nhận là 2,9 triệu đồng. “Thấp kinh khủng”, anh chua xót chia sẻ. Còn trong mấy ngày Tết, ngày cao điểm nhất anh chạy được 1,9 triệu tiền cước. Anh Hà tính, trừ 50% cho hãng còn lại 950.000, trừ tiếp mấy trăm nghìn tiền xăng, tính ra công ngày Tết của anh trong ngày may mắn nhất chưa đầy 500.000 đ. “Ngày mùng Một lại gặp phải vị khách bắt chờ từ 13h đến 17h. Ngày Tết, tranh thủ chạy kiếm tiền mà gặp những vị khách như vậy thì lái xe buồn lắm”, anh Hà tâm sự. Hóa ra trong những ngày Tết, cánh lái xe taxi sợ nhất là những vị khách yêu cầu đợi. Mặc dù quy định của hãng là 30.000 đ/h đợi nhưng ngày Tết, khách nhiều gấp đôi, gấp ba ngày thường, anh em tranh thủ chạy mà lại phải để xe ở chế độ chờ thì đáng tiếc thật. Có những lái xe không chiều khách, khi nghe yêu cầu này thường từ chối ngay. Tuy nhiên, có những người như anh Hà hay nể nang nên nhận lời và nhận luôn cái ngậm ngùi…

Thế mới biết, cách ứng xử của hành khách – những người sử dụng dịch vụ ảnh hưởng như thế nào đến nồi bánh chưng của người lao động. Để xã hội ngày càng văn minh, chúng ta không chỉ cần những cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, mà cũng cần cả những người sử dụng dịch vụ hành xử đúng chuẩn mực. Lời than phiền của anh lái xe taxi gặp “vận đen” đúng ngày đầu năm mới giúp tôi hiểu điều rất đơn giản này.

Ngày mùng Chín Tết. Ngày đầu tiên trẻ em đến trường, người lớn đến công sở, tôi có cơ duyên gặp cậu lái xe tên Tuấn, quê ở Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Vợ Tuấn vừa sinh con trai được 2 tháng, Tuấn khoe với tôi. Mặc dù có vợ dại, con thơ nhưng Tuấn vẫn chạy xuyên Tết. Cứ 6h sáng, cậu phóng xe về Hà Nội, 7h tối về với gia đình. Tuấn cho rằng mình may mắn vì quê gần, chứ không như anh em cùng công ty là người tỉnh khác phải thuê trọ, Tết không được về quê ngày nào. “Ngày mùng Hai Tết, ăn bát bún, quơ hai đũa đã hết mà phải trả 40.000 đ. Ngày thường, tiền ăn đã hết cả trăm nghìn, ngày Tết còn đắt đỏ hơn nhiều”, Tuấn tâm sự. Tuấn còn khoe, mấy năm trước chạy xe trong 10 ngày Tết có thể kiếm được cả chục triệu, năm nay thì chỉ còn phân nửa. “Nhưng so với tiền công cả tháng, thì công chạy ngày Tết vẫn khá khẩm hơn”, Tuấn kết luận.

Hà Nội hiện có 108 doanh nghiệp vận tải taxi và số lượng người lái xe lên đến vài nghìn người. Đằng sau mỗi cái vô lăng là một người lái xe và cũng là một số phận. Xã hội ngày càng phát triển, taxi là phương tiện vận tải hành khách công cộng không thể thiếu. Lượm lặt những câu chuyện của họ trong ngày Tết, tôi muốn đề cập đến họ ở một góc nhỏ để thấy, công việc nào cũng vinh quang và hữu ích. Và làm việc ở thời khắc nào cũng có ý nghĩa cao cả hết.

Khi tôi viết những dòng này thì ngoài đường, rất nhiều taxi chạy qua. Ở góc đường, bác xe ôm vẫn kiên trì ngồi trên yên xe đợi khách... Mỗi người một nghề và đều có đóng góp cho xã hội. Những câu chuyện mưu sinh ngày Tết, từ của bà cụ 83 tuổi đến các anh lái xe taxi mà tôi viết trên đây cho thấy phần nào sự sinh động của cuộc sống. Một năm mới đang bắt đầu, chúng ta cùng bắt tay vào công việc và đều mong một tương lai tươi sáng

Cao Hồng
.
.
.