Chuyển biến nửa tháng thực hiện Tháng ATGT ở Hà Nội

Thứ Bảy, 17/09/2011, 17:15
Trên nhiều tuyến phố trung tâm Hà Nội, tình trạng dừng đỗ xe ôtô sai quy định đã được cải thiện đáng kể. Nhiều hè đường, lòng đường đã phong quang hơn. Người dân phần nào cũng đã ý thức hơn trong việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Ùn tắc vẫn xảy ra, song đã không còn nghiêm trọng như thời gian trước.

Có được kết quả này, là do sự nỗ lực không ngừng của lực lượng CSGT Hà Nội. Ngày 16/9, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an Hà Nội về TTATGT ở Thủ đô.

PV: Thưa Đại tá, đồng chí có thể cho biết kết quả sau 15 ngày lực lượng CSGT Hà Nội ra quân thực hiện Tháng An toàn giao thông?

Đại tá Nguyễn Duy Ngọc: Nhằm chủ động đảm bảo TTATGT, ANTT,  từ cuối tháng 8, Phòng CSGT Công an Hà Nội đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các lực lượng, tập trung xử lý vi phạm theo chuyên đề, mục tiêu đề ra trong Tháng ATGT. Cụ thể, đến nửa đầu tháng 9, lực lượng CSGT toàn thành phố đã xử lý 19.395 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 6 tỷ đồng (tăng 25% tổng số tiền phạt), tạm giữ 1.025 phương tiện các loại và 7.902 bộ giấy tờ, tước 3.342 giấy phép lái xe. Trong đó, đã xử lý gần 1000 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn (tăng 100%); 390 trường hợp vi phạm tốc độ; 3.676 trường hợp ôtô dừng đỗ sai quy định (ngoài việc phạt hành chính người vi phạm còn bị giữ giấy phép lái xe 30 ngày); xử lý 2.176 trường hợp thanh niên vi phạm luật giao thông mang theo vũ khí, ma tuý... và bàn giao cho cảnh sát hình sự 55 trường hợp có dấu hiệu tội phạm, để xác minh điều tra. Tai nạn giao thông xảy ra 26 vụ, so với cùng thời kỳ năm 2010 đã giảm 1 vụ.  

PV: Trong việc xử lý vi phạm quy định nồng độ cồn, đã có không ít trường hợp cố tình chống đối, gây khó khăn, nguy hiểm cho người thi hành công vụ. Những trường hợp này, lực lượng CSGT sẽ có biện pháp đối phó và xử lý như thế nào?

Đại tá Nguyễn Duy Ngọc: Đối với người có nồng độ cồn nhất định trong người, khi vi phạm, chỉ cần CSGT giải thích là họ cũng hiểu mình vi phạm. Song việc giải thích với người vi phạm trong tình trạng say xỉn thì khó khăn, vất vả hơn rất nhiều. Đã có trường hợp chúng tôi phải bố trí tới 2, 3 chiến sĩ và mất tới 30 phút, vừa yêu cầu thử nồng độ cồn, vừa giải thích cho người vi phạm nhìn thấy điểm sai, đồng ý ký biên bản. Đối với những trường hợp cố tình không chấp hành, hay có hành vi chống đối, chúng tôi sẽ lập thêm biên bản lỗi chống đối người thi hành công vụ, hay không chấp hành hiệu lệnh của Cảnh sát.

Nếu la hét gây rối sẽ bị lập biên bản gây rối trật tự nơi công cộng. Tất cả hành vi đó đều được điều chỉnh bằng pháp luật. Ngoài ra, Phòng CSGT cũng đã trang bị cho các chiến sĩ làm nhiệm vụ dùi cui điện, khoá số 8, súng đạn hơi cay... đồng thời dự kiến các tình huống có thể xảy ra, để anh em tập luyện, biết và phối hợp, đối phó. Song với gần 1.000 trường hợp đã xử lý, chưa có trường hợp nào vượt quá tình huống dự kiến.

CSGT có thể được đeo khẩu trang, kính màu khi làm nhiệm vụ ở những nơi nắng nóng, nhiều bụi

Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an Hà Nội cho biết: Khi phải làm nhiệm vụ ở những nơi vừa nắng nóng, vừa bụi bặm, chiến sĩ CSGT có thể đeo kính màu để bảo vệ sức khỏe, trong đó có đôi mắt cho chiến sĩ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên đường; khi hướng dẫn giao thông mà không phải thổi còi có thể đeo khẩu trang để tránh hít quá nhiều bụi. Còn khi đã tiếp xúc trực tiếp với nhân dân trong quá trình giải quyết vi phạm, cán bộ, chiến sĩ không được đeo khẩu trang hay kính màu.

Thanh Huyền
.
.
.