Chuyện “bếp núc” về phát hành báo

Thứ Năm, 21/06/2012, 15:18
Mỗi tháng trung bình Báo CAND phát hành 50 kỳ báo. Đó là các ấn phẩm: CAND hàng ngày; An ninh thế giới (ANTG) tuần; ANTG giữa tháng, cuối tháng; Cảnh sát toàn cầu (CSTC) tuần; CSTC tháng; Văn nghệ Công an (VNCA). Để đưa các ấn phẩm còn nóng hôi hổi tin tức thời sự, xã hội đến tay bạn đọc, để các ấn phẩm Báo CAND “phủ sóng” trên toàn quốc, những người làm công tác phát hành vốn dĩ khuất lấp trên mặt báo đã không quản bão bùng, khuya sớm...

1. Sáng 20/6, một ngày trước Ngày kỷ niệm báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), ghé qua bộ phận phát hành, tôi nhìn thấy chị Nguyễn Thị Ngọc Hà, cán bộ Ban Trị sự ngồi đếm tiền. Trên bàn chị, ngập tiền lẻ. Đủ các loại mệnh giá: 500 đ; 1.000 đ; 2.000 đ; 5.000 đ; 10.000 đ; 20.000 đ...

Cầm bút trên 10 năm, tôi phần nào cảm nhận rõ sự nhọc nhằn của nghề báo. Nhưng khi nhìn những đồng tiền bán báo vừa thu về, tôi mới vỡ lẽ ra rằng, những người làm công tác hậu cần nghề báo cũng cực nhọc rất nhiều. Cánh phóng viên chúng tôi xăng xái săn tin, lăn lộn để tìm tư liệu, lao tâm khổ tứ cho ra từng câu chữ. Còn những người làm công tác in ấn, phát hành, vừa lo để có những bản in báo sạch đẹp, vừa phải nỗ lực để báo đến tay người đọc một cách nhanh nhất, báo đi được xa nhất.

“Có khi, ôm cả bao tải tiền, nhưng về đếm chỉ được mười mấy triệu”, chị Hà cho biết. Chị còn kể, lúc tiền xu còn đang lưu hành, nhiều hôm phải ngồi cả buổi để phân loại, đóng cọc. Tiền bán báo chủ yếu tiền lẻ, nhưng cánh phóng viên chúng tôi khi lấy tiền nhuận bút, lĩnh lương thì được nhận tiền chẵn. Để có “tiền đẹp” phát cho anh em, bộ phận kế toán, thủ quỹ lại phải làm thêm công đoạn là ra ngân hàng... Nhờ đó, cánh phóng viên chúng tôi mới không bị “nặng ví” vì phải tiêu tiền lẻ. Đó cũng là cách ứng xử đẹp với những người làm nghề “mài mực” mà những người làm công tác trị sự của Báo đang làm.

Mà nào chỉ có chuyện ngồi máy lạnh thu tiền. Ngày nào, bộ phận kế toán cũng cử người có mặt từ lúc 3h50 ở địa điểm phát hành các ấn phẩm Báo CAND. Đây là giờ phát hành báo, các đại lý đến nhận báo, giao tiền... Bất kể trời nắng, mưa, gió rét, kế toán phải có mặt cùng với bộ phận phát hành để bán báo, thu tiền. Là phụ nữ mà phải ra khỏi nhà lúc nửa đêm, gà gáy rất cực nhọc.

Phát hành các ấn phẩm của Báo CAND tại 70 Trần Quốc Toản (Hà Nội).

2. Thượng tá Hoàng Thị Thắng, Thiếu tá Phùng Thị Minh Huệ là người có nhiều năm làm công tác theo dõi in ấn, phát hành. Từ 1, 2 ấn phẩm ban đầu, đến nay Báo CAND đã có 6 ấn phẩm. Thông qua số lượng phát hành, các chị cũng biết rõ sự phát triển của tờ báo mà mình gắn bó. Cũng từ công tác này, các chị biết rõ sự thăng trầm của báo viết qua từng giai đoạn.

“Công việc của chị bắt đầu từ mấy giờ?”, tôi hỏi. Chị Huệ cười và bảo rằng, tùy hôm. Nhưng trong tuần có 4 buổi cố định, chị phải ra khỏi nhà từ 3h30. Thấy tôi ngạc nhiên, chị cho biết, phần việc của chị có hai “hạng mục”: theo dõi in ấn và phát hành. Báo có 6 ấn phẩm, trừ CAND in vào buổi tối và phát hành hàng ngày vào mỗi buổi sáng; các ấn phẩm ANTG tuần phát hành thứ tư, thứ bảy hàng tuần; CSTC tuần phát hành thứ Năm; các ấn phẩm ANTG cuối tháng, giữa tháng; VNCA; CSTC tháng... vào các sáng thứ hai của tuần trong tháng. Thế nên, việc theo dõi in phụ thuộc vào ngày phát hành của từng ấn phẩm. Quy trình in báo gồm các phần việc: Kỹ thuật truyền xuống nhà in, ra bản kẽm, in thử mẫu, duyệt lại. Tiếp đến, lệnh in. Cán bộ theo dõi in phải dõi theo việc in từ lúc bấm máy cho ra tờ đầu tiên đến tờ cuối cùng. Không chỉ thế, cán bộ theo dõi còn phải kiểm tra chất lượng, phát hiện lỗi. Từ đó, mới phát hiện ra những bản in hỏng, kém chất lượng để loại đi. Có như vậy, mới đảm bảo, những tờ báo đến tay bạn đọc phải ngay ngắn từng dòng chữ, đẹp về hình thức.

Kết thúc in thường đã là đêm khuya. Lúc đó, chị tiếp tục làm công việc của người làm công tác phát hành. Đó là báo số lượng, chuyển cho Công ty Phát hành báo chí TW và chuẩn bị để 4h sáng hôm sau phát hành cho các đại lý tại Hà Nội. Nhiều hôm, chị không kịp về nhà mà ngủ lại luôn nhà in hoặc địa điểm phát hành.

 Những người làm công tác phát hành các ấn phẩm báo chí nói chung và Báo CAND nói riêng hẳn chưa quên trận mưa lịch sử tháng 10/2008. Với chị Huệ, đây là “dấu ấn” đặc biệt trong nghề làm phát hành. Mấy ngày mưa liên tục như trút nước, Hà Nội biến thành sông. Hôm đó là thứ Sáu, chị nhận nhiệm vụ in và phát hành ấn phẩm CAND. Rời nhà trong tình trạng, tầng 1 ngập. Chị phải mặc quần soóc, “thủ” trong người thêm chiếc quần dài rồi lõm bõm lội nước đến nhà in ở phố Thái Thịnh. Đến nơi, nhà in cũng bị nước tràn vào. Thế là nhà in phải dùng máy bơm, bơm nước ra ngoài. Khi in báo xong, lại chuyển đến địa điểm phát hành ở 70 phố Trần Quốc Toản – một con phố cũng nằm trong diện bị ngập nặng. Nhìn đường phố Hà Nội toàn nước là nước, chị ước giá như có cái... xuồng máy. Nghe chị Huệ chia sẻ về công việc của mình, tôi thấy mình như người mắc lỗi. Là phóng viên, tôi chỉ biết về công việc của mình mà không biết rằng, để những bài viết của mình đến với bạn đọc, những người chị Huệ, chị Hà, chị Lan, anh Phú, anh Hào, anh Chân, anh Phong... cũng quá đỗi nhọc nhằn.

3. Thượng tá Nguyễn Thị Hiển, Trưởng ban Trị sự, người mà cánh phóng viên trẻ hay gọi đùa là “mama tổng quản” cho biết, chị từng bị khách hàng rủa: “Không cho tao nợ tiền, mày chẳng ngồi đấy lâu nữa đâu”. Trời ơi! Sao lại có kiểu khách hàng nào kỳ lạ đến vậy chứ? “Việc này xảy ra cách đây lâu rồi, khi đó tôi đang làm Kế toán trưởng. Tôi cương quyết không cho vị khách này nợ tiền mua báo, thế là bị họ nói vậy đó...”. Điều đặc biệt là, sau khi buông ra những lời lẽ khó nghe như vậy, người này đã  xin lỗi và hiện vẫn là khách hàng của Báo. Ôi! Hóa ra, chuyện bếp núc trong phát hành báo cũng rất thị trường. Hiện nay, ngoài khách hàng lớn là Công ty Phát hành báo chí TW, Báo CAND có hơn 200 đại lý lớn, nhỏ trên toàn quốc. Những đại lý này là cầu nối, đưa các ấn phẩm của Báo đến tay bạn đọc. Dân gian ví, bán hàng như làm dâu trăm họ.

Quan điểm “khách hàng là thượng đế”, độc giả là người bạn trung thành được những người làm công tác phát hành rất coi trọng. Tự thân mỗi người làm công tác phát hành đều đề cao cách ứng xử văn hóa trong giao dịch. Khi Bộ Công an phát động cuộc vận động “CAND thực hiện nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”, Báo CAND phát động trong toàn cán bộ, phóng viên. Riêng Ban Trị sự đã phổ biến rất cụ thể cách ứng xử, giao tiếp trong quan hệ với khách hàng đến từng cán bộ làm công tác phát hành. Bởi lẽ, đây là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với các “thượng đế”. Thông qua các “thượng đế” này, Báo sẽ nắm bắt được nhu cầu bạn đọc để kịp thời đáp ứng những món ăn tinh thần có tính thời sự, tính định hướng và tinh thần nhân văn.

Mọi cán bộ, phóng viên công tác ở Báo CAND đều biết, nếu nghỉ thứ Bảy, Chủ Nhật, sáng thứ Hai đến cơ quan có tuần được 6 tờ báo mới. Đó là tờ CAND số thứ Bảy; CAND số Chủ Nhật; CAND số thứ Hai; ANTG tuần số ra thứ Bảy; cộng thêm ấn phẩm ANTG cuối tháng/ANTG giữa tháng hoặc CSTC tháng, VNCA. Nói ra điều này để bạn đọc thấy, số lượng các ấn phẩm của Báo rất đa dạng.

Là một tờ báo phát hành rộng khắp trên toàn quốc, đến tận các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo. Những người làm công tác phát hành Báo CAND có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Chị Hiển chia sẻ rằng, có hai yếu tố rất quan trọng trong một ấn phẩm báo chí. Đó là nội dung và phát hành. Nội dung có hay thì mới có độc giả. Phát hành tốt thì mới đưa báo đến với bạn đọc. Chị Hiển cũng tự hào cho biết, nhờ kinh nghiệm trong lĩnh vực này mà có báo đến học hỏi kinh nghiệm, nhờ phát hành giúp.

4. Để những ấn phẩm Báo CAND đẹp về hình thức, phải có sự hợp tác tốt của các nhà in. Hiện nay, Báo CAND in tại Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh. Tại Hà Nội, Báo in ở Công ty TNHH một thành viên Báo Hà Nội mới và in Ba Đình. Tại Đà Nẵng, báo in ở Chi nhánh Công ty Cổ phần Tập đoàn truyền thông Thanh niên tại miền Trung.

Tại thành phố HCM, báo in tại Công ty TNHH một thành viên Báo Nhân dân. Để báo đến tay độc giả, đặc biệt là độc giả vùng sâu, vùng xa, phải kể đến sự phối hợp của Công ty Phát hành báo chí TW. Ngoài ra, còn có sự đóng góp không nhỏ của hơn 200 đại lý trên toàn quốc.

Cầm trên tay tờ báo vừa in còn thơm mùi mực, sự háo hức đón nhận tin nóng cảm giác đó thật lạ. Đó là thành quả của phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, Ban biên tập... Đưa nó đến tay bạn đọc, là công sức của những người phát hành.

Dù khuất lấp trên mặt báo nhưng chính những người phát hành đã quảng bá tờ báo, đóng góp không nhỏ cho Báo CAND phát triển bền vững như hôm nay

Cao Hồng
.
.
.