Chuốc bực mình từ thẻ ATM

Thứ Ba, 15/04/2008, 15:45
Sau 2 - 4 ngày, tính đến ngày bị phát giác: 11/1/2008, Tâm đã rút trót lọt hơn 2,6 tỉ đồng với 1.315 lần giao dịch bằng thẻ ATM “rỗng” tại hệ thống máy rút tiền của Eximbank.

Có thể nói “lỗi” xảy ra nhiều nhất với thẻ ATM là tình trạng “nuốt thẻ” mà mới đây nhất là “vụ” của anh Vũ Huy Hoàng trú tại quận Ba Đình, Hà Nội. Anh Hoàng là khách hàng dùng thẻ ATM của Vietcombank (Ngân hàng Ngoại thương).

Khoảng 17h30, ngày 31/3, sau khi đã dừng lại ở 3 máy trên đường Hoàng Quốc Việt để rút tiền đều không được vì máy báo lỗi, anh Hoàng tiếp tục đến máy ATM trên đường Văn Cao. Nhưng, tại đây, anh Hoàng không những không rút được tiền mà còn bị máy “nuốt” mất thẻ, mặc dù anh  đã không vi phạm một thao tác nào trong việc rút tiền.

Không chỉ một mình anh Hoàng, rất nhiều khách hàng khác cũng lâm vào cảnh tương tự.

Một trường hợp mà nhiều tờ báo nhắc đến trong thời gian gần đây: chị Trần Thị Minh Tâm, phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ngày 10/3, chị Tâm đi rút tiền lương bằng thẻ ATM của Ngân hàng Quốc tế (VIBank).

Chị đã phải hì hục tại một số máy bên đường Tây Sơn (gần Đại học Thủy Lợi) và đường Hoàng Cầu (máy ATM của Ngân hàng Ngoại thương) nhưng tất cả các máy ở đây đều không hoạt động.

Đến khi tìm được 3 máy gần nhau trên đường Giảng Võ (có một máy hoạt động) chị Tâm vui mừng. Song không ngờ “niềm hy vọng cuối cùng” ấy cũng tắt khi đút thẻ vào máy và làm thao tác quen thuộc để rút 2 triệu đồng, chị Tâm chẳng lấy được tiền sau một hồi lâu chầu chực. Không những thế, chiếc thẻ của chị còn bị nuốt, dù máy đã nhận lệnh rút tiền.

Nhìn chung, những sự cố xảy ra với thẻ ATM “muôn hình vạn trạng”: “Nuốt thẻ”; trừ tiền trong tài khoản của khách hàng, trả thiếu tiền, trả thừa tiền...

Thậm chí, có máy ATM còn trả tiền rách cho khách hàng. Điển hình là máy ATM của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nằm trên đường Hoàng Quốc Việt. 3 khách hàng là cán bộ của Trường Cao đẳng Sư phạm TW đều nhận được 3 tờ tiền mệnh giá 100.000 đồng bị rách cùng một chỗ.

Để tiền trong thẻ ATM có an toàn?

Không chỉ có những sự cố như đã kể trên, nghiêm trọng hơn những vụ rút trộm tiền từ thẻ ATM đã xảy ra. Gần đây nhất phải kể đến vụ rút 2,6 tỉ đồng đầy "li kỳ" từ thẻ ATM của Ngân hàng Eximbank do Huỳnh Ngọc Tâm ngụ tại quận 6 TP HCM thực hiện.

Là người làm công cho một bà chủ trên đường Phan Văn Khỏe, Tâm được bà chủ giao cho 2 thẻ ATM: một của Ngân hàng Đông Á, một của Eximbank để “lĩnh” trọng trách rút tiền do bạn hàng chuyển qua rồi trả cho bà.

Khi đến máy ATM của Techcombank, Tâm dùng thẻ của Ngân hàng Đông Á để rút tiền nhưng máy báo không thực hiện được giao dịch. Tâm chuyển sang thẻ ATM của Eximbank thì lạ thay lại rút được tiền. Lạ hơn nữa là tài khoản trong thẻ của Eximbank “rỗng” không còn đồng nào thế mà Tâm vẫn rút được.

Đúng là “bắt được vàng”, nảy sinh lòng tham, Tâm không trả thẻ ATM của Eximbank cho chủ nữa mà chỉ trả thẻ của ngân hàng Đông Á. Vì biết tài khoản thẻ của Eximbank đã hết tiền nên bà chủ của Tâm cũng không quan tâm đến thẻ này.

Thấy ngon ăn, Tâm liên tục rút tiền qua thẻ ATM của Eximbank. Và sau 2 - 4 ngày, tính đến ngày bị phát giác: 11/1/2008,  Tâm đã rút trót lọt hơn 2,6 tỉ đồng với 1.315 lần giao dịch bằng thẻ “rỗng” Eximbank.

Cũng tương tự, bà Trần Thanh Thủy, nhân viên xí nghiệp thương mại mặt đất Nội Bài, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, đã phát hiện 30 triệu đồng trong tài khoản “không cánh mà bay” sau khi thực hiện giao dịch rút tiền qua máy ATM ở sân bay Nội Bài.

Bà Thủy cho báo giới biết thì thẻ ATM là vật bất ly thân với bà, chưa bao giờ nó bị thất lạc hay bà cho ai mượn. Bà cũng không tiết lộ mật khẩu với bất kỳ ai. Cho nên việc bị mất 30 triệu đồng chắc chắn là bị kẻ gian rút trộm.

Như vậy, sự cố xảy ra với thẻ ATM không dừng ở chuyện trục trặc máy móc mà nó đã trở thành vụ việc mang tính hình sự... Và đây đang là vấn đề khiến ngành ngân hàng "đau đầu" để tìm ra giải pháp bảo đảm bảo mật thẻ ATM của khách hàng.

Thẻ từ hay thẻ chip?

Hiện có 2 loại là thẻ từ và thẻ chip đang phổ biến rộng rãi ở nước ta. So sánh hai loại, thẻ chip cao cấp hơn và có “độ” an toàn cao hơn, kẻ gian khó xâm nhập hơn. Vì thẻ này sản xuất theo công nghệ cao khi sử dụng con chip để mã hóa bảo mật thông tin của chủ thẻ.

Dù chất lượng thẻ chip cao hơn, nhưng số lượng khách hàng sử dụng thẻ từ lại phổ biến hơn thẻ chip. Như Ngân hàng VPBank, trong khi có tới 46.000 khách hàng sử dụng thẻ từ thì khách hàng sử dụng thẻ chip chỉ có khoảng 7.000.

Nguyên nhân của sự chênh lệch này không phải do chi phí khách hàng phải trả cho mỗi loại thẻ khác nhau mà do hệ thống máy ATM lắp đặt trong nước chỉ nhận thẻ từ. Còn máy ATM đọc thẻ chip rất ít, thậm chí còn chưa có. Hiện nay, chỉ VPBank là ngân hàng tiên phong đang triển khai lắp đặt ATM đọc thẻ chip để phục vụ khách hàng. 

Với việc chỉ có hệ thống máy ATM đọc thẻ từ mà không có máy đọc thẻ chip, loại thẻ cao cấp cho thấy cơ sở để xây dựng một xã hội không sử dụng tiền mặt chưa vững chắc. Mà cơ sở hạ tầng chưa được xây dựng chu đáo thì nó sẽ gây ra hàng loạt rắc rối

Tú Anh
.
.
.