Chưa xác định chính xác con số thất thoát của Đề án 112

Thứ Tư, 31/10/2007, 08:00

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Vương Đình Huệ, do Bộ Tài chính chưa xác định được đơn giá xây dựng và triển khai phần mềm khiến đến nay chưa xác định được chính xác con số thất thoát của Đề án 112.

Sáng 30/10, Kiểm toán Nhà nước chủ trì cuộc họp báo thông tin về những nội dung xung quanh kết quả kiểm toán Đề án 112 về tin học hoá quản lý hành chính Nhà nước. Kết quả kiểm toán cho thấy, tổng mức đầu tư được duyệt cho cả giai đoạn của Đề án 112 là hơn 3.800 tỷ đồng. Trong đó, tổng kinh phí đã cấp phát hơn 1.500 tỷ đồng, tổng kinh phí đã sử dụng gần 1.160 tỷ đồng.

 Theo quy định, do là dự án nhóm A, Đề án 112 buộc phải có Ban quản lý (BQL) dự án để thay mặt Chính phủ quản lý, đầu tư. Tuy nhiên, đề án này không có BQL mà chỉ do ông Vũ Đình Thuần (khi đó là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) kiêm nhiệm làm Trưởng ban chỉ đạo điều hành.

Không căn cứ vào dự toán, kế hoạch vốn đầu tư, nhưng Ban điều hành đề án lại phân bổ vốn đầu tư cho các bộ, ngành địa phương căn cứ vào tốc độ giải ngân của từng đề án. Do đó, tạo cơ chế "xin- cho", dẫn đến chênh lệch vốn đầu tư do T.W cấp giữa các tỉnh, thành phố và giữa các bộ, ngành với nhau.

Cụ thể, đã có 43 trong số 116 đơn vị được cấp vốn đầu tư (gồm 64 tỉnh, thành phố và 52 Bộ, ngành) được cấp vượt tổng mức đầu tư của đề án đã được thẩm định gần 110 tỷ đồng. Mặc dù thời điểm năm 2006 đã kết thúc giai đoạn I, chưa triển khai giai đoạn tiếp theo của đề án, nhưng Đề án 112 vẫn được phân bổ vốn đầu tư tới 150 tỷ đồng.

Trong năm 2002 và 2003, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho các Bộ, ngành, địa phương trong khi chưa có quyết định đầu tư của chủ đầu tư, do đó một số đơn vị phải phân bổ kinh phí sang năm sau.

Bên cạnh đó, dù không lập kế hoạch vốn đầu tư cho dự án tại đơn vị mình để gửi lên cấp trên, đa số các đơn vị bị kiểm toán vẫn được cấp vốn triển khai.

Một số dẫn chứng điển hình như việc nghiệm thu cả khối lượng trước khi đề án được phê duyệt 170 triệu đồng ở Yên Bái hoặc tiền của đề án đã được sử dụng sai mục đích: chi cho trang bị phòng đào tạo tin học tại UBND tỉnh Điện Biên 492,3 triệu đồng; tạm ứng chi phí quản lý lớp học cho các tỉnh, Bộ, ngành (vừa không đúng nhiệm vụ vừa vượt định mức) hơn 2,33 tỷ đồng...

Ngoài ra, qua kiểm toán còn cho thấy, nhiều khoản chi thuộc nhiệm vụ của Ban điều hành đề án 112 nhưng lại vẫn ký hợp đồng, chi tiền cho các cá nhân, tổ chức thực hiện, như việc chi cho ông Bùi Thế Hồng đi theo dõi, giám sát và đánh giá các khóa huấn luyện ứng dụng công nghệ thông tin đề án; cho Công ty Tin học Bộ Xây dựng kiểm tra kết quả thi công phần mềm dùng chung.

Ban điều hành mặc dù đã ký hợp đồng với một số đơn vị, nhưng vẫn tạm ứng sai quy định, không thuộc nhiệm vụ chi tổng kinh phí 16,3 tỷ đồng cho 64 tỉnh, thành phố triển khai ba phần mềm dùng chung. Thực tế kiểm tra một số địa phương, phát hiện số tiền này đã dùng để chi cho hội nghị, tiếp khách, phụ cấp lương cho cán bộ...

Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, việc tích hợp, cung cấp thông tin phục vụ điều hành, quản lý hành chính của các cấp lãnh đạo mà mục tiêu đề án đặt ra đã không đạt được, nhiều nơi còn chưa xây dựng xong mạng cục bộ (mạng LAN).

Chưa hết, chỉ có một trong số ba phần mềm dùng chung thuộc hệ điều hành tác nghiệp được sử dụng, còn hai phần mềm hầu như không sử dụng được. Còn lại 45 phần mềm dùng chung, trong khi đã ứng kinh phí gần 23 tỷ đồng, đa số chưa triển khai được diện rộng và nếu không được triển khai, sử dụng sẽ gây thất thoát, lãng phí lớn cho Nhà nước.

Ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, cán bộ tin học chỉ có hai, ba người, tuy có nhiều máy nhưng không có người sử dụng; hàng trăm học viên được đào tạo không đúng đối tượng.

Tại Ban điều hành Đề án 112 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng có sản phẩm được đầu tư 300 triệu đồng nhưng không được sử dụng, còn Ban điều hành Đề án 112 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ký một hợp đồng thực hiện dự án phần mềm "Hệ quản lý văn bản hồ sơ công việc" trị giá gần một tỷ đồng nhưng tại cùng thời điểm, phần mềm tương tự lại chỉ có báo giá 231 triệu đồng...

Trả lời câu hỏi của các phóng viên tại cuộc họp báo, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước đã thông tin thêm về những sai sót của một số Bộ trong việc này, như Bộ Kế hoạch và Đầu tư dù Ban điều hành Đề án 112 không gửi dự trù kinh phí nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn phân bổ 150 tỉ đồng vốn đầu tư cho đề án. Bộ Tài chính thì đồng ý cho Ban điều hành Đề án 112 quyết toán cả kinh phí không có trong dự toán.

Năm 2003, Bộ Tài chính cho phép thí điểm định mức, đơn giá xây dựng và triển khai phần mềm và giao Ban điều hành đề án chủ trì, phối hợp xây dựng trình Bộ này ban hành định mức để áp dụng chính thức và cho đến nay vẫn chưa có định mức nên thiếu căn cứ pháp lý để quyết toán chứng từ.

Việc phân bổ kinh phí nói trên theo Kiểm toán Nhà nước là vi phạm Luật Ngân sách. Việc Bộ Tài chính chưa xác định được đơn giá khiến đến nay chưa xác định được chính xác con số thất thoát. Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước cũng khẳng định, trong việc này kiểm toán không hề né tránh và thậm chí đã cung cấp đầy đủ tài liệu cho cơ quan điều tra…

Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước cũng đánh giá về tổng quát, Đề án 112 đã đáp ứng được một số yêu cầu như xây dựng cổng thông tin điện tử Chính phủ, triển khai phần mềm diện rộng ở các địa phương, phổ biến kiến thức công nghệ thông tin, chuyển biến nhận thức của công chức đối với tin học…

Tổng Kiểm toán Vương Đình Huệ cũng khẳng định, không phải toàn bộ Đề án 112 sai, mà từ đây làm rõ để rút ra bài học là đối với dự án triển khai diện rộng cần phải có chuyên gia đủ tầm, có cơ chế xây dựng thẩm định đề án, lấy ý kiến chặt chẽ.

Việc CQĐT bắt ông Vũ Đình Thuần là về hành vi tham ô tiền mua bán phần mềm, sách, không phải bắt ông Thuần với tư cách Trưởng Ban điều hành Đề án 112

Bá Tuấn
.
.
.