Trung tâm thương mại kết hợp chợ ở Hà Nội hoạt động không hiệu quả:

Chưa thể bỏ dứt điểm chợ dân sinh, chợ tạm

Chủ Nhật, 07/07/2013, 00:19
Giữa nội thành Hà Nội, ở các quận nội thành, thậm chí luôn là những vị trí đắc địa, nhưng các trung tâm thương mại kết hợp chợ, mới xây dựng khang trang, đẹp đẽ lại vắng như “chùa Bà Đanh”, không tiểu thương nào xin vào bán hàng. Thậm chí, có nơi đã phải chuyển đổi mô hình kinh doanh, cho thuê làm nhà hàng karaoke. Trong khi đó, chợ cóc, chợ tạm vẫn mọc lên khắp nơi, gây ô nhiêm môi trường và mất trật tự xã hội.
>> Trung tâm thương mại "ngáp" giữa ban ngày

Cao - to nhưng không hợp chuẩn

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, đúng là Hà Nội đang tồn tại rất nhiều trung tâm thương mại kết hợp chợ hoạt động không hiệu quả, trong khi thực tế, chợ cóc, chợ tạm vẫn đang phát sinh ở nhiều quận, huyện.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, từ nhiều năm nay, tình trạng chợ cóc họp ven tỉnh lộ, quốc lộ, đã gây mất trật tự an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mà chưa được xử lý triệt để. Trong khi đó, Hà Nội có rất nhiều dự án trung tâm thương mại và chợ. Cho đến thời điểm này, trên địa bàn Hà Nội đã hoàn thành đầu tư xây dựng 5 công trình chợ kết hợp trung tâm thương mại và đưa vào sử dụng 4 công trình, đó là: Chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm), chợ Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa), chợ Thanh Trì (huyện Thanh Trì). Hiện công trình chợ - trung tâm thương mại 19-12 đang được UBND quận Hoàn Kiếm và chủ đầu tư thực hiện các thủ tục để đưa vào hoạt động.

Theo ông Sửu, việc xây dựng chợ kết hợp với các hoạt động dịch vụ khác, như trung tâm thương mại, siêu thị, văn phòng cho thuê… nhằm thu hút các nguồn vốn của mọi thành phần kinh tế đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất hệ thống chợ, nâng cao hoạt động thương mại theo hướng văn minh, hiện đại. Nhưng thực tế, ngay sau khi hình thành, mô hình này đã bộc lộ nhiều yếu điểm: hoạt động kinh doanh tại khu vực chợ truyền thống kém hiệu quả hơn trước, chưa đảm bảo việc kinh doanh ổn định của các tiểu thương trong chợ. Vì thế, tiểu thương không mặn mà vào chợ lớn, mà vẫn thích bán tại các chợ cóc, chợ tạm. 

Đơn cử như một số dự án xây dựng chợ - trung tâm thương mại trên nền chợ cũ có diện tích nhỏ, có thiết kế khu vực để xe ở tầng hầm với lối xuống dốc, người dân ngại đưa xe xuống gửi, đã không khuyến khích người dân vào tham quan, mua sắm (điển hình là chợ Cửa Nam). Việc thực hiện các quy hoạch không đồng bộ, công trình chợ - trung tâm thương mại hoàn thành đầu tư xây dựng nhưng các công trình hạ tầng xung quanh chợ tiến độ hoàn thành không đồng bộ dẫn đến khó thu hút người dân vào mua sắm (điển hình là chợ Ô Chợ Dừa có quy hoạch đường Kim Liên kéo dài qua chợ đến nay chưa thực hiện)... Bên cạnh đó, người dân có thói quen mua sắm ngay trên xe, phần lớn người dân ngại gửi xe trước khi vào chợ.

Tiểu thương không mặn mà với mô hình trung tâm thương mại kết hợp chợ Hàng Da.

Hủy 2 dự án xây chợ

Trước ý kiến dư luận bức xúc xung quanh vấn đề, TP vẫn chưa có giải pháp gì để khắc phục tình trạng các dự án chợ kết hợp với các loại hình dịch vụ khác (trung tâm thương mại, siêu thị, văn phòng...) hoạt động hiệu quả thấp như hiện nay và các dự án đầu tư xây dựng chợ chậm được triển khai, sẽ xử lý như thế nào, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho biết, đối với chợ hoạt động hiệu quả thấp, Hà Nội đã hủy 2 dự án là chợ Chợ Hôm Đức Viên và chợ Nghĩa Tân. TP cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, rà soát các dự án chợ kết hợp với các loại hình dịch vụ khác, trên cơ sở đó đã cho giãn tiến độ 9 dự án, như: Đuôi Cá, Ngã Từ Sở, Thượng Đình, Khương Đình, Xuân La, Thành Công B, Khương Thượng. Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư trong lúc chờ đợi phải cải tạo, đầu tư để bảo đảm chợ vẫn hoạt động bình thường, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

“Để xảy ra tình trạng chợ cóc, chợ tạm họp tràn lan, trách nhiệm chính thuộc về chính quyền sở tại. Nếu giải tỏa rồi mà vẫn để tái phạm thì chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trước UBND TP”, ông Sửu nhấn mạnh.

Với vấn đề này, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh cho rằng, chợ không chỉ thuần túy là vấn đề dân sinh, giải quyết tốt vấn đề quy hoạch, xây dựng chợ, cũng đồng nghĩa là giải quyết tốt những vấn đề liên quan khác, như an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, quản lý tốt nguồn thu cho ngân sách.

Theo bà Thanh, chưa thể “dẹp” ngay được chợ dân sinh trong thời điểm này (kể cả 5/7 năm nữa) vì đây là nhu cầu tất yếu, chính đáng của người dân. Bởi vậy, phải hài hòa giữa việc triển khai xây dựng trung tâm thương mại và chợ dân sinh.

Như vậy, rõ ràng, với mô hình đang hoạt động không hiệu quả, gây lãng phí như các trung tâm thương mại kết hợp chợ như hiện nay, Hà Nội cần đánh giá lại hiệu quả các dự án triển khai loại hình chợ kết hợp các dịch vụ khác, thậm chí phải xem xét lại chủ trương xã hội hóa khi triển khai xây dựng loại hình này xem có cần điều chỉnh không; nếu điều chỉnh thì điều chỉnh như thế nào? Khẩn trương triển khai xây dựng chợ theo quy hoạch. Đồng thời, phải rà soát lại các dự án xây dựng chợ. Lưu ý, giãn tiến độ khác với dừng dự án. Nếu giãn, hoãn tiến độ, thì phải có thời gian cụ thể. Chợ tạm phải xử lý nghiêm, nếu đã hết hạn. Đề nghị không cho phép họp chợ tạm trên đường giao thông. Cần có sự vào cuộc tích cực hơn trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm, an toàn giao thông tại các chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn TP

Ngọc Yến
.
.
.