Đề xuất đường bay thẳng Hà Nội - TP HCM:

Chưa ngã ngũ vì không đủ cơ sở khoa học

Thứ Hai, 07/12/2009, 08:49
6 ngày sau khi Bộ GTVT gửi công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấm dứt xem xét phương án "đường bay vàng" bay thẳng Hà Nội - TP HCM, ngày 6/12, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam đã tổ chức một buổi Hội thảo khoa học về "Hiệu quả kinh tế" của đề xuất này, với sự góp mặt của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, Cục Hàng không Việt Nam và ông Mai Trọng Tuấn - người đưa ra đề xuất đường bay.

Sau một ngày tranh luận, hội thảo "khoa học" này vẫn chưa đưa ra được một ý kiến thống nhất, bởi lý luận của cả 2 bên đều chưa đủ thuyết phục.

Cục Hàng không Việt Nam vẫn phản đối vì "thiếu hiệu quả"

Giống như tinh thần Công văn số 8429 (ngày 30/11) Bộ Giao thông vận tải gửi báo cáo Chính phủ (trên cơ sở kết quả cuộc họp với sự tham gia của Bộ Quốc phòng, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ (Vụ Kinh tế ngành), Bộ Tổng tham mưu, Quân chủng Phòng không - Không quân, Cục Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Bảo đảm hoạt động bay Việt Nam), ông Lại Xuân Thanh một lần nữa khẳng định "Cục Hàng không Việt Nam phản đối ý tưởng này vì nó không khả thi".

Thừa nhận "bay thẳng là nguyên lý đầu tiên bất cứ người làm hàng không nào cũng nghĩ đến" và "chắc chắn bay thẳng sẽ gần hơn", nhưng dựa trên các tính toán, ông Thanh khẳng định đường bay ông Mai Trọng Tuấn đề xuất không thực sự hiệu quả, ngay cả trên khía cạnh kinh tế.

Theo tính toán mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam và Việt Nam Airlines, đường bay mới chỉ tiết kiệm được 40km (bằng 2,5 phút bay) so với đường bay đang áp dụng (nếu tính bay thẳng Nội Bài - Tân Sơn Nhất) và 60km (nếu tính đường hàng không từ sân bay Nội Bài đến sân bay Tân Sơn Nhất theo kinh tuyến 106 độ Đông).

Việt Nam Airlines (đơn vị chủ yếu khai thác đường bay nội địa) cho biết sẽ không khai thác đường bay mới này vì chi phí xăng dầu tiết kiệm được không bằng chi phí tăng thêm do phải đóng tiền cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay cho Lào, Campuchia (320 USD và 454 USD đối với loại tàu bay B777, chưa kể phụ thu trong ngày nghỉ và ngày lễ của Campuchia) và phải chịu các khoản phí, lệ phí đối với chuyến bay quốc tế.

Theo tính toán, chi phí  cho bay thẳng nhiều hơn khoảng 800 USD so với đường bay hiện tại - chưa kể chi phí phục vụ hành khách. Về đảm bảo an toàn, đường hàng không này giao cắt với 15 đường hàng không quốc tế, nội địa của cả 3 nước, phải chuyển giao qua 4 Vùng thông báo bay và 11 cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu với thời gian ngắn (có nhiều lần chuyển sóng liên lạc chỉ trong khoảng 2 đến 3 phút) là yếu tố tăng nguy cơ tiềm ẩn uy hiếp an toàn bay. Hàng loạt những khó khăn trong cấp phép bay, tìm kiếm - cứu nạn cũng được đơn vị này đưa ra.

Không chỉ thế, văn bản của Bộ Giao thông vận tải còn nhấn mạnh: Theo đại diện của Bộ Quốc phòng, đường hàng không thẳng này có các yếu tố ảnh hưởng lớn đến an ninh - quốc phòng: bay ngang khu vực cấm bay Hà Nội, khu vực hạn chế bay sân bay Biên Hòa và các không vực huấn luyện, tác chiến của không quân, phải mở thêm nhiều điểm ra/vào biên giới.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chấm dứt việc xem xét phương án này do "không phù hợp về yêu cầu kỹ thuật, không có hiệu quả kinh tế và ảnh hưởng đến an toàn hàng không, ảnh hưởng đến an ninh - quốc phòng".

Cần tính toán lại cụ thể lợi ích

Một bên cho rằng ý tưởng không khả thi; trong khi một bên nhất định cho rằng bên kia phản đối là bởi "lý do riêng"… đã khiến cuộc Hội thảo có lúc rơi vào tình trạng bắt bẻ câu chữ lẫn nhau. Riêng về tính toán thời gian và quãng đường tiết kiệm được, 2 bên đã thiếu thống nhất.

Trong văn bản tranh luận với Cục Hàng không Việt Nam, ông Mai Trọng Tuấn cho rằng đường bay mới rút ngắn được gần 200km/chuyến bay, tức là mỗi hành khách đã giảm được 12% - 16% giá vé, mỗi chuyến bay 150 hành khách có thể tiết kiệm được 1.575 USD, và mỗi ngày có thể tiết kiệm được hàng trăm nghìn USD.

Con số này khác rất xa số tính toán của Việt Nam Airlines. Về phía Cục Hàng không Việt Nam, trong các văn bản giải trình chính thức, đơn vị này cũng đã đưa ra đến 3 con số về quãng đường tiết kiệm được: 142km, 60km và 40km. Ông Lại Xuân Thanh cho biết, đây đều là những con số "đúng" trong thời điểm của nó. Con số 142km là so với đường bay cũ chưa được điều chỉnh (vào tháng 7/2009), còn 60 và 40km là so với 2 phương án có thể thực hiện từ đề xuất của ông Tuấn.

Tuy nhiên, điều đáng nói là không bên nào đưa ra được những luận điểm thuyết phục để chứng minh tính toán của mình là đúng. Các nhà khoa học tham gia ý kiến cũng mới chỉ dừng lại ở lý luận chung chung. Thêm vào đó, bên chủ trì là Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cũng không phải là một đơn vị có hiểu biết về lĩnh vực hàng không để có thể làm trọng tài, khiến cuộc hội thảo khoa học không đủ những dẫn chứng khoa học để thuyết phục lẫn nhau.

Dù ai đúng, ai sai, thì cái đích cuối cùng của cuộc tranh luận vẫn là vì lợi ích chung, vì sự phát triển của hàng không Việt Nam. Cục Hàng không Việt Nam cho rằng: Để có cơ sở kết luận chính thức, 2 bên nên ngồi cùng nhau tính toán một cách cụ thể phương án bay, lợi - hại thế nào sẽ nhìn ra được từ những con số khoa học. Ông Mai Trọng Tuấn cũng cho biết sẵn sàng hợp tác để tính lại bài toán này

Dã Thảo
.
.
.