Công bố kết quả nghiên cứu lao động Việt Nam tại Hàn Quốc không về nước:

Chưa làm rõ nguyên nhân thì khó có giải pháp hiệu quả

Thứ Tư, 17/07/2013, 20:41
Ngày 16/7, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức công bố kết quả nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến việc lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng tại Hàn Quốc không về nước, ở lại cư trú và làm việc không có giấy tờ hợp pháp, được Bộ này thực hiện từ tháng 11/2012 đến tháng 5/2013, dưới sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính của Tổ chức lao động quốc tế.
>> Vận động lao động hết hợp đồng tại Hàn Quốc trở về đạt hiệu quả thấp

Đây là một trong những nghiên cứu được nhiều người kỳ vọng để từ đó đưa ra được những giải pháp thích hợp nhằm hạn chế và ngăn ngừa tình trạng bỏ trốn ngoài hợp đồng của lao động Việt Nam, với mục đích cao nhất là mở lại thị trường đã bị phía Hàn Quốc đóng cửa từ tháng 8 năm ngoái, cứu hàng chục nghìn lao động đang đối mặt với nguy cơ hết hạn chứng chỉ tiếng Hàn vào cuối năm nay.

Hơn ai hết, lao động có nhu cầu đi làm việc ở Hàn Quốc theo chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài (EPS) ở nhiều tỉnh thành trên cả nước và thân nhân của họ, đang mong ngóng từng ngày, từng giờ các thông tin về thị trường Hàn Quốc khi nào mở lại, liệu họ có còn hy vọng để được đi không hay bao nhiêu công sức, thời gian, tiền bạc bỏ vào các lò luyện tiếng Hàn, thi đạt chứng chỉ trở thành công cốc.

Theo đánh giá của Bộ Việc làm Hàn Quốc, việc không giảm được tỷ lệ lao động bỏ trốn ngoài hợp đồng, chiếm tới trên 50%, cao nhất trong số 15 quốc gia phái cử lao động vào Hàn Quốc, trở thành một vấn đề hết sức nghiêm trọng. Câu hỏi lớn mà phía bạn đặt ra đối với các cơ quan thực hiện chương trình EPS ở Việt Nam là tại sao trong cùng khuôn khổ chương trình EPS, được thực hiện như nhau ở nhiều quốc gia, Việt Nam lại có số lượng lao động bất hợp pháp cao nhất, trong khi tỷ lệ này chỉ từ 12 đến 20% ở các nước khác trong cùng khu vực?

Lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng tại Hàn Quốc về nước đúng hạn được tham gia kỳ thi tiếng Hàn trên máy tính để quay lại Hàn Quốc làm việc. Đã có 1.150 lao động Việt Nam thuộc diện này được trở lại trong tổng số 5.162 lao động của các quốc gia phái cử.

Trong báo cáo nghiên cứu của Bộ LĐ-TB&XH công bố trong sáng 16/6 cũng thừa nhận tình trạng một bộ phận người lao động đã phải chi phí rất cao (80 đến 200 triệu đồng/người) cho việc làm thủ tục xuất cảnh, do thiếu hiểu biết nên bị lừa đảo hoặc đã cố tình mất tiền để không phải vất vả làm hồ sơ hay học và thi tiếng Hàn. Đây cũng được liệt vào một trong những nguyên nhân mà ngay từ khi bước chân sang Hàn Quốc họ đã có ý định tìm cách ở lại Hàn Quốc lâu dài hay bỏ ra ngoài tìm kiếm việc làm có thu nhập cao để bù đắp lại khoản tiền đã chi trả.

Có 4 nhóm nguyên nhân được nghiên cứu của Bộ LĐ-TB&XH chỉ ra, tập trung vào hạn chế về nhận thức và ý thức của nhiều lao động Việt Nam. Tiếp đến là nhu cầu sử dụng lao động di cư không có giấy tờ hợp pháp của các chủ sử dụng lao động Hàn Quốc; nhóm nhân tố liên quan đến công tác tuyển dụng và quản lý lao động đi làm việc ở Hàn Quốc. Cuối cùng là liên quan đến môi trường và thể chế, chính sách và công tác quản lý lao động di cư của Hàn Quốc. Qua nghiên cứu, Bộ LĐ-TB&XH chỉ ra một nguyên nhân khá quan trọng là hiện nay vẫn thiếu các ràng buộc pháp lý giữa cơ quan phái cử lao động (Trung tâm lao động ngoài nước) và người lao động. Việc ký kết hợp đồng lao động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với người lao động cũng như vấn đề bảo lãnh chưa được thực hiện. Do đó, người lao động đi làm việc ở Hàn Quốc dễ dàng phá hợp đồng ra ngoài làm hay ở lại Hàn Quốc sau khi hết hạn hợp đồng lao động mà không phải lo lắng đền bù… 

Từ nghiên cứu này, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra một loạt giải pháp, trong đó có hai giải pháp đáng chú ý là tăng cường ràng buộc pháp lý. Thực hiện ký kết hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài giữa Trung tâm lao động ngoài nước và người lao động. Xây dựng ký quỹ, cơ chế người bảo lãnh, xử phạt nặng người lao động ở lại quá hạn hợp đồng… Đồng thời thành lập Văn phòng đại diện của Trung tâm lao động ngoài nước tại Hàn Quốc để kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng Hàn Quốc giải quyết những vướng mắc, tranh chấp lao động.

Tuy nhiên kết quả của báo cáo nghiên cứu của Bộ LĐ-TB&XH ngay lập tức đã vấp phải sự phản biện của đại diện Bộ Việc làm Hàn Quốc. Theo bà Kim Bukyung, Cục Lao động nước ngoài, Bộ Việc làm Hàn Quốc thì với mẫu nghiên cứu quá nhỏ, chỉ nghiên cứu trong 10 doanh nghiệp (DN) trong tổng số 76.393 DN vừa và nhỏ tiếp nhận lao động nước ngoài của Hàn Quốc thì chưa đủ thuyết phục. Bà Kim Bukyung cho hay, năm 2012, chính Bộ Việc làm Hàn Quốc đã tiến hành điều tra trên 754 DN, các DN này cho hay, họ ưa chuộng lao động Philippines và Indonesia hơn lao động Việt Nam. Nhưng tỷ lệ lao động bất hợp pháp của hai nước này chỉ 12-20%, không cao như Việt Nam. Bà Kim cũng khẳng định, về mức lương, các DN Hàn Quốc chi trả cho lao động Việt Nam không thấp hơn lao động của Thái Lan và Philippines. Việt Nam cần điều tra, so sánh với các quốc gia khác cùng thực hiện chương trình EPS để tìm ra cách thực hiện, khi họ có tỷ lệ bỏ trốn thấp hơn Việt Nam rất nhiều.

Mở lại thị trường tiếp nhận lao động Hàn Quốc phụ thuộc nhiều vào việc chúng ta có tìm ra nguyên nhân căn bản để có được giải pháp hiệu quả giảm tỷ lệ lao động làm việc bất hợp pháp mà thôi, chứ không phải là những nguyên nhân được kết luận một cách vội vàng

Thu Uyên
.
.
.