Chưa có trường hợp nào tử vong vì dịch tiêu chảy cấp

Thứ Hai, 05/11/2007, 09:34

Theo TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tính đến ngày 4/11, trên cả nước đã có 602 ca nghi mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm và 81 ca xác định dương tính. Tuy nhiên chưa có trường hợp nào tử vong vì dịch tiêu chảy cấp.

Chiều 4/11, thông tin với báo chí về diễn biến dịch tiêu chảy cấp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết, Bộ Y tế đang tiếp tục chỉ đạo các tỉnh chưa có dịch nhưng có nguy cơ cao cũng phải tích cực giám sát và triển khai các biện pháp chủ động phòng chống dịch.

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cũng cho biết, mặc dù các bệnh viện tuyến TW đang bị quá tải nhưng bệnh nhân vẫn được điều trị tốt và đến nay chưa có trường hợp nào tử vong. "Đây là một bệnh cần có thời gian cách ly sau điều trị và có thể điều trị được tại tuyến cơ sở, do đó Bộ Y tế khuyến cáo không đưa bệnh nhân lên tuyến trên mà điều trị tại chỗ để tránh lây lan" - Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, qua điều tra, phần lớn các trường hợp bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm đều liên quan tới việc sử dụng thực phẩm không hợp vệ sinh như mắm tôm sống, rau sống, thực phẩm tươi sống, hải sản… dịch diễn biến phức tạp, phân tán trên địa bàn rộng và Bộ Y tế cũng xác định rằng đây là một dịch được lan truyền theo nguồn thực phẩm không hợp vệ sinh.

"Tình hình dịch sẽ có những diễn biến tiếp tục phức tạp nếu không thực hiện các biện pháp mạnh và triệt để. Bởi vì trước thực trạng vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, việc cung cấp nước sạch, tập quán sử dụng thức ăn đường phố… của Việt Nam còn có nhiều khó khăn. Đặc biệt, các khu vực vừa trải qua lụt bão đang là khu vực có nguy cơ rất cao bùng phát bệnh".

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho biết, hiện Bộ Y tế đã thành lập Ban Chỉ đạo và tổ chức họp hằng ngày vào 16h để phối hợp triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch, nắm bắt thông tin và giải quyết kịp thời các tình huống xảy ra. Cho đến nay, các biện pháp đã được triển khai tích cực, các bệnh nhân đều được phát hiện sớm, điều trị và cách ly kịp thời.

Chiều 4/11, tại cuộc họp BCĐ phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, đã có 11 tỉnh có dịch (Hà Nội, Hà Tây, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Bình, Hải Dương, Thanh Hóa và Nghệ An). Số huyện, xã phát hiện có dịch cũng gia tăng. Trong đó, cơ số mắc mới ở Hà Nội - địa phương nhiều bệnh nhân nhất, có xu hướng giảm và tiếp tục gia tăng bệnh nhân ở các tỉnh mới.

Theo TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tính đến ngày 4-11, trên cả nước đã có 602 ca nghi mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm và 81 ca xác định dương tính. Theo ThS Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, Viện hiện có 286 bệnh nhân trong đó có 117 bệnh nhân dương tính với tiêu chảy cấp nguy hiểm. Ngoài ra, còn có 14 trường hợp bệnh nhân có kết quả soi tươi bệnh phẩm âm tính, nhưng kết quả cấy khuẩn lại thấy có vi khuẩn gây bệnh. Có hai trường hợp nhập viện trong tình trạng đã suy thận vô liệu, có biểu hiện lâm sàng tiêu chảy cấp.

Đặc biệt, tại Bệnh viện Quân y 103, có một bệnh nhân 87 tuổi ở Thường Tín, Hà Tây, bị rối loạn tiêu hóa, kết quả soi tươi mẫu bệnh phẩm âm tính với tiêu chảy cấp, đã tử vong. Hiện có khá nhiều bệnh nhân nhập viện muộn hoặc trong tình trạng nguy kịch

Đ.B.T – T.L .
.
.
.