Chưa có thuốc 'trị' nạn thực phẩm ngâm, tẩm hóa chất

Thứ Ba, 27/01/2015, 08:26
Chỉ đạo tại cuộc họp liên ngành về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) vào cuối tuần qua tại TP Hồ Chí Minh, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh: “Tuy TP chưa xảy ra tình trạng tử vong do ngộ độc thực phẩm, nhưng ngộ độc vẫn thường xuyên xảy ra. Ngoài ra, các ban, ngành đã nỗ lực nhưng phải thừa nhận là làm chưa tới nơi, nhất là vấn nạn thực phẩm sử dụng hóa chất phụ gia cấm. Quản lý, giám sát hóa chất phụ gia thực phẩm phải được coi là nhiệm vụ quan trọng trong năm 2015 của 3 ngành: Công Thương, Y tế và NN&PTNT của thành phố, nhằm đảm bảo người dân có nguồn thực phẩm an toàn”.

Đ kiu thc phm “ăn” hóa cht

Trong năm 2014, TP Hồ Chí Minh đã xảy ra 8.776 vụ việc phải xử lý liên quan tới việc kinh doanh - sản xuất thực phẩm không đảm bảo ATVSTP. Trong đó, trên 8.000 vụ việc phải tiêu hủy sản phẩm để đảm bảo nguồn thực phẩm nguy hại không tới tay người tiêu dùng (NTD). Nổi cộm là nhiều vụ việc lên quan tới thực phẩm thịt tươi gia súc - gia cầm (GS-GC) bị ngâm, tẩm hóa chất độc hại để đánh lừa NTD.

Trạm Thú y Bình Chánh cho biết, do địa bàn giáp ranh với tỉnh Long An, Đồng Nai..., đây là khu vực phát hiện rất nhiều vụ việc SX, chế biến thịt heo, thịt gà hư hỏng, biến chất bị ngâm hóa chất, bán cho NTD. Điển hình như vụ việc mới đây nhất, 500kg thịt heo đã xuất huyết, rỉ dịch hôi thối được ngâm axít nguy hại đang chuẩn bị được đưa ra thị trường. Vụ việc phát hiện tại hộ ông Nguyễn Văn Tâm, ngụ ấp 3, xã Bình Hưng, quận Bình Chánh. Ông Tâm đã tái phạm nhiều lần bằng một hình thức làm ăn thiếu lương tâm là thu gom hàng thịt heo trôi nổi từ miền Trung, miền Bắc với giá rẻ mạt, rồi ngâm vào dung dịch axít Sulfur dioxide pha với nước lã.

Chỉ sau 10 phút, miếng thịt heo thối đã biến thành thịt đỏ tươi như vừa “ra lò”. Sau đó, để tạo độ dai, giòn, thịt heo trên lại được ngâm vào dung dịch borax, là hóa chất dùng trong hàn kim loại. Giá mua 500kg lô heo trôi nổi chỉ có 30 ngàn đồng/kg; khi “thành phẩm”, giá bán ra thị trường gấp 3 lần. Ngoài ra, để bán được số lượng nhiều, ông chủ này cung ứng thịt heo “ăn” hóa chất trên (lấy giá bằng 1 nửa giá thịt heo ngoài thị trường) về các bếp ăn tập thể, khu chợ tự phát bán cho công nhân... Cứ vào mùa có dịch bệnh GS-GC, ông Tâm lại thu gom thịt heo hư, thối, heo chết vì bệnh và ngâm tẩm hóa chất, bảo quản trong tủ cấp đông, chờ ngày bán ra thị trường.

Trong năm 2014, Trạm thú y Bình Chánh còn phát hiện rất nhiều vụ việc gia cầm gà, vịt được bôi màu vàng lên da gà bằng hóa chất véc-ni dùng trong sản xuất đồ gỗ; hay thịt heo, thịt bò, lòng bò dù đã bốc mùi, thịt nhão chảy nước nhưng cứ được “tắm” qua hóa chất tẩy trắng là lại như tươi, mới mà các chủ “lò” này thừa nhận mua hóa chất tại chợ Kim Biên. Trong đó, có 2 loại là H2O2 và NaClO được nhiều thương lái heo mua nhiều nhất.

Mỡ heo được tái chế ngâm hóa chất làm lạp xường được lực lượng chức năng phát hiện tại huyện Bình Chánh.

Không “làm d” thì làm sao phát hin thc phm không an toàn?

Tại cuộc họp với cơ quan chức năng quản lý ATTP 24 quận, huyện vào chiều 22/1 tại TP Hồ Chí Minh, ông Lê Thanh Liêm đã chỉ rõ: “Vì lợi nhuận mà việc kinh doanh, vận chuyển, chế biến thực phẩm không an toàn vẫn xảy ra. Cứ nhìn số vụ việc xử lý tại Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức cho biết việc quản lý giám sát tại nơi này, nơi kia còn chưa nghiêm, tại sao rất nhiều lô hàng thịt GS-GC không đảm bảo vệ sinh nhưng vẫn lọt qua hết các trạm kiểm dịch tỉnh về thành phố. Nếu Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức không “làm dữ” thì những thực phẩm hư hỏng này sẽ lọt vào tận bàn ăn của người dân”.

Được biết, trong năm 2014, chỉ tính riêng tại Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức, đã có 290 vụ việc vi phạm được phát hiện, tổng số tang vật bị tiêu hủy khoảng trên 11.980kg thịt GS-GC không đảm bảo. Tại cuộc họp liên ngành trên, một cán bộ thuộc Chi cục ATVSTP TP Hồ Chí Minh thừa nhận, vấn nạn thực phẩm bị ngâm, tẩm hóa chất độc hại vẫn đang là một thách thức rất lớn với cơ quan chức năng và chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để.

Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP, hiện đáp ứng nhu cầu của người dân, TP mới cung cấp được khoảng 78% tổng nhu cầu về nguồn thịt heo và trên 86% tổng nhu cầu về thịt gà..., còn lại là vẫn phải dùng nguồn thực phẩm GS-GC từ các tỉnh lân cận chuyển về. Trong khi đó, lực lượng thanh kiểm tra quá mỏng, việc kiểm tra không xuể. Trong năm 2014, trong các mẫu xét nghiệm của thịt tươi GS-GC phát hiện nhiều mẫu không đảm bảo qui định về vệ sinh thú y, chủ yếu là nguồn thịt GS-GC từ các tỉnh (Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu…). Nhiều mẫu thịt lấy tại lò giết mổ trên địa bàn TP phát hiện hàm lượng kháng sinh còn tồn dư như Sulfadimidin, Tetracyline vượt ngưỡng cho phép.

Qua giám sát các mẫu thịt heo, bò, gà tại các chợ đầu mối như Bình Điền, Tân Xuân - Hóc Môn, hay mẫu lấy tại các khu vực giết mổ, điểm kinh doanh, nhà hàng, quán ăn, đã phát hiện trên 800 mẫu nhiễm vi khuẩn Salmonella, vi khuẩn hiếu khí, và E.Coli. Và đây là một trong nguyên nhân khiến trong năm 2014 trên địa bàn thành phố vẫn xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể với số người mắc trên 30 người, làm 412 người phải nhập viện điều trị.

Huyền Nga
.
.
.