Chưa có phương án tối ưu việc thu phí ôtô vào trung tâm TP HCM để giảm kẹt xe

Thứ Sáu, 30/04/2010, 10:10
Theo một chuyên viên về giao thông nhận xét: Thực hiện thu phí ở vùng lõi đô thị, chắc chắn sẽ tạo ra thói quen chọn tuyến tránh khu vực thu phí. Khi đó tình hình tắc nghẽn cục bộ sẽ xuất hiện ở các tuyến giáp ranh với khu vực thu phí..

Mặc dù nguyên nhân gây kẹt xe tại TP HCM được xác định rất rõ là do nhiều yếu tố kết hợp lại. Song để giải quyết vấn nạn này, các nhóm giải pháp mang tính cưỡng bức về tài chính đối với người điều khiển phương tiện nhằm hạn chế ùn tắc giao thông cho khu vực nội đô thành phố luôn được lựa chọn. Mở đầu là việc tăng mức lệ phí trước bạ đối với ôtô, xe máy. Và trong lúc giải pháp tăng mức xử phạt vi phạm về trật tự an toàn giao thông lên gấp 2 - 4 lần đã được Chính phủ cho phép áp dụng thí điểm từ ngày 20/5 tới thì chính quyền thành phố đang tiếp tục cho phép nghiên cứu dự án "Thu phí ôtô chống ùn tắc giao thông".

Theo đó, ngay trong tháng 4 này, Công ty Tiên Phong, đơn vị được giao đầu tư nghiên cứu, xây dựng hệ thống thu phí tự động sẽ hoàn thành việc đề xuất dự án. Đến tháng 8/2010, Tiên Phong sẽ thực hiện nghiên cứu khả thi và sau đó là các bước thiết kế kỹ thuật, xây lắp và vận hành thử để đến tháng 12/2011 sẽ bàn giao cho đơn vị khác quản lý, khai thác hệ thống thu phí tự động này. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các phương án do đơn vị được thành phố giao làm "chủ xị" trong việc nghiên cứu đưa ra vẫn còn bộc lộ những hạn chế.  

Một vụ ùn tắc giao thông có nguyên nhân từ xe buýt. Ảnh Đ.T.

Kết quả tính toán sau quan trắc của Tiên Phong cũng cho thấy: Khi không thu phí, vận tốc bình quân trên hệ thống đường sá hiện tại đạt 19km/h; tổng thời gian ùn tắc toàn mạng lưới lên tới 27,1 triệu giờ; số chuyến đi liên vùng của các loại phương tiện đạt 15,8 triệu chuyến, chiếm 57% của tổng nhu cầu đi lại hàng ngày trong khu vực nghiên cứu.

Thế nhưng, nếu thu phí theo phương án vùng hẹp tập trung vào lõi đô thị, vận tốc trung bình sẽ tăng lên 27,2km/h, tỷ lệ sử dụng xe ôtô con trên đường giảm được 1,5% thì ngược lại, tỷ lệ người đi xe gắn máy sẽ tăng lên 2% còn số người đi xe buýt vẫn vậy. Ở các phương án thu phí với ôtô đi vào vùng rộng, vùng đa cấp, vận tốc lưu thông bình quân tăng lên trên 28km/h, tỷ lệ xe ôtô con tham gia giao thông giảm được 2 - 2,3% thì tỷ lệ người đi xe máy sẽ tăng thêm 3% nữa và lượng người chuyển sang đi xe buýt cũng chỉ tăng được 1%.

Từ các kết quả nghiên cứu trên, Tiên Phong đã đưa ra nhận xét rằng: Cả 3 phương án thu phí đều góp phần cải thiện tình hình giao thông, nhất là phương án thu phí ôtô đi vào vùng rộng, vùng đa cấp…

Theo một chuyên viên về giao thông nhận xét: Thực hiện thu phí ở vùng lõi đô thị, chắc chắn sẽ tạo ra thói quen chọn tuyến tránh khu vực thu phí. Khi đó tình hình tắc nghẽn cục bộ sẽ xuất hiện ở các tuyến giáp ranh với khu vực thu phí. Và hơn hết, mục đích thực hiện thu phí đối với xe ôtô là nhằm hạn chế số lượng xe tập trung về khu vực trung tâm, khuyến khích người dân sử dụng xe buýt để từ đó giảm kẹt xe sẽ không đạt được

Đức Thắng
.
.
.