Chưa có DN nào được cấp phép đưa lao động sang làm việc tại Angola

Thứ Ba, 26/02/2013, 12:28
Trong thời điểm này, khi chưa có DN XKLĐ nào chính thức được phép thực hiện đưa lao động sang Angola, người lao động khi ký hợp đồng đi làm việc tại nước này cần phải kiểm tra kỹ các thông tin về hạn ngạch tiếp nhận lao động nước ngoài; có visa lao động, có tên chủ sử dụng lao động, địa chỉ DN tại Angola.

Mặc dù đến thời điểm này, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH khẳng định chưa cấp phép cho doanh nghiệp dịch vụ XKLĐ nào được đưa lao động sang làm việc tại Angola nhưng một số DN đã đăng thông báo tuyển trên nhiều trang mạng tuyển dụng, thậm chí chi nhánh, văn phòng đại diện của một số công ty ở một số tỉnh, thành phố đã đăng tuyển và thu tiền đặt cọc đảm bảo hợp đồng của người lao động.

Chưa đăng ký hợp đồng đã thông báo tuyển là vi phạm

Trong lúc đang thất nghiệp, anh Đặng Văn Kiêm ở Thụy Lôi (Tiên Lữ, Hưng Yên) được một người rỉ tai là người nhà của cán bộ ở Bộ LĐ-TB&XH giới thiệu cho một công ty đưa lao động sang Angola. Sau khi tìm đến văn phòng đại diện tiếp nhận hồ sơ của Công ty CP XKLĐ và thương mại du lịch (Colecto) tại tỉnh Hưng Yên, anh Kiêm được cán bộ ở đây quảng cáo là công ty này đang tuyển lao động đi làm việc tại các dự án ở Angola: ngành xây dựng trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học và có thể đi nhanh, chỉ sau 2, 3 tháng kể từ khi lao động trúng tuyển, nộp đầy đủ hồ sơ, tiền đặt cọc 1.000 USD và được Cục Quản lý lao động ngoài nước thẩm định hợp đồng. Thấy mức thu nhập khá cao từ 18 đến 25 triệu đồng, anh Kiêm có sẵn nghề hàn nên đã thu xếp khoản tiền 22 triệu đồng đặt cọc đảm bảo hợp đồng tại văn phòng của Công ty Colecto tại Hưng Yên.

Anh Kiêm cho biết, có nhiều lao động ở Hưng Yên, Thái Bình… cũng đã nộp tiền đặt cọc nhưng khi nghe được thông tin phát trên truyền hình về thị trường này chưa chính thức và chứa nhiều rủi ro, anh và một số lao động đã nhiều lần đến văn phòng đại diện tại Hưng Yên và lên cả trụ sở chính của công ty để xin lại tiền đặt cọc nhưng công ty đều không chấp nhận hoàn trả.

Người lao động có nhu cầu đi làm việc tại Angola cần liên hệ với Cục Quản lý lao động ngoài nước để kiểm tra thông tin.

Đặc biệt, công ty này còn đưa ra thông báo tuyển công khai, theo lao động phản ánh thì đã đăng quảng cáo trên Đài truyền hình tỉnh. Trong khi đó, phía Cục Quản lý lao động ngoài nước đã khẳng định, Công ty Colecto chưa đăng ký hợp đồng cung ứng lao động sang Angola. Về nguyên tắc phải có hợp đồng thì mới được phép tuyển chọn. Nếu không đăng ký mà đã tạo nguồn là vi phạm quy định pháp luật đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Truy cập vào nhiều mạng tuyển dụng, các thông báo tuyển đi Angola cũng rất nhiều. Đáng chú ý là thông báo tuyển của Công ty CP XKLĐ và Thương mại du lịch Dầu khí Hải Phòng, thông báo tuyển 100 lao động xây dựng, thợ cốt pha, thợ sắt; Trung tâm tư vấn XKLĐ và Du học 19006810 tuyển lao động thợ sơn, pha sơn, với mức lương hấp dẫn 1.200 USD/tháng... Mức chi phí đưa lao động sang Angola đều được đưa ra từ 5.500 USD đến 6.000 USD. Cùng với các thông báo tuyển rầm rộ, thì việc một số lao động đã xuất cảnh theo diện cá nhân sang Angola làm việc, càng khiến nhiều lao động mong muốn được đi để có thu nhập cao.

Chưa có doanh nghiệp nào được cấp phép đưa lao động sang Angola

Trước rất nhiều thắc mắc và băn khoăn của người lao động có nhu cầu đi làm việc ở Angola, ngày 25/2, PV Báo CAND đã có buổi làm việc với ông Lê Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước về thị trường này. Ông Thanh cho biết: Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã có đoàn sang Angola khảo sát và nhận thấy đây là thị trường cần tiếp nhận nhiều lao động.

Người lao động học tập, nâng cao trình độ trước khi đi làm việc tại nước ngoài.

Ông Thanh khẳng định, đến thời điểm này chỉ có 2 doanh nghiệp là Công ty CP xây dựng, dịch vụ và hợp tác lao động Oleco và Công ty cổ phần cung ứng nhân lực quốc tế IMS đăng ký với Cục hợp đồng đưa lao động sang làm việc tại Angola. Tuy nhiên các điều kiện chưa đảm bảo nên Cục cũng chưa cho thực hiện.

Đối với Công ty Colecto, đến nay Cục chưa nhận được đăng ký hợp đồng nào của công ty này và cũng chưa cho phép DN nào thực hiện nên tất cả các DN tuyển lao động đi Angola đều là vi phạm quy định của pháp luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Trong thời điểm này, khi chưa có DN XKLĐ nào chính thức được phép thực hiện đưa lao động sang Angola, người lao động khi ký hợp đồng đi làm việc tại nước này cần phải kiểm tra kỹ các thông tin về hạn ngạch tiếp nhận lao động nước ngoài; có visa lao động, có tên chủ sử dụng lao động, địa chỉ DN tại Angola. Mọi điều khoản của hợp đồng có gì nghi ngờ cần liên hệ với Cục để Cục thông qua ĐSQ Việt Nam phụ trách thị trường này thông tin chính xác.

Tới thời điểm này, vẫn chỉ có 3 loại đối tượng sang Angola làm việc: Thứ nhất là chuyên gia nông nghiệp, y tế đã sang làm việc từ trước theo Hiệp định giữa hai Chính phủ. Thứ hai là thân nhân của các lao động này (đi theo diện bảo lãnh, visa là thân nhân). Thứ ba là công nhân, lao động phổ thông sang theo diện thân nhân bảo lãnh và một số hình thức khác sang làm việc cho các công trình dân dụng, một số tự mở cửa hàng, nhưng diện này công việc thường không ổn định, trong khi chi phí sinh hoạt và y tế tại Angola rất đắt đỏ.

Thu Uyên
.
.
.