Viết tiếp loạt bài: Chủ trương thay SGK mới – phải quyết liệt, khẩn trương:

Chưa chuẩn bị gì, làm sao thí điểm từ 2015?

Thứ Ba, 04/06/2013, 10:57
Chương trình SGK hiện nay đã bộc lộ nhiều nhược điểm, nhu cầu đổi mới đã đặt ra. Tuy nhiên, đổi mới thế nào còn quan trọng hơn bản thân việc phải đổi mới, bởi mỗi lần như vậy tốn kém rất nhiều tiền của, làm xáo trộn cả quá trình dạy và học.
>> Sách phải được viết bài bản và nghiêm cẩn

Làm sao để tránh lặp lại “vết xe đổ” của bộ SGK hiện hành, Báo CAND đã có cuộc trao đổi với GS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm UB Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, người đang dẫn đầu đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện giám sát việc đảm bảo chất lượng và chương trình SGK giáo dục phổ thông.

PV: Thưa Giáo sư, chương trình giám sát của Quốc hội về việc đảm bảo chất lượng và chương trình SGK hiện đã thực hiện đến đâu?

GS Đào Trọng Thi: Việc giám sát đang ở trong quá trình. Hiện mới kết thúc khảo sát, chúng tôi đang xử lý kết quả và đang chờ các báo cáo của các địa phương. Tháng 8 mới có kết quả cuối cùng để trình Thường vụ Quốc hội. Chuyên đề giám sát lần này liên quan đến một số khía cạnh: đánh giá về chương trình SGK trong giai đoạn vừa qua, đánh giá về công tác chuẩn bị đổi mới SGK trong giai đoạn tới để dự kiến đến năm 2015 sẽ bắt đầu triển khai thí điểm.

PV: Giáo sư có thể cho biết sơ bộ kết quả giám sát?

GS Đào Trọng Thi: Đánh giá một cách khái quát, thì cũng có những chủ trương lớn của chương trình SGK không đạt mục tiêu đề ra. Ví dụ chủ trương về phân ban, trong quá trình thực hiện đã thay đổi rất nhiều, và cái mà đến bây giờ chốt lại, trên thực chất không còn tính chất phân ban. Trước kia chúng ta xuất phát điểm có 2 phân ban rất mạnh là Ban tự nhiên và Ban xã hội nhân văn (XHNV), sau đó bổ sung thêm Ban cơ bản. Nhưng đến bây giờ, Ban tự nhiên và Ban XHNV teo lại, đặc biệt là Ban XHNV. Đa phần các trường chọn Ban cơ bản cùng với việc dạy nâng cao một số môn học được lựa chọn theo các khối thi của ĐH. Có thể nói, trên thực tế giờ chỉ còn 1 ban thôi, tức là nó trái với cái ban đầu.

PV: Như vậy có thể nói đây là sự thất bại của phân ban không thưa Giáo sư?

GS Đào Trọng Thi: Thất bại theo nghĩa mình đã không đạt được mục tiêu ban đầu. Chúng tôi cho rằng có thể đây là điều phải ghi nhận lại vì nó phản ánh đúng nhu cầu thực tế. Có những điều chúng ta đặt ra chưa chắc đã phù hợp. Bây giờ người dân mong muốn ban cơ bản được phân hóa bởi các môn nâng cao theo các khối thi, ta không nên coi đó là tiêu cực, mà ta làm sao thiết kế các khối thi đó cho phù hợp thì vẫn đạt được mục tiêu rộng hơn là vẫn dạy học phân hóa trên nền tảng các môn học cốt lõi cơ bản chung.

Việc thay đổi sách giáo khoa mới cần phải có lộ trình.

PV: Ngoài vấn đề về chủ trương phân ban, còn điều gì đáng bàn về bộ SGK hiện hành?

GS Đào Trọng Thi: Cái thứ 2, chương trình SGK cũng được nhận định về cơ bản là còn nặng và thiên về lý thuyết, chưa quan tâm đầy đủ đến rèn luyện các kỹ năng, đặc biệt là các kỹ năng sống. Cái thứ 3 là năng lực học tập tiếp thu của học sinh của ta có sự phân hóa. Vùng đô thị phát triển thì cao hơn; vùng nông thôn, vùng núi, và đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì thấp hơn. Nếu chúng ta cứng nhắc thực hiện một chương trình mang tính toàn quốc mà không có sự phân biệt về đối tượng, vùng miền, hoàn cảnh... thì không phù hợp. Vấn đề đặt ra là có thể chúng ta có một chương trình chuẩn với một nội dung cốt lõi để áp dụng chung, nhưng cũng phải có sự mềm dẻo để áp dụng cho từng đối tượng.

Cái quan trọng nữa là chúng ta quan tâm nhiều về thiết kế chương trình SGK, nhưng điều kiện để đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông không chỉ là chương trình SGK, mặc dù đó có thể là trọng tâm. Ít nhất mình phải chuẩn bị 2 điều kiện nữa, đó là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Đội ngũ giáo viên phải được chuẩn bị chủ động từ trước để anh đủ khả năng thực hiện chương trình đó.

PV: Thưa Giáo sư, rõ ràng là điều kiện của chúng ta còn khó, và cái khó nó bó cái khôn. Tuy nhiên, trong số đó thì điều gì là cái nền tảng chúng ta nên thay đổi trước tiên để cải thiện chất lượng giáo dục?

GS Đào Trọng Thi: Chương trình đổi mới giáo dục phổ thông sắp tới trọng điểm là đổi mới chương trình SGK. Nhưng rút kinh nghiệm của lần trước chúng ta làm không tốt, bây giờ phải thiết kế chương trình chuyển từ trang bị kiến thức sang chuyện rèn luyện năng lực. Cái dạy học phân hóa có thể phải có cách tiếp cận mới. Bên cạnh một chương trình chuẩn cốt lõi chung, người ta phải có một cái phần mềm. Phần mềm đó phải đáp ứng được các đòi hỏi của các đối tượng khác nhau, vùng miền khác nhau, với định hướng nghề nghiệp khác nhau. Rất có thể nó là cái mà hiện chúng ta đang dừng lại: dạy theo Ban cơ bản và nâng cao theo các khối thi.

PV: Tức là phần cứng thì nhẹ đi và có chương trình mềm cho học sinh lựa chọn để học?

GS Đào Trọng Thi: Phần cứng thì gọn lại, chọn lọc; còn phần mềm có thể là tự chọn và thiết thực hơn. Kiến thức rất nhiều, mình phải chọn lọc rất kỹ để có thể chuyển tải nó trong một thời lượng cho phép, phải đẩy mạnh việc dạy tích hợp. Rút kinh nghiệm lần trước đội ngũ giáo viên của chúng ta không đi trước 1 bước, lần này phải thực hiện điều đó. Không chỉ thay đổi đội ngũ giáo viên mới, mà còn phải đào tạo hàng triệu giáo viên cũ hiện đang giảng dạy. Tất cả công việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên đều phải đi trước 1 bước, ít nhất 10 năm. Ngoài ra cũng cần phải có một đề án về cơ sở vật chất sao cho đồng bộ.

Ngược lại, chương trình SGK cũng phải phù hợp với năng lực thực tế của đội ngũ giáo viên và năng lực tiếp thu của học sinh, năng lực của đất nước trong việc đáp ứng được cơ sở vật chất cho các nhà trường. Không phù hợp với điều kiện thực tế, chính là một khuyết điểm lớn của ta. Đừng có cao xa. Học sinh không có điều kiện để tiếp thu, thầy giáo không có năng lực để truyền đạt, cơ sở vật chất cũng không có điều kiện để phục vụ thì chương trình có hay đến mấy, hội nhập quốc tế cao đến mấy cũng không có tác dụng. Tôi cho rằng đó là kinh nghiệm mà chúng ta cần rút ra cho việc chuẩn bị đổi mới chương trình SGK trong thời gian tới.

PV: Thưa Giáo sư, theo dự kiến thì đến năm 2015 chúng ta phải bắt đầu thực hiện thí điểm. Với những gì chúng ta có trong thời điểm này, liệu sự chuẩn bị đến năm 2015 đã đủ chưa?

GS Đào Trọng Thi: Với chuẩn bị như hiện nay thì cũng khó đấy. Nói năm 2015 bắt đầu, nhưng mới là triển khai từ lớp 1. Lên được đến lớp 12 cũng phải năm 2027. Bởi vậy mình cũng còn thời gian rất dài. Nhưng cái khó là nếu muốn không phải làm một cách vội vã và cuốn chiếu, viết sách lớp 1 chưa biết sách lớp 2 là gì, để hậu quả là không có được một bộ sách có tính thống nhất xuyên suốt; thì phải thiết kế toàn bộ hệ thống với sự chi tiết, cụ thể tương đối, để tránh thi công rồi mới biết là không phù hợp. Nếu có yêu cầu như vậy thì 1,5 năm còn rất ít. Nói riêng quản lý ở cấp vĩ mô thôi, muốn có 1 cuộc đổi mới chương trình SGK, về nguyên tắc là phải trình Quốc hội để thông qua một Nghị quyết giống như chúng ta đã làm từ năm 2000. Nếu chúng ta cứ ôm Luật Giáo dục hiện giờ, và Nghị quyết năm 2000 ra thì chẳng có gì đổi mới cả. Muốn có đổi mới toàn diện thì phải có một Nghị quyết mới chứa đựng những tư tưởng mới, chủ trương mới. Tôi thì tôi cho rằng sẽ rất gấp gáp nếu muốn có tất cả các điều kiện về hành lang pháp lý để đến năm 2015 có thể thí điểm.

PV: Như vậy có thể nói hành lang pháp lý chưa có và ý tưởng cũng chưa?

GS Đào Trọng Thi: Hành lang pháp lý thì chưa, còn ý tưởng thì ngành GD-ĐT chưa công bố một cái gì chính thức cả. Về đào tạo giáo viên thì các trường sư phạm cũng chưa được khởi động gì và các sự chuẩn bị khác cũng chưa có. Ý tưởng có thể họ có, nhưng họ không nói thì làm sao mình biết.

PV: Theo Giáo sư, sự không thành công của bộ SGK lần trước của chúng ta là do vấn đề năng lực hay phương pháp của những người thực hiện?

GS Đào Trọng Thi: Tôi nghĩ chủ yếu do phương pháp và do sự chuẩn bị chưa được chu đáo. Còn các chuyên gia rất tâm huyết và rất cố gắng. Những người tham gia công tác này thì rất trách nhiệm, không có nghi ngờ gì cả. Phương pháp tổ chức và việc quản lý cái đó chưa đủ tầm. Hoặc nhiều khi do mình đặt kỳ vọng lớn quá, cũng là tâm huyết thôi, nhưng nó vượt qua khả năng của đội ngũ giáo viên, khả năng của đất nước và vượt lên với chính cả khả năng học tập của học sinh.

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội): Vài năm lại thay sách, tốn kém vô cùng

Về cải cách giáo dục tận gốc, đầu tiên phải xem lại chất lượng, trong đó có chất lượng giảng dạy, thì SGK chiếm một vai trò quan trọng. Cần rà soát lại xem những môn nào cần thiết cho học sinh, đặc biệt là học sinh THPT. SGK bây giờ làm quá nặng, lại không chuẩn, cứ thay đổi thường xuyên, làm cho ngay giáo viên nếu không nhanh nhạy thì cũng không thể nhuần nhuyễn được; phụ huynh, học sinh cũng ảnh hưởng. Đừng nghĩ vài năm lại làm SGK một lần, tốn kém vô cùng cho Nhà nước. Chúng ta nên đi vào triết lý giáo dục. Phải xác định mục tiêu của giáo dục là gì? Là để xây dựng cho đất nước một nguồn lực phục vụ cho sự phát triển đất nước. Họ phải tự lập, phải có ý thức lao động, phải phục vụ được mình rồi mới đến phục vụ cho đất nước... Phải xem lại định hướng trong giáo dục. Với tư cách đại biểu Quốc hội, đại diện cho nhân dân, tôi mong ngành Giáo dục tập hợp trí tuệ để xây dựng một bộ SGK có chất lượng, ngắn gọn, súc tích, đúng với khả năng của người học và có thể dùng tương đối lâu dài.

Thanh Hân
.
.
.