Tai nạn lao động trong ngành than:

Chủ yếu do người lao động

Thứ Bảy, 14/03/2009, 10:43
Khai thác than, đặc biệt là khai thác than hầm lò là một nghề lao động nặng nhọc và nhiều rủi ro. Mặc dù ngành than đã có nhiều nỗ lực trong cả hệ thống chính trị nhằm đảm bảo mục tiêu an toàn lao động; song, trên thực tế TNLĐ vẫn xảy ra với các diễn biến phức tạp khó lường.

Kết quả điều tra của các cơ quan chức năng đã cho thấy, gần 90% số vụ TNLĐ trong ngành than có nguyên nhân từ người lao động…

Phía sau những con số…

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh, trong 10 năm gần đây, ngành than đã có tới 324 người bị chết do TNLĐ, bình quân mỗi năm có trên 30 người bị thiệt mạng; riêng năm 2006, số người bị chết do TNLĐ là 50 người.

Năm 2008, toàn tỉnh đã xảy ra 31 vụ TNLĐ nghiêm trọng, làm chết 41 người; riêng ngành than đã xảy ra 25 vụ, làm 34 người chết. Có những vụ đặc biệt nghiêm trọng như vụ nổ khí mêtan tại Công ty Than Khe Chàm vào tháng 12/2008 đã làm chết tới 10 người, 19 người khác bị thương.

Ông Nguyễn Thành Tâm, Chánh thanh tra ATLĐ, Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh cho biết, trong các vụ TNLĐ xảy ra trong ngành than, rất hiếm khi gặp những trường hợp "bất khả kháng"; chủ yếu là do người lao động thiếu kinh nghiệm, thiếu thận trọng trong thao tác; chủ quan, vi phạm qui trình, qui định an toàn; đồng thời còn do trình độ của cán bộ còn hạn chế, không phát hiện được các nguy cơ mất an toàn để chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng tránh; công tác tổ chức điều hành, chỉ đạo sản xuất, thi công của cán bộ công trường, phân xưởng chưa đầy đủ theo đúng thiết kế, hộ chiếu; bố trí lao động, phân công công việc không cụ thể, thiếu biện pháp kỹ thuật… người sử dụng lao động không kiểm soát hết được những vi phạm để ngăn chặn.

Những vi phạm này thể hiện nhiều trong các vụ tai nạn lặp lại nhiều lần như: sập đổ lò (40%), nổ khí, ngạt khí (15,25%), tai nạn do bị va đập, vùi lấp (16,9%), do goòng va đập, đá rơi, do phương tiện vận tải (10,16%)…

Điều đáng quan tâm hơn cả là nhiều đơn vị, cơ sở đã để xảy ra nhiều vụ TNLĐ chết người và các hành vi vi phạm ATLĐ như Công ty Than Quang Hanh, Công ty Than Vàng Danh, Công ty Than Mạo Khê, Công ty Than Khe Chàm, Công ty Than Nam Mẫu….

Để người lao động biết tự bảo vệ mình

Ý thức được tầm quan trọng đặc biệt của công tác ATLĐ, ngành than đã ban hành nhiều văn bản, quyết định, tạo sự chuyển biến cơ bản từ  công tác tổ chức bộ máy đến các hoạt động thực tiễn như xác lập vai trò của giám đốc điều hành mỏ, thành lập lực lượng thanh tra mỏ của tập đoàn; xây dựng các qui định về hệ thống giám sát ATLĐ trong các mỏ; xây dựng tiêu chí mỏ an toàn; tăng cường đầu tư thiết bị, khoa học kỹ thuật, các giải pháp quản lý và thực hiện nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an toàn, phòng ngừa sự cố, tai nạn lao động trong khai thác hầm lò; trong đó có việc đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng huấn luyện, tuyên truyền giáo dục an toàn, vệ sinh lao động, coi công tác tuyên truyền, giáo dục về AT-VSLĐ là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị trong bộ máy điều hành của tập đoàn.

Mới đây vào cuối tháng 2/2009, Tập đoàn đã phối hợp cùng Trung tâm Năng lượng than Nhật Bản, tổ chức hội thảo về công tác an toàn lao động và thông gió, quản lý khí mỏ cho trên 600 người là giám đốc, phó giám đốc, trưởng phó phòng ban của các công ty khai thác than; đồng thời mở hội nghị toàn ngành về tăng cường công nghệ và hệ thống quản lý an toàn, đáp ứng yêu cầu khai thác xuống sâu của các mỏ than.

Trên thực tế, nhiều đơn vị trong tập đoàn đã tạo được sự chuyển biến tích cực về công tác AT-VSLĐ. Công ty Than Mạo Khê, Công ty Than Vàng Danh đã đầu tư nhiều chục tỷ đồng trang bị hệ thống đo khí, thông gió và các thiết bị đào lò hiện đại.

Thực hiện yêu cầu "không sản xuất bằng mọi giá"; những khu vực hầm lò có nguy cơ cao về nước, lò bị nén thấp không đảm bảo đi lại, thông gió, vận chuyển vật tư, thiết bị, khi thi công không đảm bảo an toàn, vệ sinh công nghiệp, kiên quyết dừng sản xuất để khắc phục và sửa chữa.

Công ty Than Khe Chàm đã tổ chức huấn luyện lại công tác AT-VSLĐ cho trên 1.500 lao động trực tiếp ở tất cả các phòng ban, phân xưởng, đào tạo huấn luyện tập trung cho 216 người về quản lý thông gió, kiểm soát khí mỏ; lắp đặt và đưa vào hoạt động hệ thống cảnh báo khí mêtan tập trung, giám sát nồng độ khí 24/24h trong ngày. Công tác tuyên truyền cũng được đặc biệt chú trọng với tinh thần, mọi vi phạm đều được xem xét, xử lý và thông báo công khai tới từng người để rút kinh nghiệm. 

Có ý kiến cho rằng, nếu xét về số lượng các vụ TNLĐ, số người chết, người bị thương, trên tỷ lệ số lượng tấn than sản xuất được trong một năm thì công tác AT-VSLĐ của ngành than đang có những đổi thay đáng kể.

Tuy nhiên, sinh mạng của mỗi con người luôn là sự quí trọng và đáng giá hơn bất kỳ một giá trị của cải vật chất nào; vì vậy, yêu cầu đấu tranh ngăn ngừa, loại bỏ đến mức thấp nhất các vụ TNLĐ xảy ra luôn là một yêu cầu cao nhất; trong đó có mục tiêu để mỗi người lao động đều phải biết tự bảo vệ mình, tự giác chấp hành các nội qui, qui tắc ATLĐ. Giải quyết mục tiêu này không thể từ một phía

Vũ Ninh
.
.
.