Chủ động phòng ngừa tội phạm lợi dụng lễ hội

Thứ Bảy, 08/03/2008, 09:44
Theo Cục C14, tháng 3, tháng 4 tới, tình hình tội phạm hình sự tiếp tục diễn biến phức tạp, các đối tượng lợi dụng những sơ hở trong mùa lễ hội, mua sắm. Hoạt động lễ hội diễn ra khắp các địa phương, trong đó có những lễ hội kéo dài hàng tháng như lễ hội Chùa Hương. Do đó, Công an các địa phương cần có kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh thích hợp,

58% số vụ cướp, đối tượng hoạt động theo nhóm

Theo phân tích của Cục CSĐT tội phạm về TTXH (C14), tháng sau Tết Nguyên đán Mậu Tý, hoạt động các băng nhóm tội phạm hình sự được kiềm chế, toàn quốc giảm 24,2%. Nhiều loại án giảm mạnh như giết người, cướp tài sản giảm 15,9%, trộm cắp tài sản giảm 27,7%, lừa đảo chiếm đoạt tài sản giảm 57%...

Tuy nhiên, tại một số địa phương, tội phạm hình sự vẫn diễn biến phức tạp. Hà Nội xảy ra 264 vụ phạm pháp hình sự, tỷ lệ điều tra, khám phá án đạt 71%; TP Hồ Chí Minh xảy ra 437 vụ, bắt xử lý 267 đối tượng.

Hoạt động tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản đang được Công an các địa phương trấn áp mạnh. Tháng sau Tết xảy ra 100 vụ cướp tài sản, chủ yếu tập trung tại Hà Nội (12 vụ), TP Hồ Chí Minh (10 vụ), Đồng Nai (6 vụ)...

Đáng chú ý, tội phạm cướp, cướp giật tài sản thường hoạt động theo ổ nhóm. Có 58% số vụ án được khám phá, đối tượng hoạt động theo ổ nhóm từ 2 đối tượng trở lên. Phổ biến là ổ nhóm từ 2 đến 3 tên, một số vụ hoạt động ổ nhóm hàng chục tên. Cướp xe ôm, cướp tiền, vàng vẫn diễn biến phức tạp, trong đó phần lớn các đối tượng hoạt động trên tuyến giao thông, nơi công cộng hoặc đột nhập nhà dân. Ngoài thủ đoạn dùng vũ khí như dao, mã tấu, súng, có vụ đối tượng sử dụng thuốc mê.

Cục C14 cho rằng, lực lượng CSĐT tội phạm hình sự Công an các địa phương cần tiếp tục phát huy kết quả đợt cao điểm trấn áp tội phạm trước, trong và sau Tết để triệt phá các băng nhóm tội phạm hình sự.

Gần đây, hoạt động của các băng nhóm tội phạm giết người, cố ý gây thương tích sử dụng vũ khí gây án nghiêm trọng, trong đó có băng nhóm đều là học sinh, sinh viên.

Chẳng hạn vụ án xảy ra cuối tháng 2/2008, do mâu thuẫn trong tranh giành chỗ ngồi tại sân trường ở Từ Liêm, Hà Nội, nhóm đối tượng đều là học sinh đã gây án mạng, làm chết một học sinh lớp 12; vụ ngày 24/2 tại TP Thái Bình, do mâu thuẫn, Trần Tuấn Anh và 5 đối tượng khác thuê xe ôtô tự lái lên Hà Nội làm 5 sinh viên thuê trọ và chủ nhà bị thương nặng (Công an Hà Nội bắt 6 đối tượng, thu 10 thanh kiếm).

Cục C14 cũng lưu ý Công an các địa phương cần có kế hoạch đấu tranh tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với các thủ đoạn mới.

Đáng chú ý, đã xuất hiện đối tượng là người nước ngoài vào các cửa hiệu, siêu thị, tiệm vàng giả làm khách mua hàng để lừa đảo, trộm cắp tài sản (vụ 2 đối tượng người Thổ Nhĩ Kỳ vào cửa hàng điện thoại Viettel, quận 12, TP Hồ Chí Minh trộm cắp 2 triệu đồng; vụ 2 đối tượng người nước ngoài vào tiệm vàng Kim Thành, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh đổi tiền USD lấy tiền Việt, lợi dụng trộm cắp 7.000 USD; vụ tại Hải Dương, 2 người Trung Quốc vào cửa hàng điện thoại trộm điện thoại di động...).        

Các vụ lừa đảo, trộm cắp nói trên, các đối tượng đều có thủ đoạn giả vờ hỏi mua hàng, trả tiền USD mệnh giá cao rồi lợi dụng sơ hở của người trông coi cửa hàng để lấy trộm tiền, tài sản...

Theo Cục C14, tháng 3, tháng 4 tới, tình hình tội phạm hình sự tiếp tục diễn biến phức tạp, các đối tượng lợi dụng những sơ hở trong mùa lễ hội, mua sắm. Hoạt động lễ hội diễn ra khắp các địa phương, trong đó có những lễ hội kéo dài hàng tháng như lễ hội Chùa Hương.

Do đó, Công an các địa phương cần có kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh thích hợp, nhất là các lễ hội kéo dài, diễn ra trên nhiều địa bàn liên xã, liên huyện. Tại các lễ hội này cần có hướng dẫn để du khách chủ động phòng ngừa, đồng thời bố trí các điểm trực tuần tra, trực đường dây nóng sẵn sàng nhận các tin báo tố giác tội phạm... Lực lượng Công an cũng rà soát, kiểm danh, kiểm diện các băng, nhóm hình sự chuyên trộm cắp, cướp, cướp giật, có biện pháp xử lý cần thiết...

Phan Đăng
.
.
.