Chủ đầu tư không thể rũ bỏ trách nhiệm "sự cố vỡ đập Đakrông 3"

Thứ Năm, 18/10/2012, 08:53
Mặc dù chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân vỡ đập Đakrông 3 song các chuyên gia, nhà khoa học đều cho rằng, chủ đầu tư công trình không thể đổ lỗi cho thiên tai bất thường để rũ bỏ trách nhiệm.
>> Vỡ đập thủy điện Đakrông 3: Người dân vẫn chưa được đền bù

Kĩ sư cao cấp Hoàng Xuân Hồng – Trưởng ban Khoa học công nghệ (Hội đập lớn Việt Nam) cho rằng: “Đakrông 3 là công trình tư nhân, chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn bộ về khâu thiết kế, chất lượng công trình. Nếu vỡ đập do thiên tai bất thường có thể xem là tai nạn. Trường hợp Đakrông 3 cần phải lập Hội đồng khoa học xác minh lại có yếu tố thiên tai bất thường hay không. Ngay cả trong trường hợp có yếu tố thiên tai bất thường, chủ đầu tư cũng phải chịu trách nhiệm bởi trong khâu thiết kế đã không tính toán hết những nguy cơ rủi ro có thể xảy ra. Khi xây dựng đập, ngay trong thiết kế, hệ số an toàn với lũ thường rất lớn. Sự cố chỉ xảy ra khi tính toán không đúng”.

Theo giải trình của chủ đầu tư, đập vỡ khi tích nước chạy thử trong lúc thi công chưa xong. “Như vậy rõ ràng đập vỡ khi mực nước còn thấp, lòng hồ chưa đầy nước, không thể nói do mưa lũ bất thường tác động. Vỡ đập chỉ có thể do chất lượng thi công không đảm bảo. Nghị định 72 ban hành ngày 7/5/2007 về quản lý an toàn đập đã qui định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư đối với vấn đề an toàn đập. Khi xảy ra sự cố, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm bồi thường với toàn bộ thiệt hại do công trình gây ra” – Kĩ sư Hồng nhấn mạnh.

Hiện trường vỡ đập thủy điện Đakrông 3.

GS.TS Vũ Trọng Hồng – Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho biết: “Bất kể công trình thủy điện nào, dù lớn hay nhỏ, đều có hai hội đồng nghiệm thu. Khi hội đồng nghiệm thu cơ sở có kết luận, hội đồng cấp trên phải thẩm định lại. Trường hợp Đakrông 3, cả chính quyền địa phương và chủ đầu tư đều sai. Chủ đầu tư đã có văn bản gửi Sở Công thương Quảng Trị xin được tích nước nhưng đơn vị này đã không cử đoàn công tác xuống kiểm tra, dẫn tới việc chủ đầu tư vì chờ đợi lâu đã tự ý tích nước chạy thử, gây ra vỡ đập. Xét về mặt kĩ thuật, chủ đầu tư sai. Xét về khía cạnh quản lí, chính quyền địa phương đã lơ là, buông lỏng trách nhiệm”.

GS Hồng cũng khẳng định, Đakrông 3 đã tích nước không đúng thời điểm.  Thông thường, các đập không được phép tích nước trong mùa lũ bởi có thể xảy ra nguy cơ lũ tràn, vỡ đập. Đakrông 3 tích nước đúng thời điểm giữa tháng 9, tức là cao điểm mùa lũ ở miền Trung. Các đập ở miền Bắc thường tích nước vào cuối tháng 10, còn miền Trung thường vào cuối tháng 11, khi đã vào cuối mùa lũ. Việc Đakrông 3 tích nước đúng cao điểm mùa lũ, trong khi chất lượng thi công không đảm bảo đã dẫn đến vỡ đập.

Liên quan tới chi tiết Đakrông 3 đã được Hội đồng nghiệm thu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho phép hòa lưới điện quốc gia, qua đó Điện lực Quảng Trị đã tiến hành đấu nối điện lên đường dây quốc gia, GS Hồng băn khoăn: “EVN đã trực tiếp thẩm định chưa hay chỉ dựa trên báo cáo của chủ đầu tư? Nếu đã thẩm định và vẫn cho phép Đakrông 3 hòa lưới điện thì EVN cũng không thể chối bỏ trách nhiệm”.

Thiệt hại từ sự cố vỡ đập Đakrông 3 tuy chưa lớn nhưng rõ ràng, đó là tín hiệu đầu tiên cho thấy sự trả giá cho những quyết tâm phát triển thủy điện ồ ạt, bằng mọi giá ở các địa phương. Và nếu như vẫn chưa có cơ chế qui trách nhiệm rõ ràng khi sự cố xảy ra, chủ đầu tư sẽ vẫn chỉ đổ lỗi cho… thiên tai để rũ bỏ trách nhiệm

Khánh Vy
.
.
.