Chu Lai - thắp sáng một niềm tin

Thứ Bảy, 09/04/2005, 08:39
Xưa, nhắc đến Chu Lai, người dân Việt Nam nhớ ngay đến chiến công hào hùng của những dũng sĩ đâm lê Núi Thành trong trận đầu diệt Mỹ vào cuối tháng 5/1965. Ngày nay Chu Lai đã là biểu tượng của sự mở cửa kinh tế.

Sau hai tháng đổ bộ vào Đà Nẵng, mở đầu cho cuộc xâm lược Việt Nam bằng chiến lược "Chiến tranh cục bộ", ngày 7/5/1965, 6.400 lính Mỹ và 24 xe tăng M113, M118, thuộc Lữ đoàn 9, Sư đoàn 3 Thủy quân lục chiến Mỹ trên các tàu đổ bộ của Hạm đội 7, tiến vào bãi biển Kỳ Liên, Kỳ Hà (Núi Thành, Quảng Nam) chiếm cứ đất Chu Lai, lập nên khu căn cứ quân sự khổng lồ.

Trước tình hình đó, Thường vụ Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 chỉ đạo Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy Tỉnh đội Quảng Nam nhanh chóng tổ chức "vành đai diệt Mỹ Chu Lai", nhằm tiêu hao sinh lực địch, phá hủy các phương tiện vũ khí của chúng, giam chân chúng trong căn cứ không cho ra càn quét...

Địa danh Châu Lai, mà người xứ Quảng thường gọi là Chu Lai, ra đời từ thế kỉ 15. Sử sách xưa chép rằng: Hồi đó, các chiến thuyền của hải quân Đại Việt trên đường Nam tiến đều ghé đậu cửa An Tân hay Bản Tân và thế là "khai sinh" tên gọi Châu Lai. "Châu" có nghĩa là thuyền, còn "lai" là đến. Châu Lai nôm na chỉ là bến tàu đậu...

Ngày ấy, dưới sự chỉ huy của Huyện đội Nam Tam Kỳ, khoảng 400 du kích chiến đấu, áp sát vành đai, đào công sự và đã tổ chức nhiều trận đánh ngoan cường, làm khiếp vía quân Mỹ. Đó là trận đánh của du kích Kỳ Sanh diệt 17 tên Mỹ ngay trong trận đầu hành quân càn quét của chúng (10/6/1965); trận đánh của du kích Kỳ Xuân cùng bộ đội Đại đội 40 đánh vào trung tâm sân bay Chu Lai, diệt gần 400 tên lính Mỹ, phá hủy 57 máy bay các loại và 3 xe bọc thép v.v...

Song, đọng lại trong ký ức người Việt Nam cho đến hôm nay và mai sau vẫn là chiến thắng Núi Thành - trận đầu diệt Mỹ. Lúc 0h30' đêm 26/5/1965, đại tá G. Janssoc, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh hành quân Sư đoàn Thủy quân lục chiến Mỹ đã bị dựng dậy trong tiếng kêu thảng thốt của các thông tin viên: "VC attacked Nui Thanh hill, our Army couldn't resit! VC, VC..." (Việt Cộng tấn công đồi Núi Thành! quân ta (Mỹ) không cầm cự nổi). Viên đại tá này phải buông tay bất lực.

Đại đội 2, Tiểu đoàn 70, dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Võ Thành Năm, với quyết tâm "sờ chân Mỹ mà đánh" đã bất ngờ bao vây bọn Mỹ ở Núi Thành. Sau khi hết đạn, các chiến sĩ đã dũng cảm bật lê đầu súng đánh giáp lá cà với giặc. Chỉ 30 phút sau, một đại đội lính viễn chinh Mỹ đã bị diệt gọn, cờ "quyết chiến, quyết thắng" tung bay phấp phới trên đỉnh Núi Thành...

Qua 21 năm chống Mỹ, để ghi tên mình trên lá cờ ghi công 8 chữ vàng của quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng "Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ", quân và dân Núi Thành đã phối hợp tác chiến 10.575 trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu 41.679 tên địch, san bằng 86 chốt điểm, bắn rơi 121 máy bay, làm hỏng 17 chiếc, bắn cháy 236 xe quân sự, bắn chìm hàng chục tàu chiến...

Chiến tranh lùi xa đã 30 năm. Sau một thời gian dài hoang phế, 8h15' ngày 22/3, sân bay Chu Lai đã đón 54 hành khách đi chuyến bay ATR 72 của Vietnam Airlines, mang số hiệu VN - B208. Đây là chuyến bay thương mại đầu tiên chính thức khai trương Ga hành khách Cảng Hàng không Chu Lai.

Trong không khí hân hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cùng hàng trăm người dân địa phương đã ra tận cửa đón hành khách đi chuyến bay như những người thân. Có mặt chứng kiến cảnh này, nhiều nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ rằng: Sân bay Chu Lai hoạt động đã tiếp thêm niềm tin cho họ mạnh dạn đầu tư vào khu kinh tế mở Chu Lai và các vùng đất khác của tỉnh Quảng Nam.

Nhưng không chỉ là sân bay Chu Lai, khu kinh tế mở Chu Lai, cảng Kỳ Hà cũng đang ngày một khởi sắc, đi lên. Trong những ngày tháng 3 lịch sử này, tại khu công nghiệp Bắc Chu Lai (Tam Hiệp, Núi Thành), Tổng Công ty Than Việt Nam khởi công xây dựng Nhà máy Lắp ráp, sản xuất xe tải và xe chuyên dùng.

Tại khu vực ven biển thôn 1, xã Tam Hải (Núi Thành), dự án khu du lịch cao cấp của Tập đoàn Foss Investissment (Pháp) cũng đang được triển khai xây dựng với tổng số vốn đầu tư 50 triệu USD…

Long Vân
.
.
.