Chống tệ nạn xã hội phải đi đôi với xây các điểm văn hóa

Thứ Ba, 20/09/2005, 10:31

Không có nhiều điểm sinh hoạt văn hoá lành mạnh, thanh thiếu niên Tp.HCM bị cuốn vào những tệ nạn như mại dâm, cờ bạc hay đi lắc…

Trong 6 tháng đầu năm 2005, Đoàn 2 kiểm tra liên ngành 814/TTg tổ chức kiểm tra 168 cơ sở kinh doanh dịch vụ thì phát hiện đến 159 cơ sở vi phạm! Còn tệ mại dâm và ma túy, cũng trong thời gian này CATP khám phá 21 chuyên án, phát hiện 582 vụ mua bán ma túy; triệt phá 48 ổ mại dâm thì tình hình mua bán và sử dụng trái phép chất ma túy, tệ mại dâm có giảm và chựng lại.

Trong khi đó theo thống kê của Sở Văn hóa và Thông tin Tp. Hồ Chí Minh thì hiện nay trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh chỉ có 31/317 phường, xã có nhà văn hóa, đạt tỉ lệ rất thấp so với nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Tp.HCM có nhiều tụ điểm văn hóa cơ sở được xây dựng từ sự đóng góp của quần chúng nhân dân, song  hầu như chỉ tập trung ở những khu phố văn hóa, ấp xuất sắc mà hoạt động thì cũng chưa thu hút được đối tượng nhắm đến lứa tuổi thanh, thiếu niên.

Theo qui hoạch một số ngành nghề thương mại và dịch vụ trong lĩnh vực văn hoá - xã hội "nhạy cảm" dễ phát sinh TNXH của 23 quận, huyện thì toàn Tp. Hồ Chí Minh hiện có 11.972 cơ sở gồm 47 cơ sở khiêu vũ, 878 karaoke, 7.957 cửa hàng kinh doanh ăn uống giải khát; 3.090 nhà hàng, khách sạn, quán trọ…

Ở khu vực nội thành, sự hiện diện của nhiều sân khấu ca nhạc, kịch, rạp chiếu phim… phần nào đáp ứng nhu cầu thưởng thức món ăn tinh thần của người dân. Song, theo thời gian, người ta vẫn chỉ thấy những cái tên quen thuộc mà không thấy phát triển thêm về số lượng. Nguyên nhân cũng có nhiều nhưng cốt yếu nhất là do quỹ đất quá khan hiếm!

Mặt khác, những hoạt động văn hóa văn nghệ nói trên cũng chưa đến được với đối tượng là lao động nghèo vì một thanh niên chạy xe ôm khó lòng mua vé xem kịch 50.000 đồng/suất. Nhưng nếu là 10.000 đồng/vé ca nhạc như đã từng phục vụ ở nhà văn hoá Thanh Niên thì khá vừa túi tiền. Rất tiếc là chúng ta đang thiếu những điểm sinh hoạt, giải trí như thế này.

Thủ Đức- một trong những quận đô thị hoá nhanh ở ngoại thành cũng chỉ có 2 nhà văn hoá cấp quận thỉnh thoảng có chương trình này, hoạt động nọ, còn ở các phường thì…chẳng có gì! Mỗi tối, hàng người nối nhau vào hai nhà sách Nguyễn Văn Cừ (nằm trên đường Võ Văn Ngân) và Thủ Đức (Tô Ngọc Vân) để "vừa coi vừa học".

Những đối tượng tệ nạn xã hội bị phát hiện.

Giáp ranh với Thủ Đức là quận 9, được hình thành trên cơ sở 6 xã vùng bưng thuộc huyện Thủ Đức cũ. Sau 8 năm kể từ ngày tái thành lập, quận 9 thay da đổi thịt nhiều: cơ sở hạ tầng được tập trung đầu tư xây dựng, đời sống vật chất người dân ngày một nâng cao, nhưng đời sống tinh thần thì chưa được quan tâm đúng mức. Dọc theo các con đường chính như Lê Văn Việt, Lã Xuân Oai, quán nhậu, cà phê mọc lên như nấm, còn tụ điểm hoạt động văn hoá, thể thao thì tìm… mỏi mắt!

Tương tự là ở vùng chiến khu xưa thuộc địa bàn quận 12 (gồm phường Thạnh Lộc, Thạnh Xuân, An Phú Đông) vẫn là những quán nhậu bình dân, cà phê vườn án ngữ "mặt tiền".

Lật lại nhật ký của mình, chúng tôi nhận thấy đời sống tinh thần của người dân ngoại thành hiện nay cũng chỉ là bản sao của những năm cuối của thế kỷ 20. Điểm sáng lúc bấy giờ chính là sân chơi "hát với nhau". Phải công nhận rằng, khi đó Quận đoàn Thủ Đức tổ chức điểm hát với nhau đã thật sự thu hút được đông đảo thanh, thiếu niên ở mọi tầng lớp. Tiếp sau đó, quận 12 rồi Hóc Môn nhiều "đại gia" có máu văn nghệ cũng tích cực tham gia đầu tư xây dựng tụ điểm văn hóa.

Người đến với sân chơi không chỉ giao lưu bằng tiếng hát lời ca mà còn kết nghĩa, kết tình; hỗ trợ cho nhau mỗi khi gặp chuyện buồn phiền, hoạn nạn. Nhưng rồi vì sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương, sân chơi ấy bị biến thành những điểm tệ nạn mới. Phong trào "đi hát ăn bông" của các ca sĩ hạng B hay "hát với nhau rồi đi với nhau" nở rộ và nhanh chóng "giết chết" mô hình này

Mã Thanh Phong
.
.
.