Tìm giải pháp chống ngập cho TP Hồ Chí Minh:

Chống ngập phải bắt đầu từ quy hoạch phát triển đô thị

Thứ Ba, 12/06/2018, 08:37
Ngay từ khi khu đô thị mới Thủ Thiêm được hình thành, chính quyền TP Hồ Chí Minh đã từng có ý định di dời trung tâm hành chính của thành phố về quận 2. Tuy nhiên thời điểm này nhiều nhà khoa học đã lên tiếng phản biện bởi lý do cốt nền ở địa bàn quận 2 rất thấp, muốn phát triển ở đây, ít nhất cốt nền phải được nâng lên khoảng 1,5m.

Đề án “Quy hoạch thủy lợi phục vụ việc tìm kiếm giải pháp chống ngập cho TP Hồ Chí Minh” cũng đã xác định cao trình cốt nền tối thiểu của khu vực ngã ba sông Đồng Nai, sông Sài Gòn bao gồm các quận 2, quận 9 và một phần quận Thủ Đức sẽ phải được nâng lên 2,5m. Chỉ với cốt nền cao như vậy, khu vực trên mới có thể được đảm bảo chống ngập trong mọi tình huống, kể cả khi xả lũ với tần suất cao và mực nước biển dâng 0,7m trong tương lai. Đây chính là lý do khiến thành phố phải từ bỏ hẳn ý định dời trung tâm hành chính về quận 2.

Để chống ngập một cách hiệu quả, cách đây nhiều năm TS Hồ Long Phi, Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã khuyến cáo với thành phố rằng, vấn đề cấp bách không kém là phải nghiên cứu, ban hành quy chế phát triển đô thị mới theo hướng sinh thái. Làm sao để không còn phát sinh những điểm ngập mới trong thời gian chờ đợi một phương án kiểm soát triều tổng thể.

Còn theo TS Tô Văn Trường - Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, trong quy hoạch chống ngập, bài toán cốt nền với TP Hồ Chí Minh là hết sức quan trọng. Thế nhưng khi lập dự án chống ngập, việc này đã không được chú trọng, thậm chí là bỏ ngỏ trong một khoảng thời gian dài.

Khuyến cáo về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến quy hoạch sử dụng đất, Hiệp hội BĐS Thành phố cho rằng, đến năm 2050, nhiều khu vực ở TP Hồ Chí Minh sẽ bị ngập trong thời gian hơn 100 ngày mỗi năm; đa số các phường sẽ bị ngập hơn 150 ngày/năm. Khi đó 62% dân số thành phố sẽ bị ảnh hưởng do ngập úng bất thường hằng năm. Dù vậy, đơn vị tư vấn cho xây dựng quy hoạch sử dụng đất chưa đề xuất được lưới khống chế độ cao cốt nền tương lai cho từng khu vực phù hợp với sự biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Từ thực tế này, Hiệp hội BĐS đặt vấn đề Thành phố cần xem xét đến việc di dời dân cư và dịch chuyển không gian kinh tế - xã hội sang các khu vực có địa hình cao hơn về phía Tây Bắc của Thành phố như các quận Phú Nhuận, Tân Bình, Gò Vấp, Thủ Đức, Quận 12, Hóc Môn, Củ Chi. Thậm chí là cả huyện Nhơn Trạch, Long Thành, TP Biên Hòa, Trảng Bom của tỉnh Đồng Nai hoặc tỉnh Bình Dương và Đức Hòa của Long An… nhằm đảm bảo phát triển đô thị bền vững.

Ngập lụt do phát triển hạ tầng đô thị xâm lấn hệ thống cống thoát nước.

Theo nhiều nhà khoa học, TP Hồ Chí Minh là thành phố sông nước - nhiệt đới phương Nam với điểm nhấn đặc sắc là sông Sài Gòn và hệ thống kênh rạch. Hơn 20 năm qua, thành phố đã làm nên kỳ tích là chỉnh trang lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tàu Hủ - Ruột Ngựa, kênh Tân Hóa - Lò Gốm và hiện đang tiếp tục chỉnh trang kênh Tham Lương - Bến Cát, kênh Đôi - kênh Tẻ, rạch Xuyên Tâm...

TP Hồ Chí Minh cũng đã thể hiện dũng khí để sửa sai việc cho làm cống hộp để lấp kênh Hàng Bàng 20 năm trước bằng quyết định chi ra đến vài ngàn tỷ đồng để di dời dân, đào hở lại tuyến kênh này. Song như vậy là chưa đủ, điều người dân mong muốn là chính quyền Thành phố cần quyết liệt để khôi phục lại dòng chảy đoạn thượng nguồn kênh Nhiêu Lộc nay đã biến thành cống hộp, hoặc đã bị lấn chiếm như kênh A41, kênh Hy Vọng, kênh Nhật Bản… để góp phần tiêu thoát nước cho khu vực Tân Bình - sân bay Tân Sơn Nhất và những khu vực khác.

Thực hiện yêu cầu dành 17% diện tích trong 3 vùng chống ngập để làm hồ chứa nước theo Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng cho TP Hồ Chí Minh, ngay từ đầu những năm 2000, Thành phố đã lập quy hoạch xây dựng hệ thống hồ điều tiết nước với diện tích lớn trong các khu vực với con số lên đến 103 hồ, tổng diện tích 875ha. Nhưng đến nay, số lượng hồ tạm trữ nước mưa đếm được chỉ trên đầu ngón tay.

Về phía Thành phố, từ nay đến năm 2020 cũng mới chỉ có 3 hồ điều tiết là hồ Gò Dưa ở quận Thủ Đức có diện tích 95ha; hồ Bàu Cát ở quận Tân Bình diện tích 4ha và hồ Khánh Hội ở quận 4, rộng 4,8ha với tổng kinh phí hơn 950 tỷ đồng được lên kế hoạch xây dựng. Để ngăn chặn tình trạng lấn chiếm sông rạch, cách đây hơn chục năm, TP Hồ Chí Minh cũng đã quy định không cấp phép xây dựng công trình kiến trúc ven bờ.

Với sông Sài Gòn, khoảng lùi từ mép cao bờ sông vào là 50m; các sông, rạch khác khoảng lùi từ 10m đến 20m. Nhưng theo đánh giá của Hiệp hội BĐS thành phố, việc thực hiện các quy định trên chưa nghiêm cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng nặng nề hiện nay mỗi khi triều cường hoặc mưa to.

Khi ảnh hưởng do ngập lụt trở nên nghiêm trọng, TP Hồ Chí Minh mới vội quay sang đẩy mạnh việc áp dụng cốt nền chuẩn Quốc gia theo mực nước biển ở hòn Dáu. Song ngoài gây xáo trộn tới đời sống người dân như việc nâng tuyến đường Kinh Dương Vương cao thêm 1,2m làm bít cửa ra vào nhà của vài trăm hộ dân, thì việc này vừa muộn, vừa gây tác dụng ngược. Bởi hệ thống cống thoát trong các tuyến trung tâm đã được đặt với cao độ cố định, việc đôn nền hàng loạt dự án nhà ở, dự án khu đô thị ở vùng trũng ven trung tâm đã khiến dòng chảy thoát nước từ các khu vực cao trong trung tâm ra ngoài bị chặn lại một cách vô tội vạ.

Do đó, từ nhận thức về TP Hồ Chí Minh là thành phố sông nước - nhiệt đới phương Nam, TP Hồ Chí Minh cần định hướng phát triển đô thị và nhà ở cho phù hợp. Đặc biệt đối với hệ thống sông rạch, bởi không chỉ giải quyết vấn đề tiêu thoát, cung cấp nước, hệ thống sông rạch của thành phố đã đi vào lịch sử, là cảnh quan, văn hóa - du lịch và cũng là nguồn lực kinh tế, tuyến giao thông đường thủy quan trọng cần được tận dụng để phát triển bền vững.

PGS.TS Nguyễn Văn Điềm, Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh

Vấn đề thoát nước và chống ngập cho TP Hồ Chí Minh là rất phức tạp, khó khăn do hơn 30 năm qua các cấp chính quyền, ngành chuyên môn và người dân thành phố đã luôn phải đối mặt với chuyện ngập lụt trong mùa mưa và thời điểm triều đạt đỉnh. Trong từng ấy thời gian, đã có rất nhiều đề tài, công trình nghiên cứu và cũng đã có nhiều quy hoạch thoát nước, chống ngập được triển khai. Song, đến nay vấn đề ngập nước vẫn là một thách thức lớn, bất di bất dịch đối với thành phố.

Từ đó, để công tác chống ngập thực sự hiệu quả, cần hướng tới một phương pháp tiếp cận mới và phương pháp này phải làm rõ bản chất vật lý của vấn đề thoát nước, ngập nước tại thành phố. 

Đức Thắng
.
.
.