Chông chênh trước cửa cuộc đời

Thứ Bảy, 16/05/2009, 19:54
Nhà có năm người thì đã bị bệnh hiểm nghèo hết hai, còn lại là một cụ già và hai đứa trẻ tuổi chưa lên mười. Cùng với bệnh tật của cha mẹ, đường học của 2 đứa trẻ ngày càng thu hẹp dần. Đó là trường hợp của gia đình anh Phạm Tấn Cường ở 518/2 đường Bạch Đằng, TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định).

Bố mẹ mắc bệnh hiểm nghèo

Đẩy nhẹ cánh cửa sắt cũ kỹ, tôi bước vào căn nhà cấp 4 chưa đầy 12 mét vuông của vợ chồng anh Cường, mùi ẩm mốc ập vào mũi. Thấy có khách, chị Nguyễn Thị Mai Hạnh (31 tuổi), vợ anh Cường, cố nhích mình ra khỏi manh chiếu cũ giữa nhà với những động tác thật nặng nề.

Đầu năm 2008, trong một lần "chạy chợ" chị Hạnh bị "tai biến" ngã quị ra đường. Sau lần đó đôi chân chị bại liệt hẳn, gánh nặng gia đình có năm miệng ăn dồn cả lên đôi chân đạp xích lô của anh Cường.

Nước mắt lưng tròng, chị Hạnh kể lại: "Một năm trở lại đây, anh Cường hay bị "đau ở vùng bụng". Biết mình có bệnh nhưng anh vẫn phải đi làm, khi nào đau dữ dội mới ra tiệm mua thuốc giảm đau về uống. Ngày 29 tháng Chạp (24/1) vừa rồi, anh Cường nghỉ đạp xích lô để dọn nhà đón Tết nhưng làm được một lát lại thấy đau quá. Bà con trong xóm đưa ảnh vào bệnh viện, bác sỹ bảo có khối u ở gan. Sau đó, tôi bàn chuyện bán nhà chữa bệnh, anh Cường lắc đầu bảo, bác sỹ khuyên về nhà nằm, không chữa được nữa".

Biết đường mưu sinh của gia đình chị Hạnh bị "cắt", một người hàng xóm tên Trần Thị Tuyết Nga thương tình nên đã nhận nứa của một cơ sở làm lồng chim rồi giao cho chị Hạnh và mẹ chồng là cụ Trần Thị Thâu (72 tuổi) vót thủ công kiếm tiền sống qua ngày. Hai mẹ con vót một ngày "tròn trịa" cũng nhận được số tiền khoảng… 7.000 đồng. 

Phập phù ước mơ

Mãi hơn 11h trưa, cháu Phạm Tấn Hiếu (10 tuổi, con trai đầu của anh chị Cường - Hạnh) mới đi học về. Gương mặt đỏ bừng vì nắng nhưng khi chiếc cặp vừa rời khỏi lưng, em đã vào bếp lấy gạo bắt cơm. Từ ngày anh Cường bị bệnh, Hiếu phải phụ bà nội làm những việc như quét dọn nhà cửa, nấu ăn, chăm em, đi chợ,…

Chị Hạnh tâm sự: "Thằng bé làm việc vất vả thế nhưng vẫn siêng học lắm. Nhưng tiếc rằng vợ chồng tôi không đủ sức nuôi nó học được nữa. Mỗi tháng phải nộp 20.000 đồng tiền học phụ đạo nhưng nhiều khi cũng phải để thầy cô nhắc nhở nhiều lần. Đứa lớn đã vậy, đứa nhỏ (Phạm Tấn Tài, 3 tuổi) còn khổ hơn. Mỗi ngày phải nhờ hàng xóm chở đến trường mầm non nhưng chắc cũng phải để ở nhà trong nay mai vì không có tiền nộp học".

Tôi hỏi Hiếu: "Lớn lên cháu sẽ làm gì?". Cháu trả lời: "Cháu sẽ làm bác sỹ để chữa bệnh cho ba, cho má". Ngập ngừng trong giây lát, Hiếu thỏ thẻ: "Nhưng ba cháu dặn, nhà mình nghèo nếu không học được cái chữ thì sau này chí ít cũng học cho được cái bằng lái xe để kiếm sống". 

Lúc ra đến đầu hẻm, quay đầu nhìn lại, tôi gặp cái nhìn với theo của chị Hạnh và cháu Hiếu từ phía cánh cửa sắt. Cái nhìn của người mẹ trẻ đầy bất hạnh như muốn nhắn nhủ bao điều. Hai cái tên Hiếu, Tài cũng đủ để biết mong ước của vợ chồng chị Hạnh dành cho các con của mình. Nhưng với hoàn cảnh hiện tại chưa biết tương lai của 2 em rồi sẽ như thế nào

Hoàng Minh
.
.
.