Chọn nghề nghiệp mà trong tương lai vẫn yêu thích mới là lựa chọn đúng

Chủ Nhật, 21/07/2019, 08:19
Hiện cả nước có 653.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học (ĐH) với tổng số hơn 2,5 triệu nguyện vọng vào các ngành đào tạo. Đây là thời điểm “cân não” để thí sinh “chốt” nguyện vọng, vì từ ngày 22 đến ngày 31-7, thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng một lần duy nhất.


Trước việc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) không hạn chế số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển, thậm chí có thí sinh ở Hà Nội đã đăng ký tới 50 nguyện vọng, vậy làm cách nào để thí sinh chọn được nguyện vọng đúng với năng lực, sự yêu thích và điều kiện của mình? Chuyên mục “Trò chuyện chủ nhật” của Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD & ĐT) về vấn đề này.

PV: Thưa TS Nguyễn Thị Kim Phụng, bà có lời khuyên và có lưu ý gì dành cho thí sinh ở thời điểm quan trọng này?

TS. Nguyễn Thị Kim Phụng: Theo tôi, thí sinh cần bình tĩnh xác định tương quan điểm thi của mình trong phổ điểm thi chung để biết mình đang ở đâu. Cần tìm hiểu kỹ thông tin về ngành đăng ký, hình dung được công việc, nghề nghiệp đó trong tương lai mà thí sinh vẫn yêu thích, say mê thì đó mới là sự lựa chọn đúng.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng.

Sau khi đã chọn ngành rồi thì tìm hiểu các trường có đào tạo ngành đó để chọn trường phù hợp về khoảng mức điểm trúng tuyển (tham khảo tương quan điểm trúng tuyển năm trước của trường trong tương quan với cả hệ thống), chất lượng đào tạo và mức học phí… Trong cơ chế đăng ký không giới hạn nguyện vọng và xét trúng tuyển từ nguyện vọng cao xuống thấp thì chỉ cần chọn được ngành, trường phù hợp rồi các em sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên.

PV: Bộ có biện pháp gì để giúp các trường ĐH lọc được thí sinh ảo?

TS. Nguyễn Thị Kim Phụng: Các trường ĐH cần xác định thí sinh ảo là vấn đề đồng hành trong công tác tuyển sinh, có thể nghiên cứu để dự đoán ngày càng chính xác chứ không thể tránh được hoàn toàn. Trong thời gian đầu tự chủ tuyển sinh, Bộ hỗ trợ bằng cách quy định đợt 1, thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất; trường nào có thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học thì phải đưa lên hệ thống để loại ra khỏi cơ sở dữ liệu tuyển sinh của các đợt tiếp theo.

Tuy nhiên, trúng tuyển nguyện vọng 1 cũng vẫn có 1 tỷ lệ thí sinh ảo do có em không nhập học. Tỷ lệ ảo của các trường khác nhau nên các trường cần thống kê, nghiên cứu và tìm ra quy luật, xác suất để làm chủ tình hình, chủ động trong tuyển sinh.

PV: Những năm qua, nhiều trường ĐH tốp trên có quy mô tuyển sinh rất lớn, khoảng 5.000 – 6.000 chỉ tiêu và đã tuyển vượt chỉ tiêu từ 10 – 15% khiến nhiều trường tốp giữa không còn nguồn tuyển, gây bức xúc và mất công bằng cho thí sinh. Năm nay, Bộ có giải pháp gì ngăn chặn tình trạng này, thưa bà?

TS. Nguyễn Thị Kim Phụng: Trong cơ sở dữ liệu tuyển sinh năm 2018 của toàn hệ thống, có 14 trường tuyển trên 5.000 sinh viên/trường, trong đó, chủ yếu là các trường ĐH lớn và một số trường dân lập. Những trường tuyển vượt chỉ tiêu đã bị Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, trừ vào chỉ tiêu năm sau…

Bên cạnh đó, một số trường không tuyển đủ thí sinh theo kế hoạch đã định, trong đó có những trường đầu ngành, đào tạo có chất lượng nhưng không được xã hội lựa chọn và nhiều trường khác, do chưa khẳng định được uy tín hoặc ở địa bàn không thuận lợi nên không tuyển đủ chỉ tiêu.

Giải pháp ngăn chặn tuyển vượt chỉ tiêu bao gồm những giải pháp pháp lý đã được quy định như: Xử phạt vi phạm hành chính, xử lý vi phạm đối với người đứng đầu và các cán bộ có liên quan, trừ vào chỉ tiêu năm sau… Luật Giáo dục đại học đã quy định những trường vi phạm sẽ không được tự chủ xác định chỉ tiêu trong 5 năm tiếp theo; Nghị định 138 cũng đang sửa đổi theo hướng tăng mức phạt vi phạm để đảm bảo tính tuân thủ nghiêm minh.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các trường phải cập nhật lên hệ thống danh sách thí sinh nhập học chi tiết đến họ tên, ngày sinh, mã số sinh viên và danh sách giảng viên chi tiết để xây dựng cơ sở dữ liệu giáo dục ĐH, phục vụ quản lý và giám sát…

PV: Năm 2019 là năm thứ hai điểm sàn tuyển sinh do trường quyết định, trừ ngành đào tạo giáo viên và sức khoẻ. Bộ có kiểm soát được chất lượng đầu vào của các trường?

TS. Nguyễn Thị Kim Phụng: Điểm sàn của các trường do các trường tự chủ quyết định nhưng phải đưa vào đề án tuyển sinh và công khai trên Cổng thông tin https://thituyensinh.vn của Bộ GD & ĐT để đảm bảo thanh kiểm tra và xã hội giám sát.

Các thông tin này cũng phải khai báo trên trang nghiệp vụ tuyển sinh để phần mềm theo dõi, lọc các thí sinh không đủ điểm sàn ra khỏi nguồn xét tuyển của các trường. Như trên tôi đã nói, sau khi thí sinh trúng tuyển, các trường phải cập nhật danh sách thí sinh nhập học lên cơ sở dữ liệu tuyển sinh để thống kê và kiểm tra việc thực hiện các điều kiện xét tuyển.

PV: Đề án tuyển sinh riêng của nhiều trường ĐH hiện nay không rõ ràng, nhiều thông tin chưa chính xác, một số trường xét tuyển không đúng đề án. Bộ kiểm soát và xử lý những trường này như thế nào?

TS. Nguyễn Thị Kim Phụng: Những đề án tuyển sinh không rõ được Bộ hoặc báo chí phát hiện đã bị hạ xuống khỏi Cổng thông tin thituyensinh.vn để yêu cầu các trường chỉnh lại đề án cho hợp pháp. Hiện không có quy định nào khống chế tỷ lệ xét tuyển từ điểm thi và từ học bạ. Theo Điều 34 của Luật Giáo dục đại học, các trường có quyền tự chủ xác định phương thức tuyển sinh.

PV: Theo bà, chủ trương đa dạng các phương thức tuyển sinh như hiện nay có đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH không? Khi các trường tuyển sinh bằng nhiều phương thức thì cần xác định tỷ lệ chỉ tiêu thế nào để đảm bảo chất lượng?

TS. Nguyễn Thị Kim Phụng: Chất lượng đầu vào phụ thuộc chủ yếu vào chính sách và chất lượng đào tạo của nhà trường, không phụ thuộc nhiều vào phương thức tuyển sinh. Những trường tốt xét tuyển học bạ thường đưa ra những tiêu chí như: học lực giỏi, là học sinh trường chuyên, có giải của tỉnh, quốc gia, có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nên chất lượng vẫn tốt.

Tỷ lệ chỉ tiêu phân bổ cho mỗi phương thức xét tuyển thuộc thẩm quyền quyết định của nhà trường và phụ thuộc vào khả năng tuyển được thí sinh đáp ứng điều kiện của trường cho mỗi phương thức; không có căn cứ nào để xác định tỷ lệ của từng phương thức để áp dụng chung cho các trường với những phân khúc chất lượng khác nhau.

Tôi muốn nói thêm rằng, chất lượng giáo dục ĐH còn phụ thuộc vào cả quá trình đào tạo, chất lượng đầu ra chứ không chỉ phụ thuộc vào phương thức tuyển sinh. Tuy nhiên, Bộ khuyến nghị các trường nghiên cứu, so sánh chất lượng quá trình đào tạo, chất lượng đầu ra của sinh viên được tuyển bằng các phương thức khác nhau để hoàn thiện phương án/đề án tuyển sinh, đảm bảo chất lượng đào tạo.

PV: Có ý kiến cho rằng, việc cho thí sinh đăng ký quá nhiều nguyện vọng là không cần thiết và trên thực tế đã xảy ra tình trạng, nhiều thí sinh trúng tuyển không theo đúng nguyện vọng yêu thích nhất nên khi vào học ĐH, các em không phát huy được sở trường, dẫn đến chất lượng đào tạo sụt giảm. Quan điểm của bà về ý kiến trên ra sao?

TS. Nguyễn Thị Kim Phụng: Đối với các thí sinh chưa tìm hiểu kỹ ngành, chương trình theo học để lựa chọn phù hợp hoặc không nghiên cứu, thích ứng với phương pháp học tập ở ĐH thì dễ chán nản, không hứng thú học tập nên kết quả học không tốt và sau này, không yêu nghề thì làm việc cũng sẽ không tốt.

Điều đó không hẳn do quy định cho các em đăng ký xét tuyển quá nhiều nguyện vọng, mà chủ yếu do sự hướng nghiệp của nhà trường chưa có kết quả và sự tìm hiểu ngành nghề của các em chưa tốt. Khó có cơ sở khách quan nào để xác định chỉ nên cho thí sinh đăng ký xét tuyển bao nhiêu nguyện vọng, các quan điểm đưa ra chủ yếu là do cảm tính.

Hiện quy chế tuyển sinh của chúng ta và hầu hết các nước phát triển cũng đều không giới hạn nguyện vọng. Thực tế chỉ có rất ít thí sinh đăng ký xét tuyển quá nhiều nguyện vọng. Trung bình năm 2019, mỗi thí sinh đăng ký xét tuyển 3,9 nguyện vọng, tôi cho đây là con số bình thường và như vậy, không nhất thiết phải giới hạn nguyện vọng được phép đăng ký của thí sinh.

PV: Đào tạo phải dựa vào nhu cầu thị trường, không dựa vào năng lực đào tạo của các trường. Vậy Bộ GD & ĐT có nghiên cứu khảo sát nào để có cơ sở khoa học khuyến cáo về việc “đào tạo đúng địa chỉ sử dụng” hay không, thưa bà?

TS. Nguyễn Thị Kim Phụng: Luật Giáo dục ĐH đã quy định về mở ngành: “Ngành đào tạo phải phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng, cả nước, của từng lĩnh vực bảo đảm hội nhập quốc tế”. Các thông tư quy định về mở ngành của Bộ GD&ĐT cũng đã quy định tương tự trong điều kiện mở ngành và yêu cầu phải phù hợp với năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo.

Việc nghiên cứu khảo sát, dự báo nhu cầu thị trường là trách nhiệm của nhiều cơ quan, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ đã được quy định, như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ xây dựng Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động và việc làm; thống kê quốc gia về thị trường lao động; xây dựng mạng thông tin và cơ sở dữ liệu thị trường lao động…

Về phía Bộ GD&ĐT, Bộ đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, trong đó có nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp và thực hiện khảo sát việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ còn đưa vào chương trình các đề tài khoa học về “Nghiên cứu dự báo nhu cầu nguồn nhân lực làm cơ sở xây dựng chương trình đào tạo đến năm 2025”, “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong cơ chế thị trường”, “Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0”…

Những đề tài này sẽ là cơ sở để các trường mở ngành, xác định chỉ tiêu tuyển sinh cho phù hợp với yêu cầu nguồn nhân lực cần sử dụng và khuyến cáo người học trong việc chọn ngành nghề khi đăng ký xét tuyển.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Thu Phương (thực hiện)
.
.
.