“Chợ thịt thú rừng” giữa đường phố TP Hồ Chí Minh

Thứ Sáu, 20/10/2006, 08:49
Điểm bán thịt thú rừng dọc vòng xoay ngã 6 Cộng Hòa (địa bàn giáp quận 3, quận 1), tồn tại công khai từ nhiều năm nay, khiến nhiều người quen gọi nơi đây là "chợ thịt thú rừng", bởi khi muốn mua loại thịt thú rừng nào đến đây đều có, nếu khách quen thì chỉ cần một cú điện thoại là có người đưa vào tận nơi.

Mỗi ngày, "chợ thịt thú rừng" này hoạt động từ rất sớm và tới chiều tối mới đóng cửa. Dư luận người dân nhiều lần lên tiếng đề nghị các ngành chức năng can thiệp, tuy nhiên cái chợ trái phép này vẫn hoạt động và thách thức dư luận.

Theo người dân sống xung quanh thì chợ thịt thú rừng này mỗi ngày bán ra từ 4 đến 5 tấn thịt sống, khối lượng nhiều nhất vẫn là bỏ mối cho các nhà hàng, khách sạn khắp thành phố. Sáng 19/10, chúng tôi dạo qua “chợ thịt thú rừng”, phía lề đường Phạm Viết Chánh (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1), có 5 hàng thịt thú rừng bày bán công khai tại đây.

Người bán thuê hẳn mặt bằng, mở cửa hàng bán thịt thú rừng, có cả biển thương hiệu giao dịch với khách hàng. Chúng tôi được những người bán mời mua đon đả, một kg thịt heo rừng, nai, mễn, cheo có giá chênh lệch từ 85 ngàn đồng đến 150 ngàn đồng, thịt trút có giá cao hơn đến 400 ngàn đồng một kg. Những loại hương vị, đồ ướp bán cùng với thịt rừng, mỗi bịch 15 ngàn đồng, nếu khách mua nhiều thì tặng miễn phí. Vì thịt thú rừng là "hàng hiếm, hàng độc", nên lượng người mua rất đông.

Qua tìm hiểu, 5 cửa hàng thịt thú rừng trên đường Phạm Viết Chánh có tên thương hiệu gồm: Bích Ngọc (trước số nhà 71), Thanh Loan (trước số nhà 73), Cô Sáu (trước số nhà 65), Hai Sơn (trước số nhà 77), Bà Năm (trước số nhà 81), các đối tượng bán thịt thú rừng này ngoài lượng thịt treo lủng lẳng phía ngoài thì còn một khối lượng lớn trong tủ đông giấu phía trong nhà.

Theo tố cáo của người dân, 5 chủ kinh doanh thịt thú rừng trái phép nói trên đều ở nơi khác đến, là đầu mối tiêu thụ thịt thú rừng của đường dây cung cấp thịt thú rừng do các “mối” ở tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Đồng Nai, Tây Nguyên chuyển xuống. Chúng thường vận chuyển thịt thú rừng bằng xe tải loại 2,5 tấn, giao hàng vào lúc nửa đêm về sáng để đề phòng lực lượng Kiểm lâm. Ngoài ra, mỗi bà chủ bán thịt thú rừng tại "chợ" này đều có các đệ tử túc trực canh chừng lực lượng quản lý đi thu gom và làm nhiệm vụ bỏ sỉ thịt thú rừng cho các nhà hàng là mối quen.

Với tính chất hoạt động liều lĩnh, công khai nói trên của các đối tượng kinh doanh mặt hàng đã được Chính phủ cấm là thịt thú rừng, liệu đứng đằng sau "bảo trợ" cho những "tiểu thương" thịt thú rừng này là ai? Dư luận đang đề nghị lực lượng Kiểm lâm và chính quyền địa phương sớm vào cuộc điều tra, xử lý đường dây vận chuyển, kinh doanh thịt thú rừng này

Bá Dũng
.
.
.