Chớ chủ quan với tai nạn bỏng điện cao thế

Thứ Sáu, 26/09/2014, 11:02
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội khuyến cáo, khi phát hiện những trường hợp bị bỏng điện cao thế nói riêng và bỏng điện nói chung cần nhanh chóng ngắt cầu dao, phích cắm, nguồn dẫn điện; sử dụng dụng cụ cách điện để tách người gặp nạn ra khỏi khu vực có nguồn điện phóng. Kế đó, tiến hành các thao tác hô hấp nhân tạo, sơ cứu vết thương rồi đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu, điều trị.

Thực tế cho thấy, chỉ trong một thời gian ngắn trở lại đây, số ca tai nạn do bỏng điện cao thế gia tăng đáng kể. Hậu quả đi kèm với các ca tai nạn này là rất khôn lường. Nhẹ thì bị bỏng, cắt bỏ các bộ phận cơ thể. Nặng, không cứu chữa kịp thời còn dẫn đến tử vong…

Không khí mấy ngày qua tại phòng hồi sức của Khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội diễn ra khá ảm đạm. Dãy hành lang bên ngoài, người thân các trường hợp bị tai nạn bỏng điện đứng ngồi không yên. Bác Lê Thị Lụa, ở Tàm Xá, huyện Đông Anh (Hà Nội) nước mắt lưng tròng khi kể lại vụ tai nạn đau lòng mà con bác - anh Nguyễn Thành N., 40 tuổi trước đó gặp phải. Anh N. vốn là công nhân lao động phụ nề, thu dọn đất, gạch cho các hộ gia đình có công trình đang thi công. Trong một lần tham gia lao động, thu dọn dây cáp cho công trình đang xây dựng nhà cao tầng ở xã bên, anh N. không may vướng vào đường dây điện cao thế chạy qua công trình khiến anh bị điện phóng, hút chặt. Mọi người sau khi phát hiện đã nhanh chóng đưa anh N. đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội cấp cứu.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thống - Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội thăm, khám một trường hợp bỏng điện cao thế.

Ngày 20/9, nhìn hình ảnh anh N. bị cắt cụt hai cẳng tay đang nằm điều trị tại Khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội, ai cũng đều thấy lạnh người vì hậu quả đau lòng đi kèm với tai nạn bỏng điện cao thế. Theo các bác sĩ Khoa Bỏng cho biết, sáng 23/8, Khoa tiếp nhận và cấp cứu cho anh N. với thương tích bỏng độ I-II-III, nhiều vùng cơ thể bị cháy xém, trong đó có 2 cẳng tay. Mặc dù các bác sĩ đã tận tình cứu chữa, song do vết bỏng quá nặng và để đảm bảo an toàn tính mạng cho anh N., các bác sĩ buộc lòng phải cắt bỏ hai cẳng tay của anh. Đến nay, anh N. đã qua cơn nguy kịch và dần hồi phục sức khỏe.

Không riêng gì anh N., hiện Khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội cũng đang phải điều trị tích cực cho 4 trường hợp bị bỏng điện cao thế. Các trường hợp này đều bị bỏng điện với diện tích trên 30% cơ thể, độ I-II-III. Đáng bàn hơn, trong thời gian qua, cũng đã có trường hợp bị bỏng điện cao thế do vết thương quá nặng, không được điều trị, cấp cứu kịp thời nên sau khi đưa đến bệnh viện, gia đình đã làm thủ tục… xin về.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội cho biết, mặc dù, thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ tai nạn do điện sinh hoạt, điện cao thế gây ra, thế nhưng, dường như chưa nhận thức rõ những hậu quả khôn lường đi kèm, một số người dân đã bất cẩn khi làm việc, thao tác gần khu vực có nguồn điện cao thế dẫn qua. Số ca bị bỏng điện cao thế chiếm đa phần là các trường hợp công nhân lao động, làm việc tại các công trình, tòa nhà cao tầng không được trang bị các dụng cụ bảo hộ lao động, phòng hiện tượng phóng điện như: găng tay, ủng…; chủ quan khi cho rằng đường dây dẫn điện cao thế nằm cách xa khu vực mình thao tác đến 1-2m sẽ không gây nguy hại. Thế nhưng, suy nghĩ đó hoàn toàn sai. Và rồi, khi hậu quả đau lòng xảy ra thì đã quá muộn. Chỉ tính riêng từ đầu tháng 9 đến nay, Khoa đã cấp cứu và điều trị cho hơn 10 trường hợp bị tai nạn bỏng điện cao thế, trong số này có nhiều trường hợp đã phải cắt bỏ các bộ phận trên cơ thể, thậm chí thiếu chút nữa bị thiệt mạng do vết thương quá nặng.

Thiết nghĩ, để phòng tránh tai nạn bỏng điện cao thế trong thời gian tới, hơn lúc nào hết, ngay từ bây giờ, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh hơn nữa. Thêm vào đó, công tác kiểm tra, nhắc nhở, xử lý kịp thời các công trình thi công vi phạm hành lang an toàn lưới điện, sử dụng lao động gần đường dây điện không có trang thiết bị, dụng cụ bảo hộ lao động cũng phải được chú trọng, thắt chặt

Trần Huy
.
.
.