Chợ Hải Phòng "sắp" cháy

Thứ Hai, 15/01/2007, 14:16

Tại các chợ từ lớn đến nhỏ ở Hải Phòng, các quầy hàng san sát nhau, được dựng bằng vật liệu dễ cháy như cót ép, nilon, gỗ, nhựa. Dây điện luồn dưới, vắt ngang đủ kiểu. Cuối năm, hàng hóa tràn ngập, người mua đông đúc càng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Bắt đầu từ chợ Ga, một trong những chợ tổng hợp lớn ở Hải Phòng. Với hơn 800 hộ kinh doanh nhiều mặt hàng khô trên diện tích khoảng 1.000m2, phần lớn các sạp hàng được dựng bằng vật liệu dễ cháy như cót ép, nilon, gỗ, nhựa. Hầu hết đường đi lại trong các quầy hàng như vải, quần áo, đồ nhựa, vàng mã chỉ khoảng 1m, nhưng không quầy nào giữ được khoảng cách quy định, mỗi người lấn một chút, đường đi còn lại chỉ đủ 2 người lách.

Nhìn tổng thể dường như không có không gian cho ánh sáng tự nhiên, nên ban ngày nhưng nhiều hộ phía trong phải sử dụng bóng điện bán hàng. Có khu vực dây điện luồn qua, mắc lại từ quầy nọ sang quầy kia chăng mắc như mạng nhện.

Ông Trần Quốc Hiếu - Trưởng ban Quản lý chợ phàn nàn, đã nhiều lần Ban quản lý đề nghị các tiểu thương cùng góp kinh phí mắc hệ thống điện ngầm vào các sạp hàng, bàn đi tính lại không được thống nhất đành để các chủ sạp sử dụng nối tiếp nhau thông qua cầu dao tổng. Ngày nào Ban quản lý, bảo vệ chợ cũng kiểm tra, nhắc nhở, nhưng tiểu thương không tự giác chấp hành qui định thì khó kiểm soát an toàn sử dụng điện...

Đến chợ An Dương tuy thông thoáng hơn về khoảng cách giữa các quầy hàng, nhưng do xây dựng từ quá lâu nên xuống cấp trầm trọng. Tại khu vực các quầy hàng khô đều sử dụng các loại vật liệu như bạt, nilon, gỗ dán, mái che nhựa che chắn quầy.

Khi được hỏi về công tác phòng, chống cháy chợ, các nhân viên quản lý chợ không phủ nhận chính quyền đang có kế hoạch sửa chữa lớn nên các biển tiêu lệnh PCCC, nội qui, chỉ dẫn lối thoát nạn cùng các phương tiện chữa cháy tại chỗ vẫn chỉ sử dụng trang bị cũ đã thiếu và hư hỏng nhiều. Ngay các dãy hàng bán quần áo không được đặt bình chữa cháy. Chị Nguyễn Thị Thu kinh doanh quần áo may sẵn nhiều năm nay thừa nhận việc tập huấn, liên quan đến PCCC chủ yếu là người tổ trưởng, đối với những người như chị không được tham gia.

Tại chợ Tam Bạc mới được xây dựng lại cách đây vài năm, nhưng lại quá chật hẹp so với nhu cầu của các hộ kinh doanh. Nên phía đường Phan Bội Châu, những quầy bán quần áo bày kín khu vực vỉa hè. Phía đường Hoàng Ngân, Lý Thường Kiệt, tất cả các quầy bán hàng khô chiếm luôn cả lòng đường. Mới năm ngoái, một người mua hàng vô ý hút thuốc lá vứt mẩu thuốc vào thùng túi nilon, không ai để ý cứ âm ỉ rồi bốc cháy. May mà mọi người phát hiện, chữa cháy kịp thời.

Ở các chợ nhỏ lẻ như chợ Con, chợ Hòa Bình, chợ Cầu Tre, chợ Vạn Mỹ, chợ Máy Chai, chợ Đổng Quốc Bình... không được xây dựng qui mô nên các tiểu thương kinh doanh các mặt hàng khô rất luộm thuộm, chật hẹp. Chính quyền các phường không mấy quan tâm đầu tư cho công tác PCCC. Từ chợ lớn đến chợ lẻ ở Hải Phòng hiện nay có thể nói đều tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ...

Dập tắt ngay nguy cơ cháy chợ bằng cách nào?

Thượng tá, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC (Công an TP Hải Phòng) Đoàn Văn Nhẹ cho biết, mặc dù các chợ rất quan tâm đến công tác PCCC, nhưng nhiều chợ thiếu hụt về phương tiện chữa cháy và không đồng bộ. Ví như chợ Ga, hệ thống điện đã hơn 10 năm chưa hề được cải tạo sửa chữa; chợ Tam Bạc phía sau còn có một số hàng ăn sử dụng bếp than rất dễ phát sinh sự cố cháy, nhưng không hề bố trí họng nước chữa cháy.

Theo ý kiến của Ban Quản lý chợ, nếu không chuẩn bị tốt phòng, chống chữa cháy tại chỗ không loại trừ gây hậu quả cháy lớn. Những ngày cuối năm 2006, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 7 vụ cháy, thiệt hại ước tính cả trăm triệu đồng. Nguyên nhân chủ yếu do bất cẩn trong sinh hoạt.

Theo Nghị định 130/NĐ-CP ngày 8/11/2006 của Chính phủ quy định chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Theo đó, các chợ kiên cố, bán kiên cố, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bách hoá có tổng diện tích các gian hàng từ 300m2 trở lên hoặc có khối tích từ 1.000m3 đều phải có phương án chữa cháy, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Tuy nhiên, đến thời điểm này rất ít Ban Quản lý chợ thực hiện nghiêm túc. Do vậy, để giảm thiểu thiệt hại do cháy nổ không may xảy ra, trước tiên các tiểu thương phải có trách nhiệm tự giác chấp hành các quy định phòng ngừa cháy, nổ.

Tiếp đó, lực lượng PCCC tại chỗ cần phải được kiện toàn và thực hiện chế độ trực 24/24h, kịp thời ngăn chặn, xử lý các sự cố cháy nổ vừa mới phát sinh. Những điều kiện trên không thể không thực hiện sớm để dập tắt mọi nguy cơ cháy chợ - Hải Phòng không thể xem thường nỗi lo cháy chợ khi tất cả các chợ còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ...

Mạnh Hừng
.
.
.