Chợ Hà Nội dễ "bắt lửa"

Thứ Năm, 28/12/2006, 11:16
Các chợ từ thời bao cấp như chợ Ngã Tư Sở, chợ Hàng Da, chợ 19/12... đều đang trong tình trạng xuống cấp, mặt bằng chật chội, hàng hóa lại quá tải, hệ thống điện chưa được cải tạo toàn diện nên đang đứng trước nguy cơ cháy, nổ cao.

Vào dịp giáp Tết nhu cầu tiêu dùng tăng cao, một số chợ đầu mối lớn ở Hà Nội đang rơi vào tình trạng hàng hóa quá tải, khiến mặt bằng trở nên chật chội, khoảng cách an toàn về PCCC gần như là không còn.

Nhiều diện tích vốn dĩ không phải là chỗ bày hàng như cầu thang thoát hiểm, các lối đi, các địa điểm đặt thiết bị PCCC... đã bị người bán hàng không ngần ngại lấn chiếm. Dạo một vòng quanh các chợ, mới hay tình trạng vi phạm nội quy về PCCC tại nơi này còn khá phổ biến.

Chợ Đồng Xuân những ngày giáp Tết, người buôn kẻ bán ra vào tấp nập. Hàng hóa chồng chất, quầy hàng san sát. Dù đã tranh thủ từng chỗ trống để bày hàng, nhưng vẫn không đủ nên nhiều chủ hàng một mặt đã tận dụng gầm cầu thang làm nơi cơi nới quầy sạp, mặt khác lấn sang cả đường đi.

Nếu khách có muốn đi, không có cách nào khác đành phải bước "nhờ" qua các chồng hàng đang đặt ngổn ngang dưới đất. Cũng có người không tận dụng được gầm cầu thang hay lối đi thì tranh thủ bày hàng xung quanh chỗ đặt vòi rồng chữa cháy.

Mặc dù Ban Quản lý (BQL) chợ đã quy định tại nơi đặt thiết bị PCCC các hộ kinh doanh không được để hàng lấp lối đi, thế nhưng nhiều tiểu thương đã phớt lờ. Cùng đó, nhiều người kinh doanh còn ngang nhiên coi thường tấm biển "cấm hút thuốc" mà BQL treo khắp nơi trong chợ. Họ hút thuốc lào, thuốc lá công khai trong chợ.

Họ quên mất rằng chỉ cần một sơ sẩy nhỏ, vô ý để tàn thuốc rơi xuống là có thể gây cháy. Lúc đó thì tính mạng và tài sản của họ, cũng như nhiều người trong chợ sẽ bị đe dọa. Tình trạng hút thuốc lá, lấn chiếm chỗ đặt bình chữa cháy làm nơi bày hàng không chỉ xảy ra ở chợ Đồng Xuân mà còn xảy ra ở nhiều chợ khác như chợ Mơ, chợ Hôm...

Trao đổi với Phòng Cảnh sát PCCC, Thượng tá Nguyễn Văn Sơn - Phó phòng Cảnh sát PCCC Công an TP Hà Nội cho biết: Cơ quan Công an chỉ làm việc với Ban quản lý chợ, còn BQL phải chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát các tiểu thương kinh doanh. Để xảy ra tình trạng lấn chiếm trên là do BQL chưa sát sao.

Thời điểm hanh khô, nếu không cẩn thận thì khả năng xảy ra hoả hoạn rất cao, vì vậy Phòng Cảnh sát PCCC đã liên tục ra văn bản yêu cầu  BQL các chợ phải chú ý về công tác an toàn PCCC, đồng thời mở nhiều đợt kiểm tra công tác an toàn PCCC tại các chợ và trung tâm thương mại.

Mặc dù đợt kiểm tra mới diễn ra được vài ngày, nhưng nhìn chung đa số chợ vi phạm về việc sử dụng mặt bằng quá tải. Riêng chợ Đồng Xuân, đã bị xử lý tới 7 vụ/tuần, với số tiền nộp phạt lên tới 1.400.000 đồng. Thượng tá Sơn cũng cho biết thêm: Hiện trên địa bàn Hà Nội có gần 130 chợ do quận, huyện quản lý.

Ngoài ý thức người dân chấp hành chưa tốt công tác PCCC, đa số các chợ còn rơi vào tình trạng thiếu trang thiết bị PCCC như bình bọt, họng nước vách tường, bể nước cứu hỏa. Thực tế, ngoài các trung tâm thương mại lớn mới xây dựng như Tràng Tiền, Metro... có hệ thống chữa cháy tự động, đáp ứng được công tác an toàn về PCCC, còn đa số các chợ cũ từ lâu đều thiếu phương tiện.

Đối với các chợ từ thời bao cấp như chợ Ngã Tư Sở, chợ Hàng Da, chợ Hôm Đức Viên, chợ Mơ, chợ 19/12... đều đang trong tình trạng xuống cấp, mặt bằng chật chội, hàng hóa lại quá tải, hệ thống điện chưa được cải tạo toàn diện nên đang đứng trước nguy cơ cháy, nổ cao.

Theo đánh giá thì trong số này có một số chợ thực sự nguy hiểm, đặc biệt là chợ Ngã Tư Sở. Vừa qua, chợ này đã bị thu hẹp một phần diện tích để làm đường nên các quầy kinh doanh phải dồn vào trong chợ, mật độ quầy hàng quá dày, chiếm hết cả lối đi, đặc biệt là các lối thoát hiểm và lối vào nơi để phương tiện chữa cháy cũng như bể nước cứu hỏa.

Đó là chưa kể có nhiều hộ kinh doanh vật liệu dễ cháy, rồi phủ vải, bạt lên quầy hàng của mình. Hơn nữa, chợ này lại nằm sát nhà dân, nếu chẳng may để hoả hoạn xảy ra thì hậu quả thật khó lường.

Được biết, lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC Công an Hà Nội đang tiếp tục mở đợt kiểm tra công tác an toàn PCCC tại các chợ và trung tâm thương mại trên địa bàn Hà Nội. Đợt này, các đoàn kiểm tra sẽ chú trọng vào các vấn đề trọng tâm như kiểm tra việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC như bố trí mặt hàng, bố trí sắp xếp  hàng hóa trong kho, sắp xếp ngành hàng, khoảng cách an toàn PCCC, chống cháy lan, thực hiện các quy định về cấm kinh doanh các mặt hàng nguy hiểm;

Kiểm tra các đường thoát nạn, cứu hộ; kiểm tra hệ thống điện và các quy định sử dụng điện, hệ thống chiếu sáng; sẽ kiên quyết xử lý các hộ kinh doanh tự ý câu móc điện và sử dụng thiết bị điện không an toàn; kiểm tra việc quản lý nguồn nhiệt, nguồn lửa, cấm việc thắp hương, nến trong chợ, khu vực ngành hàng ăn uống; kiểm tra công tác huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng chữa cháy tại chỗ; kiểm tra các trang thiết bị phục vụ cho công tác PCCC...

Thanh Huyền
.
.
.