Chính thức loại bỏ thủy điện Đồng Nai 6, 6A: Thêm bài học về quản lý

Thứ Tư, 30/10/2013, 08:46
Trong báo cáo trình Quốc hội mới đây, Bộ Công Thương khẳng định đã phê duyệt loại bỏ dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A ra khỏi qui hoạch. Đây rõ ràng là tin vui, nhưng đằng sau nó cũng là bài học về quản lí để không gây thiệt hại cho nhà đầu tư, gây lãng phí cho xã hội...

Đổi mới quy trình lập báo cáo đánh giá tác động môi trường

Để theo đuổi dự án, trong suốt 11 năm, chủ đầu tư là Tập đoàn Đức Long Gia Lai đã phải chi nhiều tỉ đồng cho giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). TS Mai Thanh Dung, Cục trưởng Cục Thẩm định và đánh giá tác động môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường) khẳng định, bất cứ dự án thủy điện nào muốn triển khai, chủ đầu tư cũng phải tiến hành lập báo cáo ĐTM và phải chấp nhận rủi ro nếu ĐTM không được phê duyệt. Trường hợp thủy điện Đồng Nai 6, 6A, mặc dù chủ đầu tư đã đầu tư khá lớn cho công tác lập báo cáo ĐTM nhưng vì ĐTM còn nhiều điểm chưa rõ, trong khi tác động tiêu cực của dự án tới Vườn quốc gia Cát Tiên là quá rõ ràng nên việc dừng dự án là cần thiết.

"Đã làm thuỷ điện là sẽ gây tổn hại tới môi trường. Do đó phải thận trọng, cân nhắc giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học. Trong trường hợp nào thì đánh đổi? Trước đây, vì thiếu điện nên có nhiều dự án dù gây tác động xấu tới môi trường, thậm chí phải phá rừng phòng hộ, vẫn cứ được triển khai. Đó là vì bối cảnh kinh tế - xã hội lúc đó buộc phải đánh đổi. Nhưng hiện giờ, Việt Nam không thiếu điện, lại có khả năng phát triển các nguồn điện thay thế, thậm chí mua điện từ nước ngoài. Nhiều nước trên thế giới đã dừng phát triển thủy điện", TS Dung cho biết.

Để hạn chế rủi ro cho chủ đầu tư, theo ông Dung, cần phải có những đổi mới trong công tác lập báo cáo ĐTM. Trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Bộ Tài nguyên - Môi trường kiến nghị qui trình lập ĐTM 2 bước: ĐTM sơ bộ và ĐTM chi tiết. Theo đó, chỉ những dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư mới phải lập ĐTM chi tiết. Quy trình này áp dụng cho các dự án phải xin chủ trương đầu tư, phải nghiên cứu tiền khả thi và có nhiều rủi ro. ĐTM 2 bước sẽ giúp sàng lọc các dự án thiếu khả thi, hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp, bởi lẽ trên thực tế, có nhiều chủ đầu tư phải chi rất nhiều tiền cho giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi nhưng cuối cùng dự án vẫn không được thông qua, gây lãng phí. "Việc loại bỏ thủy điện 6, 6A sau khi chủ đầu tư đã đầu tư khá nhiều đang khiến nhiều chủ đầu tư khác lo ngại.

Từ đầu năm tới nay, Cục chưa nhận được hồ sơ xin thẩm định báo cáo ĐTM nào gửi về", TS Dung khẳng định. Đồng quan điểm, TS Nguyễn Khắc Kinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và đánh giá tác động môi trường cũng ủng hộ qui trình ĐTM 2 bước: "Phải chia các giai đoạn khác nhau để làm ĐTM cho phù hợp. Ví dụ, ngay sơ bộ phải đánh giá xem địa điểm có phù hợp hay không, nếu không phù hợp thì dừng ngay cho đỡ tốn kém. Nếu thấy có thể tiếp tục đầu tư thì mới đi vào nghiên cứu chi tiết, thấy ổn mới cho làm. Chia 2 bước không phải vì dự án lớn. Trước đây, ĐTM cũng có nhiều giai đoạn, là vì không có đủ thông tin, thành ra cứ có thông tin đến đâu làm đến đấy. Nay ĐTM phải đổi mới theo cả hướng nâng cao chất lượng, tránh làm sơ sài, hình thức. Đối với dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A, khi ĐTM chưa đủ thông tin thì không nên quyết định bừa, việc dừng lại là sáng suốt".

Khu vực dự kiến xây dựng nhà máy thủy điện thực chất là rừng giàu.

Rất ít đơn vị tư nhân có đủ năng lực làm thuỷ điện

TS Đào Trọng Tứ, Ủy viên Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, thành viên Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A cũng cho rằng, câu chuyện thủy điện Đồng Nai 6, 6A sẽ là bài học để cơ quan quản lí Nhà nước nhìn lại cách thức quản lí của mình. "Mặc dù trong bất cứ lĩnh vực nào, nhà đầu tư cũng phải chấp nhận rủi ro, thế nhưng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, buộc doanh nghiệp phải chi nhiều tỉ đồng để đầu tư trong suốt 11 năm, cuối cùng dự án bị loại bỏ sẽ gây bức xúc và tạo tiền lệ xấu. Tuy nhiên, không vì chủ đầu tư đã chi nhiều tiền mà cố gắng làm dự án, sau khi biết rõ ràng các tác động tiêu cực. Lợi ích của chủ đầu tư và lợi ích xã hội cần phải hài hòa", TS Tứ bày tỏ.

Trái với ý kiến của Cục trưởng Mai Thanh Dung và TS Long, TS Tứ cho rằng qui trình ĐTM 2 bước sẽ nảy sinh nhiều vấn đề, trở thành gánh nặng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. "Cơ chế làm báo cáo ĐTM phải thay đổi. Hiện nay, báo cáo ĐTM do doanh nghiệp làm. Doanh nghiệp thuê đơn vị khảo sát, lập báo cáo. Khi đó, báo cáo ĐTM sẽ mất tính khách quan vì đơn vị tư vấn được doanh nghiệp trả tiền nên sẽ chủ yếu tập trung làm lợi cho chủ đầu tư. Công tác lập ĐTM cần phải thay đổi bằng cách: khi dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, Nhà nước sẽ đứng ra thuê đơn vị tư vấn, lập báo cáo ĐTM dựa trên kinh phí do chủ đầu tư cấp. Như vậy sẽ đảm bảo được tính khách quan, tin cậy", TS Tứ khẳng định

Khánh Vy
.
.
.