Chính quyền "ép" DN, DN "ép" người dân

Thứ Ba, 26/06/2007, 12:23
Chính quyền yêu cầu mật độ xây dựng thấp nên chủ đầu tư phải vươn cao thêm số tầng hoặc đẩy giá thành căn hộ tăng lên. Không những thế, bởi mật độ xây dựng thấp cũng khiến chủ đầu tư phải tính toán đến phương án giảm giá đền bù đất cho người dân...

Theo phân cấp, Chính phủ quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể tại các tỉnh, thành phố trực thuộc TW. Quy hoạch vùng, quy hoạch chi tiết giao cho các địa phương làm. Chính vì không có một quy chuẩn nào về mật độ xây dựng trong các dự án quy hoạch khu dân cư nên việc cho phép tỷ lệ phần trăm mật độ xây dựng trong các dự án này mỗi nơi làm một kiểu.

Ngay tại TP Hồ Chí Minh đã có sự khác biệt chứ không cần so sánh giữa 2 địa phương. Từ đây phát sinh mâu thuẫn khiến doanh nghiệp (DN) làm dự án phải kêu trời và người dân đang sinh sống tại các dự án có đất bị thu hồi cũng như những người sẽ đến ở trong các dự án là người phải chịu thiệt thòi… mà nhiều khi chẳng thể hiểu tại sao! 

Dự án nhà vườn thuộc phường 15, quận Tân Bình của Tổng Công ty L.T.M.N., với diện tích đất trên 2.000m2.

Năm 1996, UBND quận sở tại quy hoạch khu đất trên thành khu dân cư nhà vườn, DN này đã ngưng sản xuất và lập các thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng để đầu tư xây dựng khu nhà ở cho CBNV.

Điều đáng nói, sau 2 lần ủng hộ cho quận mở đường (không hề tính tiền đền bù) với diện tích 744m2, còn lại 1.461m2 với 3 mặt tiền đường, DN đã thiết kế dự án xây dựng 10 căn nhà vườn liền kề.

Thế nhưng Công văn số 8841/UBND - ĐT ngày 13/9/2006 của quận này chỉ cho phép xây dựng 50% diện tích đất, một nửa còn lại dành cho đường giao thông và diện tích cây xanh.

Nhận thấy sự bất hợp lý trong kiến trúc, DN này đã làm công văn gửi thành phố và quận với lý do: "Vị trí đất tiếp giáp 3 tuyến đường lớn, có lộ giới từ 8 - 20m, định hướng quy hoạch của quận là 50% đất giao thông - cây xanh là chưa cần thiết. Nếu mở các tuyến giao thông nội bộ trong khu vực 10 căn nhà nói trên sẽ mất mỹ quan, không đảm bảo an toàn giao thông". Và chỉ  xin dành cả 1/2 diện tích đất nói trên để… trồng cây xanh!

Ông P.Đ.T. - Giám đốc Công ty T.H.P. thuộc một huyện ngoại thành thì méo mặt bởi đã 2 lần thuê thiết kế chi tiết khu đất dự án khu dân cư có diện tích gần 5ha, tốn hàng tỷ đồng.

Trong đó lần thiết kế thứ 2 này DN của ông chỉ dám để diện tích đất ở chiếm tỷ lệ 58,9% với chỉ tiêu 35,1m2/người. còn lại dành cho diện tích đất cây xanh, công viên và giao thông nhưng vẫn lo bị gạt lại khi phê duyệt mặc dù khu vực ngoại thành mật độ dân cư khá thưa và diện tích cây xanh cũng đã tương đối.

Một dự án tái định cư khác, cũng thuộc vùng ven là chung cư L.Đ., quận Thủ Đức, trong khi tổng diện tích đất của dự án lên đến hơn 20 ngàn m2, thì diện tích đất xây dựng cũng chỉ được duyệt hơn 6.800m2, mật độ xây dựng đạt 36%!

Mật độ xây dựng thấp như vậy hoặc buộc chủ đầu tư phải vươn cao thêm số tầng hoặc đẩy giá thành căn hộ tăng lên. Không những thế, bởi mật độ xây dựng thấp cũng khiến chủ đầu tư phải tính toán đến phương án giảm giá đền bù đất cho người dân - đây chính là mâu thuẫn dẫn đến việc người dân khiếu kiện về giá đền bù hay chậm di dời bàn giao mặt bằng.

Theo dự thảo mới nhất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố, quy định kiến trúc đối với nhà liền kề, nhà biệt thự và công trình xây dựng dân dụng trong khu đô thị hiện hữu, mật độ xây dựng nhà liên kế được quy định như sau: Diện tích đất dưới 50m2 được xây dựng 100%; 100m2 được xây dựng 90%… đến trên 500m2 chỉ còn được xây dựng 70% và mật độ xây dựng nhà biệt thự không quá 50% diện tích đất.

Hy vọng, khi quy định này được ban hành sẽ tạo ra được một con số phần trăm cụ thể, thống nhất đối với từng khu vực nội thành, ngoại thành. Như vậy  cũng góp phần quản lý chặt chẽ được khối kiến trúc tổng thể trong các khu dân cư hiện hữu. Và đặc biệt, sẽ tránh được tình trạng mỗi nơi duyệt một mức khác nhau theo kiểu manh mún, cũng như hiện tượng chạy chọt tỷ lệ phần trăm mật độ xây dựng trong các dự án

Đức Thắng
.
.
.