Chính phủ hỗ trợ 2.000 tỷ đồng giúp ngư dân bớt khó, thoát nghèo

Thứ Sáu, 15/08/2008, 09:04
Thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân nghèo trong việc đóng mới, mua tàu; hỗ trợ thay máy tàu bằng những loại đời mới, tiết kiệm nhiên liệu; hỗ trợ giá dầu và mua bảo hiểm cho thuyền viên, bảo hiểm thân tàu theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến, ngân sách Nhà nước sẽ chi hỗ trợ ngư dân của 28 tỉnh, thành trên cả nước với số tiền lên đến hơn 1.934,5 tỷ đồng.

Sau một thời gian ngắn triển khai, đến nay, theo báo cáo mới nhất của Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cả nước đã có 10/28 tỉnh, thành thực hiện hỗ trợ được 8.403 trường hợp với số tiền gần 48 tỷ đồng. Các địa phương chưa hỗ trợ hiện cũng đang khẩn trương hoàn tất hồ sơ để giải ngân đợt 1, những nơi đã thực hiện xong đợt 1 đang tiếp tục tiến hành đợt 2.

Theo một chuyên viên của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: "Số tiền hỗ trợ thiết thực này sẽ góp phần giúp hàng chục ngàn ngư dân thoát nghèo hoặc cải thiện cuộc sống". 

Theo quy định, điều kiện để được nhận hỗ trợ phí bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm tai nạn thuyền viên đối với chủ tàu khá đơn giản. Chỉ cần chủ tàu đang đăng ký hoạt động đánh bắt, dịch vụ cho hoạt động khai thác hải sản; có sổ danh bạ thuyền viên, danh sách thuyền viên hoặc hợp đồng lao động. Kể cả hợp đồng lao động theo thời vụ sẽ được hỗ trợ 100% mức phí bảo hiểm thuyền viên, 30% mức bảo hiểm thân tàu theo quy định của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Đối với mức hỗ trợ tiền dầu, khi ngư dân là chủ tàu đáp ứng đủ các điều kiện của một tàu đánh bắt hải sản, tàu dịch vụ cho hoạt động khai thác hải sản sẽ được hỗ trợ các mức sau: Tàu có công suất máy từ 90 mã lực (CV) trở lên được hỗ trợ 10 triệu đồng/chuyến đánh bắt hải sản, hỗ trợ 3 lần/năm; tàu có công suất máy từ 40 đến dưới 90CV được hỗ trợ 6,5 triệu đồng/chuyến, hỗ trợ 4 lần/năm; tàu nhỏ có công suất máy dưới 40CV được hỗ trợ 4 triệu đồng/chuyến, hỗ trợ 5 lần/năm.

Mức hỗ trợ đối với ngư dân mua mới, đóng mới tàu khi đáp ứng đủ điều kiện cần thiết sẽ được nhận 70 triệu đồng/tàu/năm. Việc hỗ trợ ngư dân thay máy tàu sang loại tiết kiệm nhiên liệu hơn cũng vậy, nếu đáp ứng đủ các điều kiện tối thiểu, chủ tàu sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng đối với tàu có công suất máy từ 40 đến dưới 90CV; tàu trên 90 CV được hỗ trợ 18 triệu đồng/máy.

Như vậy, thực hiện chính sách hỗ trợ này, ngoài việc giúp ngư dân bớt khó khăn. Khi chủ tàu đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết để được nhận hỗ trợ cũng đồng nghĩa với việc mỗi con tàu khi ra khơi sẽ an toàn hơn do được kiểm định chất lượng.

Việc quản lý hoạt động đánh bắt hải sản trên biển cũng sẽ được quản lý chặt chẽ hơn khi chủ tàu chấp hành đầy đủ các quy định về đăng ký, đăng kiểm tàu; đăng ký hoạt động đánh bắt hải sản và kinh doanh dịch vụ trên biển mới được nhận hỗ trợ.

Tuy nhiên, trừ một số tỉnh, thành như: Bình Thuận đã hỗ trợ được 3.100 trường hợp, tổng số tiền 8,217 tỷ; Thanh Hóa được 1.561 trường hợp với số tiền 7,927 tỷ đồng; Thừa Thiên - Huế được 1.016 trường hợp, tổng số tiền đã chi đạt 4,076 tỷ đồng…, các tỉnh, thành còn lại hiện chưa thực hiện hoàn tất việc thẩm định hồ sơ của chủ tàu để giải ngân khoản kinh phí hỗ trợ hoặc mới thực hiện được rất ít.

Do vậy, cả nước hiện vẫn đang còn hàng chục ngàn trường hợp thuộc diện được hỗ trợ nhưng chưa đủ các điều kiện cần thiết hoặc do một số vướng mắc nên chưa thể triển khai chính sách ưu đãi tới ngư dân. Tập trung nguồn lực, nhanh chóng hoàn tất việc chuyển tiền hỗ trợ đến tay ngư dân là việc cần làm của chính quyền những địa phương thuộc diện được áp dụng chính sách này

Ð.T.
.
.
.