Chiêu lừa của bệnh nhân rởm

Thứ Hai, 24/01/2011, 16:05
Chừng như các "vai diễn" nhà bị bà hỏa thiêu rụi, bị lũ lụt cuốn trôi, chồng con bị bệnh tâm thần, bị liệt tứ chi cần tiền chữa trị… không còn hiệu quả nên thời gian gần đây, những kẻ chuyên sống bằng lòng từ tâm của người nhẹ dạ xây dựng màn kịch mới: Đóng giả làm bệnh nhân nghèo vì không có tiền điều trị phải trốn viện đi cầu cứu những người mà theo họ là… "có tâm Phật"!

Theo phản ánh của bạn đọc, chùa Châu Đốc II nằm trên đường Huỳnh Tấn Phát (huyện Nhà Bè, TP HCM) là nơi mà các "kịch sỹ" đường phố thường lui tới "thả câu". Đó là những phụ nữ tuổi từ 30-50, nói giọng miền Nam, ăn vận lùi xùi, gương mặt lúc nào cũng nhàu nhỉ, tay cầm khi hồ sơ bệnh án, lúc cầm sổ khám chữa bệnh hễ gặp kẻ lại người qua là xán tới giở bài thở than, khóc lóc... xin tiền.

"Đến rằm, khách ghé chùa đông như trẩy hội là thời điểm đám người giả làm con bệnh bần hàn không biết từ nơi đâu tập kết về đây mần ăn. Nhiều khách động lòng đã dúi cho họ rất nhiều tiền mà đâu biết đang vỗ béo bọn xấu" - bà Diệu Thiện, Phật tử chùa, người phản ánh sự việc với Báo CAND, bức xúc.

Từ chia sẻ của bà Thiện và một số Phật tử khác, sáng 19/1, chúng tôi có mặt tại chùa Châu Đốc II và không mấy khó khăn trong việc tiếp cận các "bệnh nhân rởm". Chùa nằm sâu trong con hẻm chật chội, từ ngoài đường lộ vào đến chùa dài hơn 200m với hàng quán bán buôn ì xèo, thiện nam tín nữ kẻ vào người ra chật như nêm. Khi còn cách chùa 100m, chúng tôi được một phụ nữ tuổi ngoài 40, lẽo đẽo theo sau xin bữa cơm lót dạ.

Tay cầm phiếu chụp X-quang, chị ta kể khổ: "Em bị viêm đại tràng cấp tính, bác sỹ chuẩn đoán phải tốn hơn 2 triệu đồng mới chữa khỏi nhưng mấy năm rồi tiền bạc dồn vào lo cho con bé bị bại liệt ở nhà nên việc chữa trị vượt quá khả năng. Về quê sợ chồng con biết chuyện sẽ đau buồn nên em đành đi lang thang sống nhờ sự bố thí của người tốt, hy vọng sẽ để dành được tiền chữa bệnh". Thấy chúng tôi rút máy ảnh, chị ta nhau nhảu hỏi "chụp ảnh làm gì vậy, thôi đừng chụp, em không muốn chụp đâu?" rồi lẻn vào đám đông biến mất. 

Nữ "bệnh nhân" rởm có sổ khám bệnh tên Trần Thị Lẹ.

Tiếp tục dấn bước, lần này "đón" chúng tôi là một phụ nữ khoảng 50 tuổi, dáng gầy, gương mặt dù cố làm ra vẻ nhăn nhó do đau đớn nhưng vẫn không che giấu được những đường nét gian xảo hiện rõ. Theo sổ khám bệnh của Bệnh viện Mắt TP HCM mà bà ta dúi vào tay khách, chúng tôi biết bà ta tên Lẹ, ngụ huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. "Bác sỹ chuẩn đoán cô bị đục thủy tinh thể nên mắt mới kéo màng mờ (?). Sắp tới nếu không mổ thì không nhìn thấy ánh sáng. Nhưng nhà cô nghèo lắm, lo chạy ăn từng bữa thì làm gì có tiền mà phẫu thuật chú ơi!". Hỏi chi phí chữa bệnh bao nhiêu, bà này làm bộ rơm rớm nước mắt: "Nghe phẫu thuật là cô sợ rồi, đâu dám hỏi tới".

Chúng tôi hứa sẽ giúp, bà nọ mắt sáng rực nhưng khi yêu cầu cho xem giấy chứng minh nhân dân để đối chiếu với sổ khám bệnh thì chúng tôi nhận được câu trả lời ấm ớ rằng "giấy tờ cô bị đạo chích bệnh viện lấy trộm rồi". Bị vặn ngược lại "nếu lấy trộm hết thì sao còn sổ khám chữa bệnh" thì "bệnh nhân" này nhướng mày gầm giọng "hỏi gì mà hỏi dữ vậy" và nhanh chân lủi vào đám đông lặn mất dạng.

Trao đổi với chúng tôi về những màn kịch giả làm bệnh nhân của phường lừa đảo, anh Đỗ Toàn, người làm công quả ở chùa cho biết: để giữ gìn an ninh trật tự và tránh tình trạng người viếng chùa bị lường gạt, nhà chùa đã treo nhiều biển cảnh báo cũng như cấm các đối tượng ăn xin, bói toán… vào khu vực chùa. Nhưng do lượng người quá đông nên không thể tránh khỏi tình trạng bọn xấu trà trộn "đóng kịch".

Một thành viên tổ tự quản ở địa phương lưu ý từ đây đến cuối năm, lượng người hành hương, tín ngưỡng đổ về chùa rất đông, đây là cơ hội vàng không chỉ cho phường móc túi, dân buôn thần bán thánh mà cả những kẻ chuyên "đóng kịch" lấy lòng thương hại của khách viếng chùa... rầm rộ đổ về "làm ăn". Để tránh bị lừa, khách khi đến tham quan, viếng chùa đừng cả tin vào những bệnh nhân không rõ nguồn gốc. Mọi biểu hiện nghi vấn bà con nên báo ngay tổ ANTT chùa để lực lượng này có biện pháp xử lý đối tượng

N.T.Dũng
.
.
.