Quốc hội thảo luận tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước:

"Chia ngân sách" phải hết sức công minh!

Thứ Tư, 25/10/2006, 08:04

Phần lớn đại biểu Quốc hội nhất trí cần đầu tư ngân sách cho khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, ưu tiên những tỉnh miền núi nghèo, khó có cơ hội đầu tư mạnh.

Tiền ngoài "túi" Nhà nước chiếm 4,5%!

Cuối chiều 24/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh chính thức thông tin tới Quốc hội: Tổng thu ngân sách năm 2006 có tăng so với báo cáo ban đầu! Hiện nợ đọng thuế vẫn còn hơn 8.500 tỷ đồng nằm ngoài "túi ngân sách", tức chiếm khoảng 4,5% tổng thu ngân sách Nhà nước.

Các cơ quan kiểm tra của ngành Thuế, Hải quan thực hiện kiểm tra tại 63.000 đơn vị, doanh nghiệp truy thu được thêm 2.300 tỷ đồng, như vậy một phần không nhỏ vẫn rất khó thu hồi, trong đó khoản không còn khả năng thu hồi cũng lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Có 900 tỷ đồng nợ đọng do doanh nghiệp giải thể, phá sản; 1.400 tỷ đồng do doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, bỏ trốn.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh phân tích các nguyên nhân dẫn tới nợ đọng thuế kéo dài, trong đó nguyên nhân lớn nhất vẫn là do doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, dây dưa nộp thuế, doanh nghiệp "ma" lừa đảo. Bên cạnh đó, nguyên nhân do cơ chế, chính sách cũng đáng lưu tâm, hiện còn nhiều quy định không chặt chẽ, tạo kẽ hở để doanh nghiệp lợi dụng. Đồng thời, trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế, thanh tra, thu thuế nhiều nơi thực hiện không nghiêm túc, việc phối hợp giải quyết cũng không chặt chẽ...

Ai cũng chọn việc... tăng chi, tăng thu thuộc về phần ai?

Liên quan ngân sách bao giờ cũng được Quốc hội lo ngại: Bội chi! Nếu như tăng thu ngân sách thêm một phần thì bội chi cần phải nhỏ hơn con số này, tuy nhiên việc bội chi tại nhiều bộ, ngành, địa phương đang khiến con số này có khi vượt dự kiến.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết lo ngại: Chúng ta từng quan niệm ngân sách như "con bò sữa", như chiếc bánh ngọt, chịu sức ép từ nhiều phía. Rất đáng lo ngại là năm nào cũng vẫn điệp khúc cũ: Hầu như chỉ có địa phương xin tăng thêm chi ngân sách vì rất nhiều lý do, thế nhưng mức tăng thu ngân sách mà địa phương đề đạt lại không được đưa ra. "Không tăng thu thì lấy gì bù đắp khoản tăng chi, lấy nguồn nào đề lấp chỗ trống"!

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng lo ngại trước thực trạng số địa phương tự cân đối thu chi không những không tăng thêm mà giảm so với trước (năm 2005 có 15 địa phương tự cân đối thu chi ngân sách, trong khi năm 2006 chỉ còn 11 địa phương tự cân đối).

Nguyên nhân vì sao giảm tới 4 địa phương được "mổ xẻ" trên nhiều góc cạnh, nhưng địa phương cũng có lý đưa ra như: năm 2006 đã đưa khoản thu từ xổ số ra ngoài thu ngân sách! Đáng chú ý, hiện nhiều địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế, có nhân lực, có cơ hội đầu tư nhưng cho đến nay vẫn "giẫm chân", không thể vươn lên danh sách các tỉnh tự cân đối thu chi!

Như vậy, vấn đề đặt ra: đối với những tỉnh, thành phố có tiềm năng, có cơ hội phát triển mạnh nhưng vẫn trì trệ thì Quốc hội, Chính phủ cần xem xét cụ thể, nên "ưu ái" đến mức độ nào, vì không thể luôn để tiềm năng "ngủ quên" còn Nhà nước vẫn phải dốc "hầu bao" trợ cấp mãi!

Chia cho công bằng chứ không cào bằng

Theo đại biểu Nguyễn Thị Hoài Thu, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, phải tính toán thật kỹ và công minh, đặt lên bàn tất cả các tỉnh, thành, bộ, ngành (trừ bộ, ngành thuộc diện đầu tư ngân sách đặc biệt) để luận bàn cụ thể tăng ai, giảm ai.

Ngoài ra, Quốc hội, Chính phủ cũng cần lưu ý yêu cầu các địa phương căn cứ tình hình, khả năng thực tế để đưa ra kết hoạch tăng thu ngân sách địa phương bằng các con số, mục tiêu cụ thể để phấn đấu đạt được. "Hầu bao" Nhà nước có hạn, tiền bạc càng phải hết sức công minh. Có ý kiến đề nghị, chia cho công bằng chứ không cào bằng.

Phần lớn đại biểu Quốc hội cũng nhất trí cần đầu tư ngân sách cho khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, ưu tiên những tỉnh miền núi nghèo, khó có cơ hội đầu tư mạnh.

Chương trình 135 trong mục tiêu hỗ trợ các địa phương này cũng cần tiếp tục thực hiện nhưng phải trọng tâm, trọng điểm, nên lấy phương châm chi những đồng tiền này cho dân nghèo là cho họ "cần câu" chứ không phải cho "con cá"

P.Đăng - Đ.Tuấn
.
.
.