Chỉ nên ăn thịt lợn khỏe trong vùng có dịch

Thứ Năm, 24/04/2008, 11:08
Trước việc hơn 220.000 con lợn nhiễm bệnh tai xanh đã bị tiêu huỷ, đã  có những ý kiến cho rằng ăn thịt lợn tai xanh không ảnh hưởng đến sức khỏe con người; và không nên tiêu hủy tất cả lợn bệnh để giảm thiệt hại về kinh tế. Vậy thực chất của vấn đề này thế nào?

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Quang Anh, Cục trưởng Cục Thú y, cơ quan quản lý của Bộ NN&PTNT về phòng chống các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm… để có những thông tin chính thức.

Phóng viên: Hiện nay có một số ý kiến cho rằng có thể sử dụng thịt lợn tai xanh làm thực phẩm. Với tư cách là Cục trưởng Cục Thú y, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Ông Bùi Quang Anh: Tất cả các dịch bệnh phải xử lý bằng biện pháp tiêu huỷ, chôn lấp trong lúc giá cả thực phẩm trên thị trường đang tăng cao thực sự rất lãng phí, nhưng không thể chế biến lợn bệnh thành sản phẩm cho người ăn được. Tuy nhiên, đối với những con lợn khoẻ mạnh không bị dịch nhưng ở trong vùng có dịch, kể cả những con bị bệnh nhẹ thì trong hướng dẫn của Cục Thú y có cho phép giết mổ và tiêu thụ tại chỗ. Khi giết mổ tại chỗ thì phải luộc chín con lợn ấy mới được đưa ra ngoài. Mọi phụ phẩm như máu, lông, chất thải phải chôn theo đúng biện pháp tiêu độc. 

Phóng viên: Thưa ông, như vậy, người dân có thể giết mổ và ăn thịt đã chế biến của những con lợn mắc bệnh nhẹ. Ông có thể cho biết cụ thể những trường hợp thế nào thì được phép giết mổ?

Ông Bùi Quang Anh: Trong Văn bản số 75 về việc hướng dẫn phòng, chống Hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản ở lợn (PRRS) hay tên gọi khác là lợn tai xanh đã nêu rõ, đối với các địa phương đang có dịch tai xanh lây lan ra diện rộng phải áp dụng theo quy định sau:

- Đối với những đàn chăn nuôi nhỏ lẻ, không áp dụng đầy đủ các biện pháp an toàn sinh học thì tiến hành tiêu huỷ lợn chết, lợn bệnh nặng, ngoài ra giết mổ toàn đàn để tiêu thụ tại chỗ. Sau khi giết mổ cần thực hiện vệ sinh, tổng tẩy uế, tiêu độc khử trùng nơi có lợn ốm, chết.

- Đối với những cơ sở chăn nuôi có quy mô tập trung theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp, các trang trại lớn có thể áp dụng các biện pháp an toàn sinh học thì tiến hành tiêu hủy ngay số lợn mắc bệnh nặng, lợn chết vì bệnh. Với những con lợn bị bệnh nhẹ với những biểu hiện lâm sàng về hô hấp và sốt nhẹ hoặc lợn khoẻ mạnh, xử lý chế biến trước khi tiêu thụ nhằm tránh phát tán mầm bệnh.

Tốt nhất là trong thời điểm dịch bệnh đang căng thẳng, người dân chỉ nên sử dụng thịt lợn khoẻ trong vùng có dịch.

Phóng viên: Thưa Cục trưởng, phương án an toàn nhất với số lợn bị bệnh tai xanh như thế nào?

Ông Bùi Quang Anh: Phương án an toàn nhất vẫn là xử lý giết, tiêu hủy. Cũng cần phải nói thêm rằng, khi lợn đã bị bệnh tai xanh rất dễ bội nhiễm các vi khuẩn, virus khác như khuẩn liên cầu nếu con lợn đó đã có sẵn trong cơ thể lợn hoặc ở môi trường xung quanh. Mà như chúng ta đã biết, bệnh liên cầu khuẩn ở lợn có thể lây trực tiếp sang người. Vì vậy, trong vùng có dịch, người dân phải hết sức cẩn thận khi giết mổ lợn, phải đeo găng tay, không ăn tiết canh lợn. Lợn trong vùng dịch phải được giết mổ tại các lò mổ đảm bảo vệ sinh do thú y giám sát.

Phóng viên: Xin cảm ơn Cục trưởng!

Ngọc Yến
.
.
.