Chế định quản lý thư điện tử quảng cáo thương mại

Thứ Sáu, 11/08/2006, 15:18
Nếu người tiêu dùng phải nhận quá nhiều thư điện tử quảng cáo đối với những mặt hàng mà mình không quan tâm, không có nhu cầu thì đó sẽ là một sự khó chịu, thậm chí làm ảnh hưởng đến băng thông đường truyền, dung lượng hộp thư điện tử của người nhận.

Mỗi buổi sáng bắt đầu vào giờ làm việc, bật trình duyệt Email lên, dưới thanh trạng thái xuất hiện thông báo có 20 thư mới, khấp khởi mừng thầm vì có thư thì bản thân tôi cũng tá hỏa khi thấy có đến 17 thư quảng cáo các loại... quảng cáo mời tham gia lớp học mới về quản trị doanh nghiệp, quản trị văn phòng, học làm thư ký; chưa hết, có thư lại chỉ chuyên về hướng dẫn chuyện gia đình, quan hệ bạn bè; một số lại là giới thiệu sản phẩm mới...

Cùng với sự gia tăng của thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp thị, quảng bá, vấn đề thư điện tử quảng cáo thương mại gửi hàng loạt đã trở thành một vấn đề được nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng quan tâm. Nhất là khi mức độ phổ cập Internet ngày càng tăng và chi phí giao dịch giảm đi, rất nhiều doanh nghiệp đã nhận thấy tác dụng của việc tiếp thị hình ảnh doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ của mình thông qua thư điện tử.

Phải công nhận rằng, từ góc độ kinh doanh, việc gửi thư điện tử quảng cáo cùng một lúc đến nhiều người khác nhau là một công cụ tiếp thị hiệu quả với chi phí thấp. Nói cách khác, đây là một cách đa dạng hóa kênh quảng cáo. Tuy nhiên, quảng cáo thương mại thông qua thư điện tử khác với quảng cáo thương mại thông thường là động chạm đến quyền riêng tư của người nhận quảng cáo.

Công ty Bảo mật Sophos đưa ra thống kê cho thấy, Mỹ là nước đứng đầu trong phát tán spam với hơn 23% spam có xuất xứ từ mail server đặt ở Mỹ. Đứng thứ nhì là Trung Quốc với tỉ lệ 20%, kế tiếp là Hàn Quốc (7,5%), Pháp (5,2%) và Tây Ban Nha (4,8%).

Đây được xem là quan điểm của Bộ Thương mại hiện nay khi xây dựng một chế định quản lý thư điện tử quảng cáo thương mại đang được khẩn trương tiến hành. Tuy nhiên, "Quan điểm của chúng tôi là hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng lợi ích, hiệu quả của việc tiếp thị qua thư điện tử, đồng thời phải tôn trọng tối đa quyền lựa chọn của khách hàng hoặc người nhận thư quảng cáo thương mại khi họ không muốn tiếp tục nhận các thư loại này" - bà Lại Việt Anh, Trưởng phòng Chính sách, Vụ Thương mại điện tử, Bộ Thương mại cho biết.

Thực ra, hiện nay một số nước có quy định rất khắt khe về gửi thư điện tử quảng cáo thương mại, ví dụ doanh nghiệp chỉ được gửi thư quảng cáo nếu như người nhận chủ động đăng ký nhận các thư quảng cáo đó. Việt Nam chúng ta liệu có đi theo hướng này? Theo xu hướng này, doanh nghiệp được gửi thư quảng cáo lần đầu tiên, sau đó nếu người nhận từ chối nhận tiếp thì phải tôn trọng quyết định của người nhận.

Ở Việt Nam, các doanh nghiệp đang trong giai đoạn đầu tiếp cận thương mại điện tử nên sẽ chọn một quy trình có độ chặt chẽ vừa phải để không hạn chế khả năng của doanh nghiệp sử dụng một kênh tiếp thị tiềm năng. Bà Lại Việt Anh cho rằng, chế định đang trong giai đoạn xây dựng nên Bộ Thương mại rất hoan nghênh tất cả các doanh nghiệp, chuyên gia, người dùng góp ý, đưa ra đề xuất để văn bản này có tác dụng thực tế. Các ý kiến góp ý xin gửi lên Diễn đàn trên website Bộ Thương mại tại địa chỉ http://www.mot.gov.vn/forum/forum/viewthread?thread=534.

Đã đến lúc phải quan tâm đến quyền riêng tư trong thư điện tử quảng cáo thương mại. Chuyện này, trên thế giới đã có từ lâu, nhưng để hạn chế mọi ảnh hưởng của loại hình quảng cáo này đến người dùng Internet thì vẫn chưa có cách nào ngoài chuyện tự tay hoặc sử dụng phần mềm chống thư rác để chuyển những lá thư này sang diện... thư quấy rầy mà thôi. Chỉ có 5% email trên toàn thế giới là "thư thật", còn lại đều là thư rác hoặc tương tự như thế.

Con số này do Công ty Giám sát an ninh e-mail Return Path công bố hôm 27/7, đã gây sốc vì vượt xa mọi ước đoán về thư rác từ trước đến nay. Một con số khác cũng gây sốc không kém là có đến 99% địa chỉ máy chủ gửi mail (mail server) bị chiếm dụng để gửi thư rác.

Con số này cũng dễ hiểu vì ngay cả những hệ thống e-mail khổng lồ như Yahoo hay Gmail với bộ lọc thư rác cực mạnh vẫn bị lạm dụng để phát tán spam được. Như thế, nếu không có chế tài sớm thì không biết bao nhiêu thư xuất phát từ nước ta được coi là hợp lệ?

Ngọc Tước
.
.
.