Chế biến mứt Tết... ngoài đường

Thứ Tư, 20/01/2010, 10:45
Cứ từ tháng 11 âm lịch trở ra, làng bánh kẹo Xuân Đỉnh lại bắt đầu bước vào vụ sản xuất mứt Tết. Bên cạnh những hộ sản xuất tuân thủ tốt các yêu cầu của việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không ít hộ vẫn đang sản xuất mứt với công nghệ "làng". Mứt bí được phơi lộ thiên bên đường bụi bặm, ruồi nhặng; xưởng sản xuất mứt được tổ chức ngay tại ngõ đi chung lầy bụi bẩn... đang diễn ra tại Xuân Đỉnh.
>>Giật mình công nghệ làm miến
>>Rùng mình trước công nghệ sản xuất "rượu quê", "rượu dân tộc"

"Xưởng" sản xuất mứt Tết ở ngoài đường

Chúng tôi đến làng nghề bánh mứt kẹo Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội những ngày giáp Tết Nguyên đán. Ngay từ đầu làng, đoạn đường Xuân La, hình ảnh đập vào mắt người đi đường là mứt bí được người dân nơi đây phơi lộ thiên hết sức bụi bặm trên vỉa hè. Chẳng cần phải che đậy, mứt bí được đổ trải dài trên những tấm vải bạt nham nhở đã ngả màu.

Thậm chí, nhiều người đi đến đầu làng Xuân Đỉnh đành cố "khuất mắt trông coi" bởi mứt bí còn được tận dụng phơi ngay trên mảnh đất trống cạnh ruộng rau muống lấm lem đầy cát bụi. Ngay bên cạnh đó là những túi rác bốc mùi vứt chỏng chơ. Có lẽ, không ai có thể hình dung nổi sau một ngày phơi lộ thiên như thế này, bao nhiêu cát bụi, đất sẽ bám lên những miếng mứt bí sẽ thơm phưng phức đến tay người tiêu dùng.

Đi sâu vào bên trong thôn Đông, xã Xuân Đỉnh - một trong những thôn sản xuất nhiều mứt nhất của xã Xuân Đỉnh, chúng tôi cảm nhận được không khí sản xuất mứt Tết khá nhộn nhịp. Mùi thơm ngọt ngào của hương kẹo, hương mứt đầy quyến rũ. Thế nhưng, trái ngược lại là hình ảnh sản xuất mứt rất mất vệ sinh. Mặc dù đang là ngày hanh khô và nắng ráo nhưng đường đi ở khu vực thôn Đông khá ướt át và lầy lội do nước từ cống ứ đọng tràn ra. Do mặt bằng sản xuất chật hẹp nên có những hộ sản xuất mứt đã tận dụng luôn đường đi làm nơi sản xuất mứt.

Sơ chế mứt bí ngay trên mặt ngõ.

Tại một xưởng sản xuất mứt ở ngay đầu thôn, gần chục thợ sản xuất được huy động làm việc luôn chân luôn tay. Gọi là thợ nhưng những người này không đeo khẩu trang, không dùng găng tay sản xuất cũng như mặc quần áo riêng biệt. Thậm chí, nhiều chị quần xắn lên trên đầu gối để lộ ra đôi bàn chân nhem nhuốc, nhưng vẫn cứ "vô tư" dùng tay không đưa cà rốt vào máy gọt. Từng quả bí xanh được xếp thành dãy dài dưới nền đường, mấy chị phụ nữ ngồi bệt dưới đất gọt bí, thái bí. Bí được gọt xong vỏ vứt lăn lóc trên lối đi rất mất vệ sinh. Ngay bên cạnh đó là một công trình nhà dân đang xây dựng, vật liệu xây dựng và cát rơi vãi dưới đường.

Một cơ sở sản xuất mứt bí gần đó cũng không "sáng sủa" hơn khi công nhân làm việc ở ngoài đường. Cà rốt được những bàn tay không đeo găng cho vào máy thái miếng. Ngay sau đó, những miếng cà rốt được "ngự" ngay tại chân của các thợ sản xuất. Hai bên đường làng chật chội, người ta bày bếp và những túi rác thải từ vỏ, ruột  bí, cà rốt bụi bặm tràn ra. Không hiểu hình ảnh này có thường xuyên được kiểm tra, phát hiện?

Sản xuất nhưng phải đảm bảo vệ sinh môi trường

Cuối năm, làng nghề sản xuất bánh mứt kẹo Xuân Đỉnh càng nhộn nhịp bởi sự thông thương buôn bán. Tuy nhiên, việc sản xuất vào vụ, công việc càng hối hả, càng gấp rút thì vấn đề VSATTP và vệ sinh môi trường ở đây càng đặt ra nhiều điều phải bàn. Thôn Đông hiện là thôn có nhiều hộ sản xuất bánh kẹo, mứt Tết nhất của Xuân Đỉnh. Vào thời "hưng thịnh", cả thôn có trên 100 hộ sản xuất, nhưng nay chỉ còn vài chục hộ theo nghề.

Lý do để làng nghề này bị mai một, theo ông Nguyễn Văn Tích, Trưởng thôn là do địa bàn sản xuất không có, nguyên liệu ít, người tiêu dùng giảm, không cạnh tranh được với thị trường bánh kẹo phong phú khác. Đó là lý do khách quan, còn lý do chủ yếu nhất vẫn là thương hiệu, chất lượng của sản phẩm có được người tiêu dùng ưa chuộng và tin tưởng hay không. Muốn có thị trường, trước hết sản phẩm làm ra phải đảm bảo chất lượng, đảm bảo VSATTP, có nhãn mác, địa chỉ rõ ràng… Tuy nhiên, những gì chúng tôi chứng kiến ở trên, e rằng người tiêu dùng vẫn chưa thể yên tâm sử dụng bánh mứt kẹo của một số cơ sở sản xuất như họ đã công bố chất lượng.

Giải thích về con đường lầy lội, ông Tích cho biết: Các cơ sở sản xuất mứt đều phải sử dụng vôi để ngâm cho mứt cứng. Trung bình 1 tấn vôi thì có tới 500kg sạn vôi thải ra môi trường, chảy vào đường cống thoát nước. Vào vụ Tết, cả thôn sản xuất mứt thì lượng sạn vôi thải ra rất lớn, chỉ cần 4 đến 5 cơ sở thải ra là nước thoát không kịp, gây ách tắc đường cống khiến nước tràn chảy ra đường. Thôn Đông vừa hút đường cống nhưng chỉ một vụ lại tắc. Chưa kể người dân sống ở đây hàng ngày phải chịu sự tra tấn của tiếng máy nổ, mùi khói than, gây ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ. Thôn đã đề xuất với UBND xã chuyển những hộ sản xuất này ra nơi sản xuất tập trung, tránh gây ô nhiễm môi trường nhưng vẫn chưa được.

Mứt Tết - món ăn cổ truyền trong mỗi dịp Tết sẽ ngon hơn, đậm đà hương vị hơn nếu nó được sản xuất đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Để làng nghề tồn tại và phát triển, người sản xuất cần xây dựng cho mình được thương hiệu và thương hiệu ấy phải thực sự được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn

Đình Phương
.
.
.