Chạy đua tìm "lò" luyện chữ vào lớp 1

Thứ Bảy, 06/06/2009, 11:20
Vợ chồng chị Hương nóng lòng như lửa đốt, vì nhiều bạn đã biết đọc, biết làm toán rồi, trong khi con chị bảng chữ cái vẫn chưa thuộc hết. Sau vài lần thử ở 3 "lò" luyện khác, vợ chồng chị vẫn chưa yên tâm... Suy đi tính lại, cuối cùng họ đành cho con quay lại "lò" luyện trên đường Kim Mã, học bán trú cả ngày với giá 60 nghìn đồng/buổi.
>> "Sĩ tử" mầm non

Không chỉ các sĩ tử những ngày này đang vắt chân lên chạy đua ở các lò luyện thi vào đại học, mà ngay cả các cháu vừa tạm biệt trường mầm non để bước vào lớp 1 cũng đang chạy đua cùng thời gian để học chữ. Ở Hà Nội đang xuất hiện rất nhiều "lò" dạy chữ, dạy làm toán cho học sinh chuẩn bị bước vào lớp 1. Tuy nhiên, việc dạy trước chương trình ở các "lò" luyện theo hình thức bán trú này có sai quy định của ngành giáo dục, có gây mất VSATTP trong mùa dịch?

Đắt đỏ ở các "lò" luyện chữ lớp 1

Được cảnh báo từ vài người bạn đã từng có con học lớp 1, ngay từ tháng 5/2009, chị Hà Thu Hương, ở quận Ba Đình (Hà Nội) đã đi tìm lớp luyện chữ cho con. Hăm hở với bao hy vọng, nhưng khi đến lớp học trên đường Kim Mã, quận Ba Đình chị lại thất vọng tràn trề. Lớp học là một căn nhà cấp 4, nhưng có tới 30 học sinh "nhí" ngồi chen chúc nhau trên những dãy bàn ghế nhựa thấp lè tè, nóng bức.

Nghĩ đến những ngày hè nóng nực trước mắt, chị Hương thương con quá khi cậu bé phải nhồi nhét trong "lò" luyện chữ này cả ngày. Quyết định cho con nghỉ học để đi tìm chỗ khác, vợ chồng chị vắt chân lên cổ đọc báo tìm địa điểm, rồi huy động tất cả bạn bè, người thân xem có ai biết chỗ học nào tốt thì giới thiệu. Người thì giới thiệu đến cô giáo vừa nghỉ hưu ở Trường A, người thì giới thiệu đến cô giáo dạy giỏi ở Trường B...

Từng ngày trôi qua, vợ chồng chị nóng lòng như lửa đốt, vì nhiều bạn đã biết đọc, biết làm toán rồi, trong khi con chị bảng chữ cái vẫn chưa thuộc hết. Sự lo lắng quá mức của người lớn khiến đứa trẻ cảm thấy việc học là cái gì đó rất quan trọng, rất ghê gớm. Sau vài lần thử ở 3 "lò" luyện khác, vợ chồng chị vẫn chưa yên tâm... Suy đi tính lại, cuối cùng họ đành cho con quay lại "lò" luyện trên đường Kim Mã, học bán trú cả ngày với giá 60 nghìn đồng/buổi.

Những ngày hè này, gặp trường hợp như gia đình chị Hương không phải là hiếm. Hầu hết trẻ vừa tạm biết trường mầm non đã bắt tay ngay vào ôn luyện cho lớp 1, các em không có thời gian nghỉ hè, thời gian vui chơi thỏa thích. Rất nhiều gia đình cho con học chữ từ rất sớm, 5 tuổi đã nghỉ học mẫu giáo đi học chữ, hoặc ban ngày đi học mẫu giáo, chiều về là đến "bà giáo" học chữ, điều đó tạo cho các em một gánh nặng tâm lý và sức khỏe quá mức.

Nắm bắt được nhu cầu ngày càng gia tăng này, rất nhiều nhóm lớp học chữ cho trẻ bước vào lớp 1 đã mọc lên ở Hà Nội với cái giá cắt cổ (đắt hơn cả luyện thi đại học) từ 40 đến 60 nghìn đồng/2 tiếng/học sinh; hoặc 60 đến 70 nghìn/ngày bán trú/học sinh...

Có những nhóm lớp do bà giáo làng đứng lên thu nhận học sinh (bà giáo đã nghỉ hưu lâu năm); có những nhóm lớp do cô giáo vừa nghỉ hưu hoặc cô giáo đang giảng dạy ở một số trường tiểu học dạy khi vừa nghỉ hè; có những lớp do sinh viên dạy dưới danh nghĩa giáo viên tuyển dụng...

Tất cả những nhóm lớp này đều không phép, nội dung giảng dạy không ai giống ai vì không có giáo trình cho trẻ trước khi bước vào lớp 1. Để tiện lợi cho các bậc phụ huynh, nhiều "lò" ôn luyện dạy theo hình thức bán trú, nấu luôn cơm trưa cho các cháu và ngủ trưa tại lớp. Chật chội, phòng ốc đi thuê hay lấy luôn nhà mình để mở lớp, vấn đề VSATTP, chế độ dinh dưỡng ở một số "lò" luyện đang là đề tài nóng đặt ra trong dịp hè này.

Chạy đua thần tốc - có cần thiết?

Cùng với tâm lý của hàng nghìn ông bố, bà mẹ đã có con học lớp 1, người nọ truyền kinh nghiệm cho người kia, nên việc học trước của trẻ em bây giờ đã trở thành phổ biến, tràn lan. Vì thế mới có chuyện, vừa vào lớp 1, nhiều trẻ đã đọc được truyện "Dế mèn phiêu lưu ký", biết đến số 100.

Chị Thúy Mơ ở đường Chùa Láng, quận Đống Đa bức xúc: "Tôi thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) nên không cho con học trước, nhưng vào lớp 1 mới biết, chỉ có một hai cháu như con mình, nên trở thành học sinh cá biệt của lớp. Hai mẹ con ngày nào cũng học từ 18h đến gần 23h nhưng càng học con càng không nhớ được chữ". Theo chị Mơ thì vì không học trước nên con chị thua kém các bạn rất xa. Mặc cảm và tự ti cứ thế lớn dần, nhìn thấy cô giáo, thấy học là sợ. Nhiều lúc con chị có dấu hiệu hoảng loạn, dạy trước quên sau, vừa học vừa khóc...

Theo ông Minh, Phó phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Hà Nội thì Sở đã có chỉ đạo các trường mầm non phải trông giữ các cháu trong dịp hè, tuyệt đối không được phép dạy trước chương trình. Từ ngày 15/8, tất cả các trường tiểu học mới được triệu tập học sinh.

Việc nhóm lớp mọc lên do phụ huynh nhờ giáo viên dạy hoặc do một phận nhỏ của cá nhân giáo viên thuê cô A, cô B dạy trước chương trình cho một nhóm học sinh là hoàn toàn sai với quy định của ngành và sai với quy định sư phạm. Đối với học sinh tiểu học, đã có giai đoạn đầu cả tháng dạy cho các cháu cách cầm bút, viết từng nét để cấu tạo thành một chữ cái.

Ông Minh cũng đưa ra cảnh báo: "Trào lưu học trước đã gây ra tâm lý nặng nề cho những cháu chưa học, rất nguy hại về mặt tâm lý, không hợp sư phạm. Các cháu biết trước hay chủ quan, quá trình tiếp nhận không đảm bảo chuyên môn". Đánh giá về việc xuất hiện các nhóm lớp do một số giáo viên dạy trước chương trình, ông Minh cho rằng, như thế là chưa đúng với đạo đức nghề nghiệp nhà giáo.

Trong nhiều năm qua, Sở GD&ĐT Hà Nội đã chỉ đạo các nhà trường, giáo viên cần quan tâm hơn đến học sinh, dạy học để không bỏ quên học sinh nào trong lớp. Dạy học phân hóa đối tượng, từng môn học, từng bài học, giáo viên xem học sinh nào yếu để phát triển tốt hơn. Nhiều chuyên gia giáo dục đã đưa ra nhận xét: "Biết trước sẽ rất nguy hại vì nó không logic tuần tự cho bài sau".

Việc mọc lên các "lò" luyện chữ vào lớp 1 sai với quy định hiện đang còn thả nổi, chưa được quan tâm, kiểm tra, vô hình trung đã dẫn đến trào lưu đua nhau cho con học trước chương trình. Tạo thói quen học tập cho trẻ là cần thiết, nhưng việc dạy trước chương trình không đúng với phương pháp dạy học biến đổi theo từng năm lại trở thành vấn đề nguy hại cho trẻ

Nhóm PVĐT
.
.
.