Chặt chém trước cổng chùa

Thứ Sáu, 06/02/2009, 15:09
Du khách vào chùa Bà xin lộc, cầu may chí ít cũng phải mua nén hương, miếng trầu để cúng Bà. Một cây nhang đại giá chỉ khoảng 10 ngàn đồng nhưng khi cần, du khách cũng phải bấm bụng mua tới giá 200-300 ngàn đồng, nếu không mua thì sẽ "có chuyện" chẳng lành.

Càng đến ngày tổ chức lễ hội chùa Bà (15 tháng Giêng âm lịch), du khách đổ về Bình Dương ngày càng đông. Mặc dù các ngành chức năng ở thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương và Ban tổ chức lễ hội đã có nhiều biện pháp kiểm tra, bảo đảm ANTT nhưng các dịch vụ ăn theo lễ hội vẫn không giảm, gây nhiều phiền toái cho khách.

Trước cổng chùa Bà, có tới hàng chục điểm bày bán sách bói toán và coi tử vi. Du khách chỉ cần bỏ ra vài chục ngàn là có thể mua được một cuốn tử vi. Gọi là cuốn sách tử vi cho sang chứ thực chất đây là những trang photo, chữ nghĩa lem luốc, giấy thì nhàu nát.

Trước cổng chùa Bà.

Mặc dù đã được Ban tổ chức lễ hội thường xuyên nhắc nhở trên loa phóng thanh nhưng vẫn có một số du khách hiếu kỳ, mê tín dị đoan vẫn nấn ná tại các điểm xem bói, xem tử vi để biết năm nay mình vận hạn thế nào? Làm ăn ra sao? Có gặp điều gì may rủi hay không?

Mỗi lần coi tử vi, du khách phải trả từ 20-30 ngàn đồng, cộng thêm tiền mua sách, phải tốn 50-60 ngàn đồng. Ấy là chưa kể những người tỏ vẻ là mình hào phóng, sẵn sàng bỏ ra hàng trăm ngàn đồng để được biết… tương lai.

Xem tử vi, bán sách bói toán là một dịch vụ không tốn nhiều vốn, không vất vả lại có lợi nhuận cao nên đã thu hút nhiều người tham gia dịch vụ này.

Vào đêm khuya, khi cơ quan chức năng, lực lượng bảo vệ ít hoạt động thì những điểm bói toán, xem tử vi và bán sách mê tín dị đoan này còn mở rộng "kinh doanh" tràn cả xuống mặt đường, "hành nghề" ngay cả trên những chiếc ghế đá đặt tại công viên ngã 6, trước cổng chùa Bà.

Chưa đến ngày tổ chức lễ hội nhưng từ đêm giao thừa Xuân Kỷ Sửu đến nay, các con đường dẫn vào chùa Bà ở thị xã Thủ Dầu Một đã xuất hiện nhiều điểm giữ xe ôtô, xe gắn máy. Ngoài việc các điểm dịch vụ giữ xe tư nhân sẵn sàng "chặt đẹp" du khách, các điểm kinh doanh nhang đèn, hàng mã cũng thừa cơ… hốt bạc.

Du khách vào chùa xin lộc, cầu may chí ít cũng phải mua nén hương, miếng trầu để cúng Bà. Một cây nhang đại giá chỉ khoảng 10 ngàn đồng nhưng khi cần, du khách cũng phải bấm bụng mua tới giá 200-300 ngàn đồng, nếu không mua thì sẽ "có chuyện" chẳng lành.

Cũng chỉ vì không chịu mua một cây nhang đại với giá 300 ngàn đồng, lúc 2h ngày 3/2 (mùng 9-1 âm lịch), anh Trần Văn Hải - một du khách ở TP HCM đã bị một số đối tượng bán nhang trước cổng chùa Bà tấn công, nhờ có lực lượng bảo vệ kịp thời phát hiện ngăn chặn nên không xảy ra sự cố đáng tiếc.

Khu vực xung quanh chùa Bà, đến trưa 4/2 (mùng 10-1 âm lịch) có khoảng 30 điểm lớn và hàng trăm điểm nhỏ kinh doanh nhang đèn, các loại hàng mã. Với quan niệm: Nhang đèn, hàng mã là những đồ cúng thiêng liêng nên du khách khi mua, nói sao trả vậy, ít người trả giá, kỳ kèo nên mặc sức những người bán thét giá… trên trời.

Đi chùa cầu may đầu xuân, ngoài các loại nhang đèn, hàng mã, bông hoa, du khách thường tìm mua các loại "chuông đồng khánh bạc", "cành vàng lá ngọc", dây treo "vạn sự như ý", vàng thỏi, dây đeo… được làm bằng các loại giấy kiếng, xem như kỷ vật đầu xuân, mang lộc về nhà thì có giá… vô chừng.

Điều khó chịu nhất đối với du khách là sự nài nỉ, chèo kéo xấn xổ của những người bày bán nhang đèn ngay trước cổng chùa. Chị Lâm Thị Hồ - một du khách ở quận 5, TP HCM phàn nàn: "Năm nào tôi cũng đi chùa Bà Bình Dương nhưng chưa năm nào lại gặp nhiều cảnh bực mình như năm nay. Gửi xe thì giá quá cao, mua nhang đèn, bông hoa vào cúng Bà thì giá… trên trời. Bực bội nhất vẫn là cảnh người bán đi theo chèo kéo, năn nỉ, văng tục. Không mua thì họ xúm lại gây gổ. Mua thì được người nọ lại mất người kia cũng dễ xảy ra xích mích… Nếu Ban tổ chức không kịp thời chấn chỉnh ngay, sang năm chắc chắn sẽ còn ít người dám đến với chùa Bà".

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Minh Quang - Phó Chủ tịch UBND phường Phú Cường, Phó ban Tổ chức lễ hội chùa Bà cho biết: "Đối với những người bán buôn nhỏ lẻ ở chùa thì việc kiểm soát, quản lý cực kỳ khó khăn. Khi lực lượng kiểm tra có mặt thì họ tỏ ra buôn bán rất đàng hoàng nhưng khi lực lượng kiểm tra không có mặt thì việc buôn bán xô bồ, mất trật tự, quấy nhiễu du khách ngay".

Đã từ lâu, lễ hội chùa Bà ở Bình Dương trở thành lễ hội chung của cả cộng đồng người Hoa và người Việt. Lễ hội năm nay ước tính sẽ có rất nhiều du khách ở các tỉnh, thành trong cả nước về tham gia.

Để lễ hội chùa Bà ngoài ý nghĩa tín ngưỡng còn là một nét đẹp văn hóa trong đời sống cộng đồng, bảo đảm ANTT, ngay từ bây giờ, ngành chức năng và chính quyền các cấp ở thị xã Thủ Dầu Một, cũng như tỉnh Bình Dương cần sớm chấn chỉnh các dịch vụ ăn theo, đừng để những cảnh tượng làm xấu đi nét văn hóa vốn tốt đẹp của lễ hội chùa Bà

Ngọc Ánh
.
.
.