Chạnh lòng Tết lao động nhập cư

Thứ Ba, 14/01/2014, 11:21
Với nhiều người lao động, làm việc vất vả cả năm với đồng lương ít ỏi, nhưng cuối năm thưởng Tết cũng không có, hoặc có cũng như không. Tết trở thành nỗi lo ngay ngáy với họ…

Nguyễn Văn Tiếp tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành điện tử viễn thông, sau gần một năm ra trường nhưng không xin được việc, nên anh đành đăng ký lựa chọn học liên thông lên đại học với hy vọng có tấm bằng đại học trong tay sẽ có nhiều cơ hội xin việc hơn. Để có tiền trang trải sinh hoạt và học tập, Tiếp đã đi làm nhân viên bảo vệ cho một công ty chuyên cung cấp nhân viên bảo vệ, vệ sĩ ở Hà Nội. Khi được hỏi về chuyện thưởng Tết cuối năm, Tiếp cười và nói như phân trần: “Chúng em làm việc cả năm, những ngày lễ, Tết vẫn phải đi làm nhưng lương cũng chỉ vỏn vẹn 3 triệu một tháng, ngoài ra không có bất cứ khoản thưởng gì, cả dịp Tết Nguyên đán cũng vậy”.

Theo như lời chia sẻ của Tiếp thì tất cả những nhân viên bảo vệ của công ty này đều không có thưởng Tết năm nay, những năm trước đó cũng không. Một ca làm việc của Tiếp bắt đầu từ 5h30 sáng đến 3h chiều, với số tiền 11.000 đồng/một giờ, không có cơm trưa, vậy nên cánh nhân viên như Tiếp phải tự chuẩn bị và mang theo cơm. Năm nay đã là năm thứ hai làm ở đây rồi nên Tiếp và nhiều đồng nghiệp cũ không còn tỏ ra buồn, hay thất vọng nhiều về chuyện có được hay không được thưởng Tết nữa. Theo lịch làm việc của công ty thì Tiếp và các đồng nghiệp sẽ phải làm đến hết ngày 29 mới được nghỉ và sáng mồng 4 Tết đã phải đi làm trở lại. “Chỉ thương mấy em mới xin vào làm được vài tháng, cứ háo hức làm đến Tết sẽ được thưởng chút tiền để mua sắm ít quà, bánh về quê gọi là quà Tết, nhưng biết sao được, phận làm thuê thì đành phụ thuộc ông chủ” - Tiếp trải lòng.

Những người dân lao động tự do ở gầm cầu Long Biên tranh thủ nghỉ ngơi lấy sức.

Chị Nguyễn Thị Quý, quê Ý Yên, Nam Định tốt nghiệp Trung cấp Dược nhưng do chưa xin được việc làm ở đâu mà về quê cũng không có việc gì làm, ngoài làm ruộng, nên Quý quyết định bám trụ lại thành phố và xin đi làm cho một quán cà phê trên phố Nghĩa Tân. Công việc của một nhân viên bán cà phê tưởng chừng nhẹ nhàng nhưng lại lắm việc không tên và luôn chân luôn tay. Ngày làm 8 tiếng, nhưng thu nhập của Quý cũng chỉ hơn hai triệu một tháng và không có cơm trưa.

Công việc bán đồ nướng của anh Lê Văn Hòa kết thúc lúc 2- 3h sáng.

Từ đợt Tết Dương lịch, chủ quán của Quý đã tuyên bố sẽ thưởng Tết cho các nhân viên, tuy nhiên, phải Tết xong ai còn đi làm mới được thưởng, còn ai không đi làm nữa coi như không được thưởng. Số tiền thưởng mà chủ quán đưa ra là 300.000 đồng và chỉ áp dụng cho những nhân viên có thời gian làm việc tại quán từ sáu tháng trở lên, kèm theo điều kiện là phải làm đến hết ngày 28 Tết và đi làm vào sáng mồng 3 Tết. Nhẩm đi nhẩm lại thì những nhân viên được thưởng Tết ở quán chỉ là 3 người, trong đó có Quý.  Tuy nhiên, khi nhắc đến việc thưởng Tết này, cô lại tỏ ra không được hào hứng lắm, thì ra theo như lời Quý tâm sự, cô chỉ làm đến ngày 22 này vì 24 là ngày cưới của chị gái, do vậy Quý xin nghỉ để về phụ giúp công việc cho gia đình. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cô sẽ không nhận được khoản tiền thưởng Tết ấy sau hơn nửa năm làm việc tại quán.

Tôi vào thăm nơi trọ của chị Lụa, một người bán rau, ở một ngõ nhỏ tối tăm tại Trung Hoà, Cầu Giấy (Hà Nội). Khu trọ có hơn hai chục người thuê đều là lao động nhập cư, chủ yếu là đi bán rau và công nhân xây dựng. Trò chuyện với chúng tôi về Tết, mọi người đều chung một tâm lý nghi ngại. “Tết kéo dài chúng tôi cũng phải nghỉ cả nửa tháng, ít thì chục ngày là mất tiền triệu rồi, trong khi về quê thì ngán ngẩm tàu xe, chưa kể phải lo một khoản kinh phí không nhỏ chuẩn bị Tết” – anh Phạm Văn Giỏi, quê ở Duy Tiên, Hà Nam giãi bày.

Chị Lụa với hy vọng 1 năm mới tốt đẹp hơn.

Chỉ còn chưa đầy hai chục ngày nữa là đến Tết. Nhưng với những lao động nghèo nhập cư ở Hà Nội thì họ sợ Tết và dường như Tết còn xa xôi lắm…

Thanh Hà
.
.
.