Chàng trai Xê Đăng, tỷ phú trên đỉnh Ngọc Linh

Thứ Tư, 10/03/2010, 10:58
Chuyện về chàng trai Nguyễn Văn Lượng dân tộc Xê Đăng 17 năm gắn bó với cây Sâm trên đỉnh Ngọc Linh (Nam Trà My), từ hai bàn tay trắng, nhưng với bản chất siêng năng, quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương hùng vĩ, đã được nhiều người dân địa phương thán phục.

Nguyễn Văn Lượng tâm sự: "Tôi bắt đầu nghề trồng sâm từ năm 1993. Khi đó, mỗi ký Sâm Ngọc Linh chỉ có giá khoảng 30 nghìn đồng, thậm chí có lúc không bán được, sâm bị úng thối, tôi gặp khó khăn chồng chất".

Không chịu đầu hàng, Lượng đã chủ động thu lượm hạt sâm ngoài tự nhiên mang về mày mò ươm giống và chọn những khoảng đất mùn có tán lá che ở độ cao khoảng 1.700 mét trở lên (so với mực nước biển) để trồng và đã thành công. Đến khi cây sâm Ngọc Linh được y học phát hiện là loại cây dược liệu quí hiếm giá trị của mỗi củ sâm tăng lên thì Lượng đã có vườn cây kha khá.

Năm 2000, vườn sâm của Nguyễn Văn Lượng đã mang về cho gia đình gần 100 triệu đồng. Các năm tiếp theo, số tiền thu từ việc bán cây sâm Ngọc Linh đều tăng lên, năm sau cao hơn năm trước.

Trước những thuận lợi đó, năm 2003, Nguyễn Văn Lượng đã đứng ra thành lập tổ trồng sâm thu hút một số hộ gia đình trong nóc Măng Lùng tham gia. Mục đích của việc làm này là tăng cường nhân công chăm sóc cây sâm và luôn đảm bảo có người túc trực bảo vệ vườn sâm cả ngày và đêm tránh tình trạng cây sâm bị mất cắp.

Ông Hồ Văn Reo ở cùng thôn với Lượng cho biết: "Bản thân tôi và cả dân nóc Măng Lùng này ai cũng học tập kinh nghiệm làm ăn của thằng Lượng. Nó còn trẻ nhưng có cái đầu biết suy nghĩ. Chừ ở làng mình nhà nào trồng sâm Ngọc Linh thì cuộc sống no đủ, còn nhà nào chưa trồng sâm thì vẫn còn đói nghèo nhiều lắm".

"Thanh niên Nguyễn Văn Lượng là người biết tính toán làm ăn, biết tích lũy kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây sâm. Ngoài ra, Lượng cũng rất hay giúp đỡ bà con trong làng phát triển cây sâm, nhất là việc cung cấp hạt giống. Thường thì 1 hạt giống sâm ngọc linh có giá hơn 10 nghìn nhưng Lượng chỉ bán cho mọi người với giá bằng 1 nửa,  vì thế nên người Xê Đăng ở đây ai cũng quí mến Nguyễn Văn Lượng" Ông Hồ Văn Lợi - Chủ tịch UBMTTQ xã Trà Linh cho biết.

Từ năm 2008, vườn sâm của Nguyễn Văn Lượng tiếp tục cho thu hoạch 200 cây sâm Ngọc Linh trên 10 năm tuổi, bán được hơn 100 triệu đồng. Đến nay, người thanh niên Xơ Đăng Nguyễn Văn Lượng trở thành triệu phú trên đỉnh Ngọc Linh nhờ vào việc trồng, bảo tồn và khai thác cây sâm Ngọc Linh hay còn gọi là Sâm K5, một loại cây dược liệu quí hiếm và có giá trị kinh tế cao. Bình quân mỗi ký sâm tươi bán được khoảng 10 đến 15 triệu đồng tùy vào chất lượng.

Anh Nguyễn Văn Lượng đang chăm sóc vườn cây giống.

Hiện tại gia đình Nguyễn Văn Lượng đang cai quản hơn 20 nghìn gốc sâm Ngọc Linh trên 5 năm tuổi. Lượng  cho biết là, từ ngày trồng và khai thác cây sâm Ngọc Linh đến nay, gia đình đã thu được hơn 600 triệu đồng. Qua đây anh đã xây dựng cuộc sống gia đình ấm no hạnh phúc. Nhà cửa khang trang, các vật dụng sinh hoạt trong gia đình được sắm sửa đầy đủ, 2 đứa con anh được cắp sách đến trường và luôn là học sinh tiên tiến nhiều năm liền.

Ngoài giờ chăm sóc vườn sâm, chị Hồ Thị Hải, vợ Lượng còn làm nương, làm rẫy và trực tiếp liên hệ với các đại lý tại thành phố Tam Kỳ chuyển hàng tạp hóa lên bán cho dân làng. Riêng năm 2008, gia đình đã chi hơn 400 triệu đồng để chở hàng về làng bán cho nhân dân để tạo thêm thu nhập.

"Nguyễn Văn Lượng từng là Bí thư Chi đoàn nóc Măng Lùng. Mô hình kinh tế của anh đã trở thành một điểm sáng về trồng các loại cây dược liệu quý mang lại hiệu quả cao. Không những dừng lại ở việc trồng cây sâm thương phẩm, anh còn đi sâu vào việc ươm giống sâm cung cấp và chuyển giao kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây cho bà con nhân dân trong vùng. Lượng mở đại lý thu mua sâm tận gốc cho bà con, làm thêm dịch vụ cung cấp hàng hóa thiết yếu và dịch vụ  xay xát gạo hàng ngày, qua đó, giúp bà con đồng bào nơi miền núi cao đỡ vất vả", anh Nguyễn Văn Hoành - Bí thư Huyện đoàn Nam Trà My nhận xét.

Ở Trà Linh, vào những lúc cao điểm, giá sâm có thể đạt tới 1,7 triệu đồng 1 lạng. Mà mỗi cây sâm trên 10 năm tuổi cho thu hoạch xấp xỉ 1 lạng. Như vậy, với hơn 20 nghìn cây sâm lâu năm thì số tài sản mà Nguyễn Văn Lượng đang nắm trong tay phải đạt hơn 30 tỉ đồng.

Không chỉ vậy cứ sau mỗi năm anh lại trồng mới từ 5 đến 10 nghìn cây sâm non. Giờ đây, trên đỉnh Ngọc Linh đầy những câu chuyện huyền thoại, đã có một huyền thoại mới về một thanh niên nghèo vươn lên làm giàu ngay mảnh đất quê hương

Nguyễn Hợi (Tỉnh đoàn Quảng Nam)
.
.
.