Chân dung người phụ nữ đã “thao túng” ông Mạc Kim Tôn

Thứ Bảy, 15/07/2006, 09:28

Trước đây, Trần Thị Ánh đã nhiều lần đến các đơn vị thuộc sở Y tế Thái Bình tự xưng là cán bộ UBND tỉnh, có trong tay những dự án viện trợ béo bở. Tuy nhiên các đơn vị này đã rất cảnh giác và không mắc mưu của Ánh. Chỉ đến khi có sự tiếp sức của ông Mạc Kim Tôn, Ánh mới thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo của mình.

Ở Thái Bình, nhiều người đều biết đến Trần Thị Ánh. Cùng với 2 người phụ nữ khác tầm tuổi sồn sồn như mình, Ánh đã tạo nên "phi đội đánh bóng mặt đường". Cứ sáng sáng và sẩm tối, 3 người này quần áo diện đúng mốt, mái tóc nhuộm kiểu cách, lúc thì song song những chiếc xe ga phân khối lớn, lúc kẹp 3 đánh võng ngoài đường trên một chiếc xe Dylan đến các quán cà phê lớn của Thái Bình để "bình luận thời sự". Sau này, được biết 2 người bạn cùng "phi đội" đã "tạm biệt" thị Ánh, bởi họ cũng suýt bị Ánh lừa trong chuyện mua một khu đất không có thật.

Từ khi đi lao động ở Nga về và lấy chồng, kinh tế của gia đình Ánh không hề thiếu thốn bởi người chồng tháo vát và có chức vụ (Phó Giám đốc một doanh nghiệp Nhà nước). Nhưng Ánh cứ thích đi lừa, khiến người chồng nhiều khi thấy "mất mặt". Năm 2001, không chịu đựng được nhau, 2 bên ly dị. Rất hào phóng, chồng Ánh cho phép vợ "đưa người đến khuân hết những đồ đạc gì mà Ánh thích trong vòng 1 tuần". Và Ánh đã cho khuân sạch đồ đạc. Ánh cũng chẳng chịu nuôi con.

3 năm sau, khi thấy kiếm tiền khó khăn, Ánh quay về xin lỗi chồng cũ. Nghĩ đến 2 đứa con cần có mẹ, chồng Ánh đã cho Ánh về sống chung, mỗi tháng đưa cho thị 3 triệu đồng đi chợ, một số tiền không hề nhỏ để chi tiêu cho cuộc sống của một gia đình ở vùng quê lúa. Nhưng đối với Ánh thì tiền chẳng bao giờ đủ và dường như người đàn bà này có ý thích quái gở là được giả danh người có quyền chức và kiếm tiền bằng cách lừa đảo.

Tại nơi Ánh ở, ai cũng tưởng Ánh là cán bộ của UBND tỉnh vì chị ta tự khoe. Cách đây 4 năm, khi con của Ánh vào học lớp 1 Trường Tiểu học Kim Đồng, TP Thái Bình, Ánh đã đến gặp cô Hạnh, Hiệu trưởng, nói xin được viện trợ trường 24 bộ máy tính. Ánh đã cho một công ty mua bán máy tính đến lắp đặt xong xuôi, nhưng sau đó lại bảo cô Hạnh cứ tạm ứng trước, mấy ngày tới tiền dự án về Ánh sẽ chi trả lại cho trường. Sau khi tìm hiểu biết Ánh không phải là cán bộ UBND tỉnh như chị ta giới thiệu, chị Hạnh đã cảnh cáo Ánh và gọi công ty đã lắp máy đến tháo dỡ.

Giở "bài" với cô Hạnh không được, Ánh bắt đầu tìm cách đánh vào một "con mồi béo bở" khác là Sở Y tế Thái Bình. Hàng chục đơn vị thuộc Sở Y tế đã được đón tiếp cô "cán bộ UBND tỉnh" tự nguyện đến để xin cho dự án cung cấp những thiết bị y tế đang hết sức cần thiết ở tỉnh Thái Bình.

Ông Nguyễn Như Chiến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thái Bình kể lại, hôm đó anh nhận được cuộc điện thoại của một phụ nữ, giới thiệu tên là Hà, cán bộ UBND tỉnh đang có dự án trang bị thiết bị y tế cho Bệnh viện Đa khoa trị giá 3,5 tỷ đồng. Bệnh viện Đa khoa cũng đang thiếu những thiết bị này nên anh Chiến đã đồng ý để cô Hà tới gặp.

Khi Hà (tức Trần Thị Ánh) đến, điều đầu tiên chị ta uốn lưỡi với anh Chiến, đó là: "Anh Dũng đã gọi điện cho anh chưa?" (anh Dũng ở đây thị Ánh muốn nói đến đồng chí Bùi Tiến Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh - PV). Khi ông Chiến nói không thấy, thị ta bắt đầu chuyển sang thao thao về dự án hỗ trợ thiết bị y tế của Đại sứ quán Nhật Bản xin cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh, gồm 7 loại thiết bị với tổng trị giá 3,5 tỷ đồng.

Theo yêu cầu của Ánh, ông Chiến và một số cán bộ của Sở Y tế đã theo thị lên Hà Nội để nhận máy. Trong chuyến đi này có cả cán bộ của Trung tâm Y tế Đông Hưng, là nơi theo Ánh khoe đã xin dự án cho một máy điện tim để làm "nhân chứng sống" cho mọi người tin vào tài chạy dự án của chị ta (thực chất, theo ông Hạnh - Giám đốc Trung tâm, đây là máy điện tim trị giá 30 triệu do Công ty Việt - Ba khuyến mại cho Trung tâm nhưng do Ánh biết được nên xin đi cùng đến lắp máy).

Khi lên Hà Nội, Ánh đưa mọi người đến gặp đại diện của Tổng Công ty Tocotap, Hà Nội, là đơn vị có chức năng nhập khẩu các loại thiết bị trên và đề nghị ông Chiến ký hợp đồng mua các thiết bị. Sau khi nghiên cứu hợp đồng, thấy trong hợp đồng không thể hiện vai trò của đơn vị tài trợ là Đại sứ quán Nhật, mà bên mua và trả tiền chính là Bệnh viện Đa khoa Thái Bình, ông Chiến đã không ký và đề nghị Ánh giải thích. Biết đã lộ chân tướng, sau bữa cơm trưa, Ánh chuồn một mạch.

Còn ông Trần Quang Trung, Giám đốc Trung tâm Y tế Tiền Hải cho chúng tôi biết, năm 2005, Ánh cùng với một lãnh đạo của Sở Y tế đã xuống cho Trung tâm 7 máy tính để bàn. Bởi Ánh muốn "thả con săn sắt", còn "con cá rô" thị muốn lấy được chính là cú lừa dự án tiếp theo. Ánh nói rằng sẽ xin được dự án của một tổ chức phi chính phủ trang bị thiết bị y tế cho Trung tâm với tổng trị giá 600 triệu đồng, nhưng phía Trung tâm phải chi trả lại cho Ánh 20%.

Ánh nì nèo Trung tâm phải đưa trước số tiền % để lo lót việc chạy dự án. Tuy nhiên, ông Trung nhất quyết chỉ trích tiền khi thấy hàng được chuyển về và lắp đặt tại Trung tâm và có hợp đồng ký kết rõ ràng. Thấy không xuôi, Ánh cũng đành thôi, dù rất tiếc số máy tính đã trót bỏ tiền túi ra tài trợ…

Ngoài ra, còn một số đơn vị khác của Sở Y tế Thái Bình cũng được Ánh mò đến và lặp lại bài lừa trên. Qua điều tra, chúng tôi cũng phát hiện đằng sau những vụ lừa không thành của Ánh có một nhân vật là Phó Giám đốc Sở Y tế Thái Bình (mới nghỉ hưu). Vị lãnh đạo này đã đưa Ánh đến một số đơn vị trong ngành và sẵn sàng "bảo lãnh" cho việc làm của chị ta. Rất may, các đơn vị trên đều cảnh giác, nếu không tiền tỷ đã mất với người đàn bà lừa đảo này.

Bản chất lừa đảo của Trần Thị Ánh đã lộ rõ nhưng lạ một điều, cùng một thủ đoạn lừa đảo của Ánh mà các đơn vị khác không "mắc câu", nhưng Sở Giáo dục - Đào tạo lại "dính" phải? Cũng dễ hiểu bởi những đơn vị kia, họ cũng bị ảnh hưởng bởi cơ chế xin - cho, nhưng họ vì mục đích chung của đơn vị, còn ông Mạc Kim Tôn chỉ vì lợi ích cá nhân nên sẵn sàng làm liều, tạo "đất" cho Ánh hoành hành, lừa đảo

T. Hòa - K. Quý
.
.
.