Chặn đà suy thoái của ngành Du lịch

Thứ Ba, 06/01/2009, 10:27
Nhằm giúp ngành Du lịch chặn đà suy giảm và dần khôi phục nhịp độ tăng trưởng, Bộ VH, TT&DL đã đưa ra các giải pháp cấp bách bằng một chương trình hành động cụ thể và được chính thức công bố tại cuộc họp báo ngày 5/1 ở Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL Trần Chiến Thắng.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã tác động mạnh tới hoạt động du lịch Việt Nam, khiến lượng khách quốc tế cũng như du khách nội địa giảm mạnh và đẩy ngành Du lịch Việt Nam vào tình thế vô cùng khó khăn.

Vì thế, nhằm giúp ngành Du lịch chặn đà suy giảm và dần khôi phục nhịp độ tăng trưởng, Bộ VH, TT&DL đã đưa ra các giải pháp cấp bách bằng một chương trình hành động cụ thể và được chính thức công bố tại cuộc họp báo ngày 5/1 ở Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL Trần Chiến Thắng.

Việc xây dựng và triển khai chiến dịch khuyến mại trong phạm vi cả nước với khẩu hiệu "Ấn tượng Việt Nam" là giải pháp có tính kích cầu của ngành Du lịch được Thứ trưởng Trần Chiến Thắng nhấn mạnh, trong bối cảnh các nước trong khu vực đều đã tiến hành sớm và mạnh mẽ từ trước.

Tổng cục Du lịch sẽ lựa chọn một số doanh nghiệp lữ hành quốc tế lớn, có uy tín và lợi thế, để xây dựng gấp các tour du lịch khuyến mại điển hình, bắt đầu từ ngày 5/1/2009 và thời gian kéo dài bao lâu sẽ tùy thuộc vào "sức khỏe" thị trường. Sau gần 1 tháng bàn thảo với từng doanh nghiệp, đến nay, Bộ VH, TT&DL đã có danh sách đợt đầu các đơn vị đồng ý tham gia vào chương trình: 37 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 61 khách sạn, 14 cửa hàng mua sắm và 3 hãng vận chuyển.

Tham gia chương trình này, các khách sạn cam kết giảm giá từ 30-50% so với giá đã ký với các công ty lữ hành. Hàng không Việt Nam cũng cam kết khuyến mại 30-50% giá vé các đường bay quốc tế và nội địa cho các tour khuyến mại này. Còn một số hãng hàng không khác đang được Tổng cục Du lịch thương thảo để họ tham gia. Các nhà cung cấp dịch vụ (như vận chuyển, hướng dẫn, mua sắm, ăn uống, đặc biệt là các cửa hàng đạt chuẩn du lịch) tham gia chương trình cũng cam kết giảm giá dịch vụ cho du khách.

Dự kiến, đến tháng 3/2009, Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn và Hàng không Việt Nam triển khai đợt 3 của chương trình khuyến mại với số lượng doanh nghiệp tham gia và dịch vụ khuyến mại nhiều hơn.

Để khích lệ các doanh nghiệp giảm giá, nhưng vẫn nâng cao chất lượng dịch vụ, Bộ VH, TT&DL sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan về việc miễn, giảm thuế VAT cho các doanh nghiệp du lịch, phê duyệt Quy chế quản lý phương tiện vận chuyển của du khách mang vào Việt Nam, thí điểm 1 năm các doanh nghiệp liên doanh du lịch đưa khách Việt Nam du lịch nước ngoài và người nước ngoài hành nghề hướng dẫn du lịch tại Việt Nam, giá điện và nước tại các khách sạn theo giá sản xuất kinh doanh, kéo dài thời gian giải trí về đêm tại các khách sạn. Tại các điểm mua sắm đạt chuẩn, sẽ được ưu tiên đưa khách của các doanh nghiệp tham gia chương trình đến.

Trả lời câu hỏi của Báo CAND về chế tài xử lý với các đơn vị đăng ký tham gia chiến dịch nhưng không giảm giá, Thứ trưởng Trần Chiến Thắng cho biết, Bộ VH, TT&DL giao việc giám sát cho Sở VH, TT&DL các địa phương và Hiệp hội Du lịch, nếu đơn vị nào vi phạm sẽ không được hưởng chính sách ưu đãi của Chính phủ.

Ông Vũ Thế Bình - đại diện Vụ Du lịch cũng giới thiệu: Trong điều kiện kinh phí quảng bá hạn hẹp, giải pháp đột phá sẽ là khởi động chiến dịch trên Internet, trong đó, trang promotours.gov.vn hoạt động từ tối 5/1/2009 sẽ nối các đường link tới website của các doanh nghiệp tham gia chương trình khuyến mại.

Được biết, nhằm kích cầu du lịch, Bộ VH, TT&DL sẽ tiến hành quảng bá du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm như kênh truyền hình châu Âu, châu Mỹ, Australia, Đông Bắc Á, Đông Nam Á. Bên cạnh đó, sẽ tổ chức mời các đoàn Famtrip và báo chí nước ngoài vào Việt Nam. Bộ VH, TT&DL sẽ coi trọng việc tổ chức tốt các sự kiện văn hóa, du lịch trong nước để thu hút du khách, đặc biệt là các sự kiện lớn như Diễn đàn du lịch ASEAN, Hội chợ Travex tại Hà Nội…

Tham gia chiến dịch đòi hỏi các doanh nghiệp phải biết hy sinh lợi ích trước mắt để duy trì lợi ích lâu bền của đất nước. Nhưng con số các doanh nghiệp lữ hành quốc tế, khách sạn, cửa hàng mua sắm và hãng vận chuyển tham gia vẫn chưa phải là lớn, nếu so với 700- 800 khách sạn, gần 100 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và hàng ngàn điểm mua sắm trên cả nước. Đặc biệt, là một trong những điểm đến lớn của cả nước, nhưng Hà Nội vẫn chưa xây dựng được điểm mua sắm đạt chuẩn để tham gia chương trình là điều rất đáng suy nghĩ, nhất là khi TP HCM và Huế đều đã có.

Với chiến dịch khuyến mại lớn nhất này, theo Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL Trần Chiến Thắng thì việc phối hợp, chia sẻ và cam kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp sẽ khắc phục được cái yếu lớn nhất của ngành Du lịch lâu nay là "mỗi người một chợ, mỗi người một giá", để cộng đồng trách nhiệm và xây dựng thương hiệu không chỉ của doanh nghiệp mà là của đất nước

Thanh Hằng
.
.
.