Nhìn lại những vụ trẻ em bị xâm hại dã man:

Cha mẹ lơi là, cộng đồng thiếu giám sát

Thứ Hai, 29/09/2014, 10:51
Trong mấy ngày qua, liên tiếp xảy ra các vụ xâm hại trẻ em gây chấn động dư luận. Các bé ở các độ tuổi: 4 tuổi, 14 tuổi, 2 tuổi và đang sinh sống ở Bình Dương, Nghệ An, Phú Thọ. Bé thì bị mẹ ruột cùng cha dượng đánh biến dạng mặt mũi, bé bị người quen lạm dụng tình dục đến bất tỉnh, bé bị tống cả chai rượu vào miệng… Mỗi bé có hoàn cảnh gia đình khác nhau nhưng lại cùng chung nỗi đau - nỗi đau bị xâm hại thể xác, tinh thần.

Xót xa những mầm non

Ngày 26/9, trao đổi với phóng viên Báo CAND, bác sỹ Nguyễn Trọng An, nguyên Cục trưởng Cục Chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nay là Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo phát triển cộng đồng nêu ra con số đã được công bố, mỗi năm có hàng trăm trẻ em bị xâm phạm. Các em bị xâm phạm sức khoẻ, tinh thần, tình dục. Trong số các dạng xâm phạm, có những dạng không thể xác định bằng những con số cụ thể, ví dụ như xâm phạm tinh thần. Những vụ xâm phạm trẻ em vừa qua chưa phản ánh hết thực tế. Đó mới là những vụ  gây chấn động, báo chí đưa tin thì dư luận mới biết đến.

Nhìn lại vụ em Nguyễn Anh T., 14 tuổi ở Nghệ An bị xâm phạm thể xác, tình dục để thấy, cha mẹ em đã quá chủ quan khi giao con cho một người hàng xóm không rõ thân thế. Chẳng những cho con đi chơi với người này, họ còn “an tâm” để cho con đi cùng cả tháng trời. Khi phát hiện cháu T bị Nguyễn Thanh Sơn, 42 tuổi, trú tại khối 10, phường Hà Huy Tập hành hạ tơi tả và bỏ rơi trong khách sạn, họ mới hay tình trạng của con. Với một đứa trẻ bị câm điếc như T., cháu đã quá thiệt thòi về khiếm khuyết của cơ thể, nay lại cộng thêm những “ngày địa ngục”, di chứng để lại không thể kể hết. Đến nay, cơ quan Công an đã tạm giữ Sơn sau một tuần truy bắt. Kết quả điều tra sẽ sớm được công bố, tuy nhiên đằng sau vụ việc này để lại cho những người làm cha, làm mẹ bài học. Đó là, không thể dễ dàng giao con cho người khác nếu không kiểm soát được họ. Không chỉ sự việc này mà thực tế đã chứng minh, nhiều phụ huynh đã “giao trứng cho ác” khiến các bé trở thành nạn nhân trong các vụ hiếp dâm, dâm ô với trẻ em…

Vụ việc mới nhất xảy ra với bé Nguyễn Kim L., 2 tuổi, ở Việt Trì, Phú Thọ cũng khiến người ta giật mình. Giật mình không chỉ sự tàn độc của người hàng xóm có tên Thanh đối với bé L. khi tống cả chai rượu vào miệng bé làm gãy 4 răng mà còn bởi sự cả tin của ông nội bé. Vì bận việc, ông nội bé đã gửi bé cho người hàng xóm và rồi, bé đã “nhận” được sự “chăm sóc” kinh hoàng. Bất cứ ai khi biết sự việc đều phẫn nộ trước hành động của Thanh, và đau xót trước những đau đớn mà bé đã trải qua. Ở góc độ của người lâu năm làm công tác chăm sóc trẻ em, bác sỹ Nguyễn Trọng An cho rằng, một trong những nguyên nhân để xảy ra tình trạng xâm hại trẻ em chính là nhận thức từ người thân của trẻ. Nếu họ đủ nhận thức để giữ con em mình trong khoảng cách an toàn, trang bị cho các bé kỹ năng phòng ngừa xâm hại, sẽ tránh được hậu quả đau lòng.

Cần trang bị kỹ năng phòng ngừa xâm hại cho học sinh từ cấp tiểu học.

Thiếu phòng ngừa xâm hại trẻ em trong cộng đồng

Nhìn lại hệ thống bảo vệ chăm sóc trẻ em mới thấy, chúng ta đang rất thiếu và lỏng lẻo trong công tác này. Hiện nay, cả nước mới có 50.000 người. Mạng lưới công tác xã hội yếu kém nên việc phòng ngừa tại cơ sở hầu như không được thực hiện. Khi phụ huynh, lẫn trẻ em không được tuyên truyền về cách phòng ngừa thì rất dễ lơ là mất cảnh giác và cũng dễ trở thành nạn nhân của các vụ xâm hại. Theo bác sỹ An, Luật Bảo vệ chăm sóc trẻ em mới chỉ quy định chung chung. Năm 2015, khi dự thảo sửa đổi Luật này được đưa ra trình Quốc hội, ông mong muốn được điều chỉnh một số điều, trong đó có quy định rõ về việc cơ chế giám sát độc lập cũng như yêu cầu tất cả trẻ em khi sinh ra phải được tư vấn tiếp cận toàn diện.

Trong vụ bé Kim N., 4 tuổi, ở Bình Dương bị mẹ ruột và cha dượng bạo hành, nhiều người đặt câu hỏi, sau khi chịu trách nhiệm hình sự về hành vi đánh đập con mình, người mẹ này có quyền được tiếp tục nuôi con không? Về vấn đề này, bác sỹ An cho biết, “hoàn toàn có quyền”. Hiện nay, Luật Bảo vệ chăm sóc trẻ em không quy định, tước quyền nuôi con trong trường hợp này. Còn Luật Hình sự cũng không quy định. Trong trường hợp người mẹ bị xử lý hình sự, việc áp dụng Luật Hình sự theo điều 144 hoặc 104 về đánh người gây thương tích. Liệu rồi khi ra khỏi trại giam, người mẹ trên đòi được nuôi bé Kim N thì cơ quan pháp luật sẽ xử lý như thế nào? Nếu tranh chấp được đưa ra toà dân sự, quan toà không thể căn cứ vào Luật Bảo vệ chăm sóc trẻ em để truất quyền nuôi con của Nguyễn Thị Thuỳ Trang (mẹ bé Kim N). Dư luận không bao giờ mong muốn, bé Kim N. sẽ phải tiếp tục sống với người mẹ đã ngược đãi em. Hy vọng, những người ruột thịt của bé sẽ có cách giải quyết ổn thoả để bé được sống bình yên.

Trang bị kiến thức phòng ngừa xâm hại cho trẻ, đặc biệt là trẻ đã ở độ tuổi đến trường là rất cần thiết. Ngay từ lớp 1, các bé đã được học môn Đạo đức. Giá như, trong những bài giảng của môn học này được lồng ghép những kiến thức cũng như kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình cho các bé sẽ hay biết mấy. Gần đây, dư luận đang rất quan tâm đến bài giảng về thai nghén trong sách giáo khoa lớp 5. Có nhiều ý kiến khen, chê, song ý kiến từ người soạn bài giảng cho rằng là cần thiết để phổ biến kiến thức, trang bị thêm kỹ năng cho trẻ. Giá như, những kỹ năng để bảo vệ an toàn cho trẻ cũng được nhìn nhận là cần thiết để đưa vào sách giáo khoa bằng những bài giảng sinh động, sẽ tốt biết mấy.

Ba vụ xâm hại trẻ em, nhưng cả 3 vụ đều chấn động. Từ 3 vụ việc này, chúng ta cần nhìn lại công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em hiện nay. Nếu như, người đứng đầu thực hiện tốt vai trò của mình như Chỉ thị 108 của Thủ tướng Chính phủ nêu: “Nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng trẻ em bị xâm hại, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm” thì dư luận không phải rơi vào cảnh, chưa hết bàng hoàng trước nỗi đau của bé này, lại phẫn nộ trước hành động phi nhân tính của kẻ bạo hành trẻ em khác

Cao Hồng
.
.
.