"Cây sưa dùng ướp xác" chỉ là ...gỗ giáng hương

Thứ Bảy, 28/10/2006, 08:30
Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam giám định: Cây sưa mà người dân đồn đại có bột dùng ướp xác người chết để nghìn năm sau không bị phân hủy, chính là giáng hương, thuộc nhóm gỗ IIA, chứ chẳng quý hiếm gì cả…

Từ cuối tháng 9/2006 đến nay, bỗng rộ lên tin đồn về cây gỗ sưa mọc tại rừng của các xã Cà Dăng, Mà Cooih, huyện miền núi Đông Giang, Quảng Nam, có giá trị dược liệu chỉ xếp sau trầm hương, bột gỗ dùng ướp xác người chết để nghìn năm sau không bị phân hủy… nên đã có hàng nghìn lượt người từ các nơi đổ xô về Đông Giang cùng với dân bản địa tổ chức lùng sục, khai thác gỗ sưa, gây ra nhiều bất ổn về ANTT địa phương. Nhưng, sự thật có đúng như lời đồn đại?…

Sáng 26/10, từ trung tâm TP Đà Nẵng, chúng tôi vượt chặng đường dài hơn 120 cây số lên đến Mà Cooih thì đã gần trưa. Cả một vùng rừng núi Mà Cooih bị chìm trong màn mưa rừng trắng đục.

Mưa rừng xối xả như bưng hũ trút, nhưng chúng tôi vẫn bắt gặp rất nhiều người, vác rựa, xách cưa máy cầm tay, lầm lũi trên những con đường mòn dẫn về hướng dãy núi đá vôi. Chúng tôi nhập vào một tốp thanh niên đang chuyện trò với nhau bằng tiếng dân tộc Ca Tu. Thấy chúng tôi đi cùng, họ im bặt và ném ra những cái nhìn dò xét.

Một người khoảng 25 tuổi, có thân hình cao to như hộ pháp, cất tiếng hỏi bằng tiếng Kinh lơ lớ: "Mấy anh cũng đi tìm cây sưa hử?". Thấy chúng tôi gật đầu, cả bọn cười xòa, tỏ vẻ thân thiện hơn. Người thanh niên cao to tự giới thiệu tên là Alăng Đức, bảo: "Cây sưa không còn nhiều nữa đâu, anh em tui chỉ đi tìm cái gốc nó thôi".

Theo lời kể của Alăng Đức: Kể từ cuối tháng 9/2006, có rất nhiều người từ Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế đi ôtô theo đường Hồ Chí Minh về Mà Cooih, rủ rê thanh niên trong xã đi khai thác cây sưa để mua lại với giá cao.

Một cây gỗ sưa to bằng vòng tay người ôm được mua giá từ 20-30 triệu đồng; song người khai thác được quyền cắt ra thành những khúc nhỏ để dễ mang, vác. Tin đồn lan ra, thế là người Ca Tu ở Đông Giang, nhất là hai xã Mà Cooih và Cà Dăng, kéo nhau đi khai thác cây sưa bán kiếm tiền.

Khi được hỏi: "Người ta mua cây gỗ sưa để làm gì?", Alăng Đức lắc đầu: "Mình không biết đâu. Họ mua giá cao thì mình đi kiếm để bán. Bữa ni, cây gỗ sưa gần hết rồi nên họ mua cả gốc, rễ và bột cưa nữa. Nhưng, mấy anh coi chừng bị Công an bắt đó. Cán bộ lâm nghiệp bảo, cây sưa là gỗ cấm khai thác…".

Đến Công an huyện Đông Giang, chúng tôi được Trung tá Huỳnh Hồng Thanh, Trưởng Công an huyện, cho biết: Trước tình hình dân tứ xứ lũ lượt đổ xô về Đông Giang, cùng với người dân bản địa tổ chức khai thác cây sưa, gây mất ổn định ANTT, Công an huyện đã tham mưu lãnh đạo UBND huyện cấp tốc thành lập các tổ công tác liên ngành, gồm: Công an, Kiểm lâm, Quân sự huyện và lực lượng dân quân tại chỗ chốt chặn trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện và tại các xã Cà Dăng, Mà Cooih…

Các tổ công tác đã phối hợp cùng chính quyền địa phương, nhất là xã Cà Dăng và xã Mà Cooih, tiến hành kiểm tra tạm trú, tạm vắng, đẩy đuổi ra khỏi địa bàn hàng nghìn lượt người; đồng thời bắt và tịch thu được gần 10m3 gỗ sưa. Tuy nhiên, sự vụ chưa được ngăn chặn triệt để. Mặc dù đang là mùa mưa, song hằng ngày, các xã Cà Dăng và Mà Cooih, mỗi nơi vẫn có trên 300 người từ các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên (Quảng Nam) và Thừa Thiên - Huế, TP Đà Nẵng lén lút vào rừng sưa trên dãy núi đá vôi để khai thác.

Những tay đầu nậu gỗ sưa đi ôtô đời mới, hoặc xe tải mang biển số các tỉnh phía Bắc, xếp hàng đậu chờ ở Hà Tân, Đại Lãnh (huyện Đại Lộc, Quảng Nam). Các đối tượng phần đông được đầu nậu trang bị điện thoại di động (vùng Đông Giang đã phủ sóng di động), mở đường cắt rừng lên núi đá vôi, tìm được gỗ sưa thì cưa thành từng khúc nhỏ, thậm chí cắt cỡ chừng cái gối để bỏ giỏ xách mang đi… Chúng sử dụng điện thoại báo cho đầu nậu hẹn điểm đến lấy "hàng", vì vậy việc truy bắt của các tổ công tác gặp không ít khó khăn.

Hiện nay, nhân dân các xã Cà Dăng và Mà Cooih đang đồn ầm lên rằng, do gỗ sưa đã khan hiếm dần nên đầu nậu chấp nhận mua gỗ với giá mỗi ký từ 50.000-60.000 đồng, và còn mua luôn cả bột cưa… Nhiều người kháo nhau, gỗ sưa sẽ được đầu nậu bán lại cho các tư thương người Trung Quốc để chế biến thành bột dùng ướp xác người chết hàng nghìn năm sau không thối rữa, hoặc để trừ tà ma, xua đuổi các loại côn trùng độc hại như: ruồi, muỗi (!?)… Thực hư thế nào, chẳng ai được rõ, nhưng cây sưa được mua giá cao và vận chuyển ra các tỉnh phía Bắc là có thật.

Ông Đinh Thái Long, Chủ tịch huyện Đông Giang, nói với chúng tôi như thế. Ông còn cho biết thêm: Để xác định rõ, cây sưa thuộc nhóm gỗ nào, nhằm có cơ sở xử lý các đối tượng khai thác, mua bán; được sự đồng ý của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, UBND huyện trích ngân sách hỗ trợ cho Kiểm lâm huyện mang mẫu gỗ ra Hà Nội để Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam giám định. Ngày 25/10, cán bộ được cử mang mẫu gỗ sưa đi giám định điện báo về cho biết đã có kết quả: Cây sưa chính là giáng hương, thuộc nhóm gỗ IIA, chứ chẳng quý hiếm gì cả…

Đề nghị chính quyền tỉnh Quảng Nam cần phải tuyên truyền phát động mạnh mẽ hơn nữa phong trào quần chúng bảo vệ ANTT, ngăn chặn triệt để nạn khai thác trái phép gỗ sưa, ổn định ANTT địa bàn…

Long Vân
.
.
.