Cây cảnh Tết tiền tỷ, người mua liệu có với tới?

Thứ Hai, 04/02/2013, 10:24
Bị so sánh cây cảnh có giá cao ngang nhà và ôtô, chủ nhân của những cây cảnh tiền tỷ phản ứng: “Ôtô có thể sản xuất hàng loạt, nhà có thể xây rất nhanh, nhưng muốn có một cây giá trị thì phải mất rất nhiều thời gian. Có ai mua được thời gian đâu?”.

50 triệu đồng, 70 triệu đồng, 500 triệu đồng, 1 tỷ đồng… là những mức giá đưa ra cho mỗi cây cảnh khác nhau. Nhiều cây có giá trị hơn cả gia tài của một người dân bình thường. Dù biết là để trồng được một cây đẹp phải mất rất nhiều thời gian, công sức, nhưng mức giá người bán đưa ra không theo một quy định nào, không chịu sự kiểm soát về giá của một cơ quan nào khiến người tiêu dùng không biết làm thế nào để bỏ tiền ra mua được một cây chơi Tết đúng giá trị .

Bất ngờ với nhiều cây cảnh giá “khủng”

Triển lãm cây cảnh tại Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội) sẽ kéo dài tới hết rằm tháng giêng. Những ngày trước Tết, khu vực này đã đón một lượng khách tới thăm quan khá đông. Nhưng đến thời điểm này, lượng người mua chưa nhiều.

Ngay lối vào khu trưng bày cây cảnh, chúng tôi bắt gặp anh Phạm Hùng ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đang loay hoay thay chậu mới cho cây la hán đặc biệt của mình. Chiếc chậu sứ thông thường bị đập bỏ, thay vào đó là chậu bằng bột đá sơn màu đồng, hình nổi độc đáo. Chỉ riêng chiếc chậu đã có giá gần 3 triệu đồng. Xong việc, anh Hùng xuýt xoa: “Thế mới xứng chứ!”. Rồi anh giới thiệu: “Cây la hán này có tuổi đời gần bằng tuổi anh (hơn 50 tuổi), quý lắm. Gặp khách nào hợp, mà phải khoảng 60 triệu đồng thì anh mới bán”. Nhìn cách ngắm, chăm chút từng chiếc lá, tôi biết anh yêu cây thế nào.

Anh Hùng giới thiệu cây sanh có tên “hồn xưa” nằm trong không gian sông Hồng của vùng đồng bằng Bắc Bộ như có một tình cảm đặc biệt với nó. Dưới gốc sanh có mô hình của con sông Hồng, có lũy tre làng, cây đa, có bến giao thương buôn bán… Anh nói, giá cây sanh này khoảng 550 triệu đồng. Đến với triển lãm lần này, anh Hùng chỉ mang đến 4 cây để trưng bày. Anh giới thiệu, vườn cây của anh ở huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên có rất nhiều cây quý, có những cây anh đã từng bán giá tới 100 cây vàng. Hiện vườn nhà có một cây si “phượng vũ” mà một người nước ngoài đã trả 200 cây vàng nhưng anh chưa bán.

Dạo quanh một vòng triển lãm, nhiều người xem bày tỏ sự khâm phục chủ nhân của những cây cảnh được chăm sóc công phu như: Cây “tùng cối dáng trực”, sanh, phi lao dáng Tam Đa, cây nguyệt quế… Những cây rất dân dã, thân thiết trong mỗi ngôi nhà ở nông thôn cũng được bàn tay người thợ chuyển thành những tác phẩm nghệ thuật như cây ruối cổ thụ, cây trứng gà có tên “thế long thành”, cây khế dáng làng sai trĩu quả xanh, vàng...

Khách tham quan triển lãm cây cảnh chỉ xem là chính.

Một người tham gia triển lãm cho biết, anh mang cây đến đây chủ yếu để chơi chứ không có mục đích bán. Anh bày tỏ, thời kinh tế thị trường khó khăn nên giá cây cũng giảm đi một chút. Nhưng vẫn nhiều cây có giá bán lên tới 1 vài tỷ đồng. 20 năm trong nghề, anh đã biết gần hết những vườn cây cảnh miền Bắc. Chúng tôi so sánh những cây giá cao với nhà và ôtô, anh phản ứng: “Ôtô có thể sản xuất hàng loạt, nhà có thể xây rất nhanh, nhưng muốn có một cây giá trị thì phải mất rất nhiều thời gian. Có ai mua được thời gian đâu?”. Hơn 1.000 cây cảnh của khoảng 300 người chơi ở 20 tỉnh, thành trên cả nước được đưa về triển lãm.

Với mỗi người trồng cây cảnh, họ có cách quảng bá sản phẩm của mình khác nhau. Với từng cây cũng có một lý do để nâng tầm giá trị của cây. Với những người sành về cây cảnh có lẽ mới phân biệt được giá trị thật của nó. Còn với người tiêu dùng thông thường, việc bỏ ra cả vài trăm triệu hoặc tỷ bạc để chơi cây thì quả là xa xỉ. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn thắc mắc về những mức giá mà không biết nó được căn cứ vào đâu.

Cây cảnh bình dân cũng “loạn” giá

Sáng 2/1, chợ cây cảnh trên phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội nhộn nhịp người mua kẻ bán. Thông thường mọi năm, cứ qua “ông Công, ông Táo” thì cây cảnh mới đắt hàng. Nhưng năm nay, nhiều người dân đi sắm cây cảnh Tết sớm hơn do giá chưa tăng cao.

Một nhân viên bán hàng tại số 709 Hoàng Hoa Thám cho biết, do năm nay kinh tế khó khăn, nên cửa hàng không nhập nhiều loại cây đắt tiền như những năm trước mà tập trung vào hàng bình dân. Cây cảnh mà cửa hàng này bán chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc như son môi, đỗ quyên, nắp ấm… và chỉ một số ít là của trong nước như trạng nguyên, vạn tuế. Những loại cây có giá 4 đến 5 triệu đồng tiêu thụ chậm hơn, khách mua chủ yếu chọn loại bình dân, trên dưới 1 triệu đồng/cây. Đến thời điểm này, giá cây cảnh hầu như không tăng so với năm ngoái.

“Nắng ấm nhiều loại nở bung hết, nếu mà tăng giá thì khó bán lắm”- nhân viên ở cửa hàng 709 cho biết.

Lan vẫn là dòng hoa sang trọng, quý phái để chơi Tết. Một chậu địa lan xanh và trắng hồng có 6 bông có giá 2,5 triệu đồng. “So với năm ngoái, lan này không đắt hơn”- chị Minh, chủ hàng hoa lan trên đường Hoàng Hoa Thám khoe. Qua khảo sát của chúng tôi, giá hoa, cây cảnh Tết rất khác nhau. Cùng một chủng loại, kích thước, nhưng giá mỗi cửa hàng lại khác nhau, thậm chí chênh nhau vài chục nghìn đến vài trăm nghìn. Chậu địa lan xanh và trắng 6 bông ở một cửa hàng đối diện với nhà chị Minh có giá bán 2,8 triệu đồng. Khách mặc cả khéo xuống 2 triệu, chủ hàng cũng bán. Tương tự, các loại cây cảnh ở đây đều “mạnh ai nấy hét giá”.

Do vậy, để không bị mua đắt, người tiêu dùng phải đi khảo giá và trả giá, nơi nào hợp lý thì mới mua. Đặc biệt phải cẩn trọng khi mua cây cảnh bán dạo, bởi nhiều người sau khi mua về, chưa kịp chơi Tết hoa đã rụng hoặc héo do người bán dùng nhiều chất kích thích để hoa nở đẹp

Việt Hà - Trần Hằng
.
.
.