Cầu tại các nút giao thông ở Hà Nội: Đơn điệu và kém thẩm mỹ

Thứ Hai, 24/04/2006, 14:18

TS Nguyễn Văn Nhân - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ Bộ GTVT thừa nhận: Đúng là những cầu vượt và một số cầu qua sông của Hà Nội mới xây không chú trọng kiến trúc, cũng chưa quan tâm tới sự hài hòa giữa cây cầu với cảnh quan chung nên mới dẫn tới tình trạng cầu "nhân bản" như hiện nay.

Do bức xúc về giao thông, Hà Nội chủ trương đầu tư một loạt cầu vượt như Ngã Tư Vọng, Ngã Tư Sở, Mai Dịch… cùng với một số cầu nhỏ qua sông Tô Lịch, đã góp phần "hạ nhiệt" tình hình giao thông Thủ đô. Đây thực sự là một cố gắng lớn của thành phố và các ngành hữu quan trong điều kiện vốn và công tác giải phóng mặt bằng đều không thuận lợi. Nhưng việc đưa vào khai thác một số cầu vượt tạo ra những nút giao thông lập thể có tác dụng đẩy mạnh, nâng cao tốc độ thông xe như hiện nay là chưa đủ. Nó đã bộc lộ nhiều bất cập cả về kiểu dáng kiến trúc lẫn yêu cầu cải tạo nút giao thông hoàn chỉnh trong tương lai gần.

Dưới con mắt người dân, tất cả những cầu trên hao hao giống nhau, đều là một mặt phẳng hoặc mặt cong bê tông nằm trên cột chữ T không có gì đặc biệt. Đơn cử tại cầu Ngã Tư Vọng, việc thi công hầm đường bộ đang gặp khó khăn đã cho thấy bất cập ở khâu thiết kế cầu dựa trên mặt bằng giả định. Nhưng hậu quả lớn hơn chính là ở chỗ không lâu nữa, chúng ta buộc phải cải tạo khu vực này thành nút giao thông lập thể nhiều chiều mới đáp ứng giao thông thì sẽ dựa vào đâu khi mà nhà dân đã xây kín bốn bề?

Một lãnh đạo của Ban quản lý dự án trọng điểm Hà Nội nói: Xin PV đừng đề cập sâu quá, chúng tôi chỉ biết thực hiện theo quy hoạch hiện nay! Nhận xét về điều này, TS Nguyễn Văn Nhân - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ Bộ GTVT thừa nhận: Đúng là những cầu vượt và một số cầu qua sông của Hà Nội mới xây không chú trọng kiến trúc, cũng chưa quan tâm tới sự hài hòa giữa cây cầu với cảnh quan chung nên mới dẫn tới tình trạng cầu "nhân bản" như hiện nay. Ông luyến tiếc nói: Chỉ thế hệ tới sẽ buộc phải phá những cây cầu này để xây dựng nút giao thông hoàn chỉnh vì chẳng còn cách nào khác. Như thế sẽ rất tốn kém và biết bao phức tạp tiếp tục nảy sinh mà lẽ ra chúng ta phải chủ động từ bây giờ.

Mỗi cây cầu phải là một công trình kiến trúc

Chung ý tưởng vì sự phát triển toàn diện giao thông Thủ đô, Phó GS - TS Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Khoa công trình Đại học Giao thông vận tải cho rằng: Hà Nội cần sớm tiếp cận khái niệm đường tầng thông qua các nút giao thông hoàn chỉnh. Những cầu kiến trúc bản hộp dự ứng lực có chiều cao thấp phù hợp với thành phố như hiện nay chỉ giải quyết được một phần vấn đề giao thông, nhưng rất khó hoặc không thể cải tạo được khi có yêu cầu.

Để giải quyết vấn đề này, nó chạm tới 3 vấn đề lớn: Xây dựng cầu phải phù hợp với tổng thể giao thông đã được quy hoạch; phải căn cứ vào sự phát triển giao thông của từng thành phố trong thời gian nhất định. Vấn đề thứ ba hết sức có ý nghĩa, một cây cầu không chỉ là công trình giao thông thông thường mà phải là tác phẩm kiến trúc hòa nhập với cảnh quan chung và tôn lên vẻ đẹp của thành phố, nhất là Thủ đô.

Phó Giáo sư Hà đưa ra một ví dụ, tại Vacsava (Ba Lan) năm 2003-2004, người ta đã phá bỏ 40 cầu để xây dựng 40 công trình cầu có kiến trúc khác nhau. Mỗi cây cầu đều có sắc thái riêng, thậm chí là biểu tượng của cả khu vực đó. Chúng ta cũng có thể làm được mà vẫn tiết kiệm. Xét về góc độ kiến trúc, cầu Bãi Cháy đạt được yêu cầu này. Ý tưởng của người Nhật đã được chấp thuận bởi kiến trúc cầu treo dây văng một mặt phẳng dây vừa đảm bảo giao thông nhưng lại tôn thêm vẻ đẹp của di sản thiên nhiên Hạ Long, Quảng Ninh.

Nói đến những tồn tại như hiện nay, đa số ý kiến đổ ngay cho tình trạng thiếu kinh phí và đặc biệt là khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Điều đó có một phần đúng, nhưng thử hỏi mươi, mười lăm năm sau việc giải phóng mặt bằng có thuận lợi hơn bây giờ hay không? Có phải là chúng ta đang mắc bệnh "tư duy nhiệm kỳ" khiến con cháu sau này phải trả giá?

Theo các chuyên gia sáng tác cầu, chúng ta không thiếu ý tưởng đẹp và hiệu quả. Nhưng khó khăn ở chỗ định mức giá thành cho mỗi mét vuông cầu đã ăn sâu và còn ngự trị trong đầu những người có trách nhiệm phê duyệt dự án. Vì kiến trúc đẹp bao giờ giá thành cũng cao. Chưa thể một lúc giải quyết được tất cả, đó là khó khăn không chỉ riêng Hà Nội trong kiến thiết xây dựng. Nhưng muốn có những cây cầu đẹp, kiến trúc độc đáo và tiết kiệm, tại sao chúng ta không tổ chức các cuộc thi sáng tác? Ngay cả thi lựa chọn giải pháp giải phóng mặt bằng nhanh, hiệu quả cũng có thể làm được như kinh nghiệm của Trung Quốc. Tại sao không?

Thanh Phong
.
.
.