Cậu học trò nghèo và ước mơ bảo vệ cuộc sống bình yên

Thứ Bảy, 13/08/2011, 08:52
Khi được hỏi "vì sao lại thi vào Học viện CSND?", cậu thủ khoa của Học viện CSND năm 2011, cho hay: "Đây là một môi trường học tập tốt nhất để rèn luyện tính kỷ luật... Với lại em nghĩ nghề Công an nguy hiểm, vất vả nhưng lại là công việc để bảo vệ công lý và cuộc sống bình yên của người dân. Bố mẹ, họ hàng cũng đều ủng hộ em".

Tôi điện thoại cho Trần Văn Mạnh, xã Nam Tân, huyện Nam Đàn, Nghệ An thông báo cho em một tin vui: em đã trở thành một trong hai thủ khoa của Học viện CSND năm 2011, với số điểm 27,5. Đầu dây bên kia một giọng nói nhỏ nhẹ: "Thật không chị, em mới chỉ biết mình đậu 27,5 điểm, nhưng không biết mình là thủ khoa của trường".

Ngay chiều hôm đó, các đồng chí lãnh đạo của HĐND, Huyện ủy Nam Đàn, Phòng Giáo dục huyện Nam Đàn, Hội Khuyến học của xã Nam Tân và thầy hiệu trưởng, thầy hiệu phó và cô chủ nhiệm lớp 12 của Trần Văn Mạnh đã đến nhà em chúc mừng thành tích xuất sắc của em.

Trò chuyện với Mạnh, tôi còn được biết một sự "sắp xếp tình cờ" nữa là cái buổi chiều ngập tràn niềm vui trong gia đình Mạnh lại trùng đúng vào sinh nhật bố Mạnh, anh Trần Văn Danh. Bố Mạnh chưa một lần có quà vào  sinh nhật. Cuộc sống vất vả của một gia đình nông dân thì chuyện nhớ sinh nhật của mình đã là một cái gì đó "quá xa xỉ". Nhưng anh em Mạnh coi đó cũng là món quà vô giá tặng sinh nhật bố, người mà suốt một đời vất vả lam lũ, ngày mùa thì bám đồng bám ruộng, lúc nông nhàn thì đi làm thợ phu hồ lấy tiền nuôi bốn anh em Mạnh ăn học.

Mẹ Mạnh, chị Thái Thị Thanh cũng chỉ biết làm ruộng, trong lòng chị luôn cháy bỏng ước muốn con mình không thất học, làm sao để mỗi ngày tới trường tới lớp chúng có bát cơm vào bụng. Và ông trời không phụ công đôi vợ chồng nông dân chịu thương chịu khó đó, khi ban cho họ 4 người con thì chúng đều chăm chỉ học hành.

Đồng chí Trần Đình Hường, Chủ tịch HĐND huyện Nam Đàn tặng hoa và quà chúc mừng thành tích của tân thủ khoa Trần Văn Mạnh.

Người con gái cả, Trần Thị Mỹ hiện đang là sinh viên năm cuối của ĐH Y dược Huế. Người con thứ hai, Trần Văn Thành hiện đang là sinh viên năm thứ hai ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Trần Văn Mạnh, người con thứ ba đỗ thủ khoa Học viện CSND năm 2011 và người con út, Trần Văn Ý vừa đỗ Trường THPT Nam Đàn I với số điểm rất cao.

Trần Văn Mạnh là học sinh lớp 12A2, Trường THPT Nam Đàn 1. Em được chọn vào một trong hai lớp học chương trình nâng cao trong trường, nhiều bạn trong lớp cũng đã đỗ đại học, nhưng Mạnh là người đỗ cao nhất lớp. Với bạn bè trong lớp, tin Mạnh đỗ thủ khoa cũng không làm các bạn bất ngờ, vì Mạnh vốn có thành tích là học sinh giỏi của trường các môn toán lý, hóa; đặc biệt, trong năm học lớp 12, em đoạt giải nhất học sinh giỏi cấp trường và giải nhất học sinh giỏi cấp tỉnh môn hóa học.

Nói về hoàn cảnh gia đình mình, Trần Văn Mạnh kể rằng, gia đình em trước đây được xem là một trong những nhà nghèo nhất xã. Cả nhà sáu người sống trong ngôi nhà dột nát, nắng thì không sao, nhưng mưa to một chút là nước lại tràn vào nhà. Tuổi thơ của anh em Mạnh là những kỷ niệm tát nước bì bõm trong nhà, nước vừa rút thì cỏ mọc cả trong gầm giường.

Trong nhà Mạnh ngày đó chỉ có bộ bàn ghế ọp ẹp, bộ ấm chén, cái tủ đựng quần áo và hai cái giường cũ. Anh em Mạnh nằm mơ cũng không bao giờ có được bàn học vuông vắn. Thương các con phải sớm chịu cảnh nghèo khổ, bố Mạnh đã mạnh dạn vay tiền ngân hàng, người thân, vay gạch, vay xi măng xây một cái nhà mái bằng một tầng, nợ rồi trả dần. Có nhà ở khang trang, không chịu cảnh mưa nắng, nhưng bữa cơm nhà Mạnh đạm bạc hơn nhiều, vì có đồng nào, bố mẹ dành dụm để trả nợ.

Nhắc đến tình cảm và sự hy sinh của bố mẹ dành cho bốn anh em, Mạnh nghẹn ngào kể: "Năm em học lớp 8, em bị gẫy tay phải bó bột, mẹ đang làm ruộng ngoài đồng biết tin em gặp nạn, sấp ngửa chạy về, mẹ khóc ghê lắm. Bố em lúc đó đang đi phụ xây cho xã bên cũng tất tả chạy về. Nhìn em đau đớn, bố cũng khóc. Ròng rã hàng tháng trời, mẹ là người chăm sóc tắm rửa cho em, còn bố thì ngày nào cũng đạp xe gần 40 cây số lấy thuốc cho em. Bố mẹ hy sinh tất cả cho chúng em nên em chỉ có cách báo hiếu lại bằng đèn sách, bằng kết quả học tập thôi. Hằng tháng, mẹ cứ gom lạc, đậu, gạo ngon, dành dụm vài trăm ngàn để anh chị ở trường về có quà mang đi. Anh chị em em học hành được như hôm nay phần lớn là do nghĩ đến bố mẹ mà phấn đấu".

Tôi hỏi Mạnh: "Vì sao em thi vào Học viện CSND mà không phải là một trường kinh tế hay kỹ thuật?", Mạnh cho hay: "Đây là một môi trường học tập tốt nhất để rèn luyện tính kỷ luật, sự nghiêm khắc của bản thân. Với lại em nghĩ nghề Công an nguy hiểm, vất vả nhưng lại là công việc để bảo vệ công lý và cuộc sống bình yên của người dân. Bố mẹ, họ hàng cũng đều ủng hộ em".

Mạnh chia sẻ: "Trong học tập thì em cũng không có bí quyết gì cả, chỉ là sự tự nỗ lực phấn đấu. Em nghĩ không ai học hộ được cho mình cả. Sách vở của em ít lắm, hầu như em chỉ có sách giáo khoa. Em cũng không học thêm nhiều, nhưng những gì học trong sách giáo khoa, em cố gắng nhớ hết, làm nền tảng kiến thức. Những dạng bài toán khó, thì em hỏi thầy, hỏi anh chị rồi sưu tầm những cách giải hay. Mỗi ngày tích lũy một ít, nền tảng kiến thức cơ bản ngày càng vững chắc. Qua kỳ thi đại học vừa rồi, em càng nhận ra một điều, học tốt những kiến thức cơ bản cực kỳ có ích cho bản thân khi phải đối diện với những bài toán khó, đặc biệt trong giải bài thi trắc nghiệm"…

Thu Phương
.
.
.