Câu chuyện nhân văn về con gái liệt sĩ Gạc Ma

Thứ Tư, 18/03/2015, 14:30
Con gái một liệt sĩ Gạc Ma vừa được Bộ trưởng Bộ Y tế và lãnh đạo tỉnh Nghệ An đặc cách bố trí việc làm trong niềm vui vỡ òa của gia đình. Câu chuyện nhân văn này đang thực sự làm nóng xứ Nghệ.

Thờ chồng nuôi con

Đã 27 năm qua kể từ khi chồng hy sinh ở đảo Gạc Ma, chị Trần Thị Ninh vò võ thờ chồng, nuôi con. Những lúc khó khăn, nhìn lên di ảnh của chồng chị như được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua những đêm dài.

Năm 1981, chị Ninh kết duyên cùng với anh Phan Huy Sơn ở Diễn Nguyên, Diễn Châu, Nghệ An. Vợ chồng má ấp tay kề vừa được tròn năm thì anh Sơn lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Nơi anh đến là Trường Sa.

Năm 1984, chiến sĩ Phan Huy Sơn được đơn vị cho về thăm nhà. Niềm vui của anh cứ lần dần theo chuyến xe dài về tận quê hương khi vợ chuẩn bị sinh con trai đầu lòng. Nhưng ngày vợ sinh xong, anh ầm thầm cất dấu nỗi buồn vào trong khi đứa con trai không được khỏe mạnh như những đứa trẻ khác. Cháu Phan Huy Hà con anh Sơn chị Ninh bị thiểu năng trí tuệ. Những ngày về phép, chiến sĩ Phan Huy Sơn hầu như thức trắng đêm để bồng đứa con nhỏ dại trên tay.

Chị Trần Thị Ninh và con gái Phan Thị Trang vui mừng khi Trang được bố trí công việc hợp lý, gần nhà.

Nhận nhiệm vụ ở đảo Song Tử Tây được gần 2 năm, chiến sĩ Phan Huy Sơn lại được đơn vị cho về phép thăm vợ, chăm con. Hơn 9 tháng trời ở bên vợ con, anh chạy đi chạy lại khắp nơi để tìm thầy thuốc chữa trị cho con. Nhưng bệnh của Phan Huy Hà vẫn không thuyên giảm. Cũng trong thời gian này, một niềm vui lại đến với anh Sơn khi chị Ninh có bầu cháu thứ hai.

Niềm vui của người vợ hiền chưa kịp lắng thì nỗi đau như dày nát tim gan khi chị Ninh nhận hung tin; chồng chị và đồng đội đã anh dũng hy sinh ở đảo Gạc Mạ. Thắp lên bàn thờ nén nhang, nước mắt chảy đầm vạt áo, chị hứa với anh thủ tiết thờ chồng nuôi con trưởng thành. Không ngôn ngữ nào nói hết được nỗi vất vả của chị Ninh khi một nách nuôi 2 con nhỏ, con trai đầu lại tàn tật, thiểu năng. Sự lớn lên của các con chị hàng ngày ngoài mồ hôi, nước mắt còn có cả những giọt nước mắt của chị.

Câu chuyện nhân văn từ Facebook

Nhìn anh trai bệnh tật, Phan Thị Trang càng cố gắng hơn trong việc học và làm việc đỡ đần mẹ. Cha hy sinh khi còn khoác áo nghề Y, nên Trang quyết tâm học trường Y theo nghiệp. Tốt nghiệp ngành điều dưỡng, Trường Cao đẳng Y khoa Vinh, Phan Thị Trang về nhà trong niềm vui khấp khởi. Nhưng rồi, nhiều lần cầm hồ sơ đi xin việc Trang chị nhận được những cái lắc đầu bởi nơi đã đủ người, nơi còn chờ đợt thi, xét duyệt…

Hàng ngày nhìn con ngồi mông lung bên chồng hồ sơ xin việc, chị Ninh đau đáu nỗi niềm, nhưng kiếm việc làm cho con là điều không thể đối với chị. Tình cờ một lần lên mạng đọc báo thấy có trang Facebook của Bộ trưởng Bộ Y tế, Phan Thị Trang đã viết tâm thư gửi Bộ trưởng nói về hoàn cảnh và nguyện vọng của mình.

Công văn của Bộ Y tế gửi Sở Y tế Nghệ An đề nghị bố trí công việc cho cháu Phan Thị Trang.

Bộ trưởng Bộ Y tế đã có công văn gửi lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An và đề nghị “Xem xét, hỗ trợ và bố trí việc làm cho cháu Phan Thị Trang ở cơ sở y tế gần nhà để thuận tiện trong việc chăm sóc người thân trong gia đình và tạo cơ hội cho cháu được cống hiến cho xã hội; Bố trí lãnh đạo sở tới thăm hỏi, động viên và tạo điều kiện y tế chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho vợ và con trai tàn tật của liệt sỹ Phan Huy Sơn”.

Chiều 17/3, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ông Nguyễn Xuân Đường đã có ý kiến tiếp nhận Phan Thị Trang vào làm điều dưỡng viên tại Bệnh viện huyện Diễn Châu.

“Được Bộ trưởng và lãnh đạo tỉnh quan tâm bố trí việc làm, em và mẹ suốt đêm không ngủ được vì vui mừng. Ngày 17/3 tức ngày 27 tháng Giêng em được nhận làm việc đúng vào ngày giỗ bố em (theo âm lịch) nên khi thắp hương lên bàn thờ bố tự nhiên nước mắt em và mẹ cứ chảy dài. Có được việc làm, em mới có điều kiện thay bố đỡ đần phần nào cho mẹ, và chăm sóc anh trai” Trang tâm sự trong những giọt nước mắt chảy dài gò má.

Những ngày này, người làng xã Diễn Nguyên ai cũng vui lây với niềm vui của cháu mẹ con cháu Trang. Còn ở xứ Nghệ nhiều người nói với nhau: Tổ quốc chẳng bao giờ quên công ơn những người đã ngã xuống hy sinh vì đất nước. Bởi truyền thống “uống nước nhớ nguồn” như mạch ngầm chảy dài, chảy mãi trong lòng đất Việt.

Sông Lam - Lam Hồng
.
.
.