Câu chuyện cái lồng sắt ở một khu nhà tập thể

Thứ Sáu, 22/08/2008, 15:41
Trong lá đơn gửi đến Báo CAND, ông Đỗ Cao Bằng trú tại phòng 203-B17C phường Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội kể lại quá trình cải tạo, sửa chữa ngôi nhà cũ của mình như sau:

Căn hộ gia đình ông đang ở thuộc phòng 203. B17C, Mai Động được xây dựng từ năm 1985, nhà xà gỗ, lợp mái ngói. Khu tập thể này có hai tầng với 12 căn hộ. Đây là khu tập thể trước đây thuộc Cảng Hà Nội nhưng từ năm 2002 các hộ dân đã được mua theo Nghị định 61/CP.

Do nhà cũ nên đến nay xà bị gãy, mái ngói mục nát nên gia đình ông đã làm đơn xin UBND phường cho phép sửa chữa lợp lại mái tôn, lát lại nền, làm lồng sắt bảo vệ và một vài nội thất trong nhà. Khi gia đình ông Bằng làm lồng sắt, ông Cảnh (nhà dưới liền kề) đã không đồng ý và yêu cầu phường vào giải quyết.

Ngày 4/8/2008, Thanh tra xây dựng phường Mai Động và hai gia đình ông Bằng và ông Cảnh đã có một buổi làm việc (có biên bản). Tại đây ông Cảnh đã đồng ý cho gia đình ông Bằng sửa chữa và làm lồng sắt bảo vệ với các kích thước cụ thể.

Sau khi có được biên bản đồng ý, ông Bằng đã làm lồng sắt như thỏa thuận. Tuy nhiên sau khi làm xong, ông Cảnh đã bất ngờ đổi ý và khiếu kiện ra phường nên các ngày 8/8 và ngày 11/8, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Mai Động đã mời ông Bằng ra làm việc và yêu cầu gia đình phải phá dỡ phần lồng sắt. Đến ngày 14/8, gia đình ông Bằng đã nhận được quyết định cưỡng chế phá dỡ lồng sắt.

Chỉ vào những tấm lồng sắt chỏng chơ vừa tháo dỡ nằm trên nền, ông Bằng tâm sự: "Là một đảng viên hơn 40 năm tuổi Đảng, sau khi phường có quyết định, gia đình tôi đã lập tức chấp hành tự tháo dỡ lồng sắt". Tuy nhiên ông hết sức bức xúc là không hiểu vì sao UBND phường Mai Động lại thay đổi sự việc hoàn toàn ngược lại với biên bản đã được hai gia đình cùng đại diện Thanh tra xây dựng phường làm việc, ký kết ngày 4/8. Chính sự trước sau không thống nhất đó đã gây bức xúc cho gia đình ông.

Chỉ sang những chiếc lồng sắt to tướng ngay bên cạnh, ông Bằng cho rằng: Dường như chính quyền địa phương đã nương tay với những  trường hợp xây dựng, cải tạo khác, thậm chí là có những trường hợp lấn chiếm đất lưu không đang diễn ra trong khu tập thể mà lại tỏ ra quá khắt khe với gia đình ông!?

Ai cũng có lý - chỉ thiếu mỗi cái tình

Chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc với đại diện tổ dân phố 26, phường Mai Động và được biết: Ngày 12/8, tổ dân phố số 26 đã tổ chức một cuộc họp và kết luận: Đồng ý cho gia đình ông Bằng làm lồng sắt bảo vệ và đề nghị thực hiện đúng tinh thần biên bản đã ký kết ngày 4/8 giữa hai gia đình. Nếu lồng sắt nặng thì nên thay đổi vật liệu để đảm bảo an toàn hai gia đình.

Ông Nguyễn Đình Diên, Tổ phó Tổ dân phố 26 cung cấp thêm: Hầu hết các gia đình trong khu tập thể đều chật chội, rất khó khăn trong việc sinh hoạt. Đặc biệt là các hộ tầng 2 hiện không có chỗ để xe máy, thiếu chỗ phơi phóng, thế nên bà con cũng mong muốn tạo điều kiện để giúp đỡ nhau khắc phục khó khăn.

Được biết, trong biên bản cuộc họp dân phố ngày 12, tất cả đều nhất trí cho ông Bằng được làm lồng sắt, riêng ông Cảnh nêu lý do: "Ông Bằng làm lồng sắt to quá nên ông có lên đập lồng sắt đi, Tôi đã ký biên bản cho làm, song tôi nghĩ lại thấy không an toàn nên tôi không đồng ý cho làm"(!?)

Chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND và ông Nguyễn Ngọc Thắng, Chánh Thanh tra xây dựng phường Mai Động. Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: Việc xây dựng của gia đình ông Bằng là vi phạm Luật Xây dựng, vi phạm Nghị định 180/2007 và Quyết định 79 của UBND TP Hà Nội. Việc xây dựng này đã gây ra khiếu kiện và phường đã tiến hành kiểm tra, lập hồ sơ xử lý. Đến nay gia đình ông Bằng đã tự ý tháo dỡ phần công trình vi phạm. Liên quan đến trường hợp những chiếc lồng sắt đang tồn tại trong khu tập thể nói trên cũng như trên địa bàn phường, đại diện Thanh tra xây dựng phường cho biết: Đó là những trường hợp đã làm trước đây nên hiện tại không thể xử lý được.

Cách giải quyết cũng như những căn cứ pháp lý mà UBND phường Mai Động đưa ra là đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên điều chúng tôi khó hiểu ở chỗ: Nếu đã biết chắc những việc làm của gia đình ông Bằng là vi phạm quy định thì tại sao ngay từ đầu UBND phường không ra quyết định xử lý mà Thanh tra xây dựng phường vẫn đồng ý cho hai gia đình thỏa thuận để xây dựng. Chính vì văn bản này mà gia đình ông Bằng đã tiến hành xây dựng. Tuy nhiên, sau khi gia đình ông Bằng đã tiến hành xây dựng xong, chính quyền địa phương lại đưa ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm. Việc làm đó không những gây mất lòng tin mà còn gây lãng phí và bức xúc không đáng có cho người dân

Nhóm PV điều tra
.
.
.