Cậu bé mù loà thành nhạc sĩ

Thứ Hai, 09/07/2007, 19:01
"Sống trong bóng tối" bẩm sinh, chàng nông dân nghèo ở Bình Sơn, Quảng Ngãi tên Hà Chương đã vượt bao "sông suối núi đèo" để trở thành SV Nhạc viện Hà Nội. Sau "Món quà của sóng", hai năm sau, nhạc sĩ khiếm thị Hà Chương ra mắt album thứ hai một cách đầy tự tin.

Chương là con của một gia đình nông dân nghèo gồm bốn anh em ở thôn Thanh Trà, xã Bình Khương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Hà Chương không may bị khiếm thị ngay sau khi vừa lọt lòng mẹ.

Học sinh của nhiều giải thưởng

Đến năm 10 tuổi, Chương vẫn không được tới trường (vì Quảng Ngãi không có trường dạy người khiếm thị), nỗi khát khao được học trong Chương ngày càng cháy bỏng.

Rồi một ngày vào năm 1994, Chương đặt chân đến Trường Khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, Đà Nẵng. Nhờ sự tận tình của thầy cô và các anh chị đi trước, Hà Chương ngày càng tỏ rõ có năng khiếu nhiều môn như: Văn, Toán, Âm nhạc... liên tục đạt danh hiệu từ học sinh giỏi, xuất sắc.

Năm học lớp 7, lần đầu tiên tham gia cuộc thi viết về môi trường "Hành tinh xanh mãi xanh", Chương đoạt giải nhì. Không dừng lại ở đó, năm lớp 8, Chương đoạt giải ba trong kỳ thi học sinh giỏi môn Văn cấp thành phố. Tiếp đó là giải nhì hùng biện tiếng Anh cấp thành phố năm học lớp 9, giải khuyến khích cuộc thi "Viết thư UPU".

Con đường đến với âm nhạc và những thành công

Năng khiếu và niềm đam mê âm nhạc bộc lộ ở Chương từ rất sớm. Đầu tiên, Chương tìm đến với cây đàn bầu, có lẽ đây là nhạc cụ thể hiện gần nhất những điệu ru buồn mà Chương được hấp thụ từ mẹ thuở bé. Chương bền bỉ học đàn với sự hướng dẫn của các thầy và các anh đi trước.

Năm 1997, Hà Chương gặt hái được thành công ban đầu ở một cuộc thi văn nghệ - thể thao dành cho người khuyết tật toàn quốc tổ chức tại tỉnh Quảng Trị, Chương đoạt được 2 huy chương vàng, cho độc tấu đàn bầu và đơn ca.

Niềm vinh hạnh lớn lao là ngay trong năm ấy, Chương được ra Hà Nội nhận bằng khen do nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt trao tặng với bài hát của NSND Tường Vy: "Em lắng nghe tiếng đời".

Sau đó, Chương được mẹ Vy (NSND Tường Vy) đưa đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng của Đại tướng. Chương hát tặng ông bằng cả tấm lòng của đứa học trò nghèo khuyết tật miền Trung: "... Em không thấy trời xanh, em không thấy biển xanh... mà chỉ nghe lời ru buồn của bà... à ơi, à ơi..."...

Từ những niềm khích lệ hết sức lớn lao ấy, Hà Chương tìm đến học guitar rồi organ, rồi bắt đầu tập sáng tác, viết những tâm sự, nỗi lòng của tuổi mới lớn, viết về mẹ, về quê hương, được Đài Truyền hình Đà Nẵng, Đài Truyền hình Trung ương phát sóng trong chuyên mục tác giả và tác phẩm, như những bài: "Đà Nẵng giấc mơ thiên đường", "Tìm về lời ru", "Em lắng nghe tiếng đời"...

Kể từ năm 1998 đến năm 2004, Chương đoạt được 6 huy chương vàng các thể loại độc tấu đàn bầu, đơn ca, sáng tác ở khu vực phía Nam; huy chương vàng tài năng trẻ TP Đà Nẵng năm 2001-2002 và được mời đi biểu diễn nhiều nơi.

Thủ khoa và gian nan Hà Nội

Được học nhạc ở Nhạc viện Hà Nội là mơ ước từ rất lâu của Hà Chương, bạn luôn cố gắng luyện tập để mong có ngày được thi vào trường. Đến mùa tuyển sinh năm 2005, nhờ sự khuyến khích giúp đỡ của mẹ Tường Vy, Hà Chương khăn gói ra Hà Nội để thực hiện ước mơ...

Ngày nhận được tin đỗ thủ khoa Khoa Đàn bầu, Chương vui sướng tột cùng. Đây là năm Chương hạnh phúc, nhưng cũng chính là năm anh gặp rất nhiều khó khăn. May thay có cô bạn gái Phạm Thị Trầm Yên người Duy Xuyên, Quảng Nam vì cảm phục tấm gương của Hà Chương mà xin ra Hà Nội học để đỡ đần Chương trong những ngày đầu.

Chương bồi hồi nhớ lại: "Phải lo chạy ăn từng tháng, tiền nhận được từ những nhà hảo tâm mỗi tháng vừa đủ để thuê phòng trọ, do vậy phải đi biểu diễn. Những đêm tối mùa đông ở Hà Nội trời lạnh như cắt da, Yên chở tôi đến nơi diễn thì miệng cứng không hát được...". Nhưng Chương vẫn cứ là một sinh viên giỏi của trường, hình như học ở đâu anh cũng là người nổi bật.

Chương trình học ở nhạc viện rất nặng. Mà việc học cũng không đơn giản chút nào. Thời gian học của Chương nhiều gấp ba, bốn lần so với các bạn. Khi lên lớp, Chương không thể vừa đọc bản nhạc vừa chơi đàn như các bạn, mà phải nhờ bạn đọc những bản nhạc lên thành tiếng rồi chép lại bằng ký hiệu nổi Braille, sau đó mới dùng tay lần từng nốt nhạc rồi đánh lại trên đàn.

Dù khó khăn, bận rộn đến đâu, Chương vẫn chạy ngược xuôi để tham gia biểu diễn tất cả chương trình mà Trung tâm Nghệ thuật tình thương của NSND Tường Vy tổ chức, các đơn vị xã hội khác mời.

Lúc ở Hà Nội, khi ở Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang..., tiền thù lao mỗi lần đi diễn không nhiều, nhưng Chương cứ dấn thân vì thấy sống có ích, được đàn hát cho học sinh các trường, cho trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật nghe.

"Món quà của sóng" và "Khúc hát hai mươi"

Được sự giúp đỡ của bạn bè, đầu năm 2005, Chương ra mắt album CD đầu tay "Món quà của sóng" với 10 ca khúc do chính Chương sáng tác và trình bày. "Trong cõi hư vô con tìm về tình yêu. Trong tiếng đàn bầu con tìm về lời ru của mẹ. Lời ru năm xưa bên vành nôi nhỏ…" - với những ca từ nồng nàn cháy bỏng nỗi nhớ mẹ, ít ai có thể ngờ ca khúc này được Hà Chương sáng tác khi đang học lớp 8.

Trước đó, Hà Chương đã có ca khúc "Bạn tôi" hết sức cảm động. Những hoàn cảnh đặc biệt, những nỗi lòng trắc ẩn cùng với giai điệu tha thiết khiến "Bạn tôi" quá chững chạc so với lứa tuổi của tác giả…

Hai năm sau, album "Khúc hát hai mươi" với 10 ca khúc mới khác lại ra đời, lần này là một sự tiến bộ hẳn, với sự cộng tác của các nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, ca sĩ Tùng Dương, rocker Xuân Đề...

Hãy thử nghe "Khúc hát hai mươi", ca khúc rock được chọn làm tên chính của album, qua tiếng hát của ca sĩ Xuân Đề, bạn sẽ khó thể nghĩ nó đã được viết từ một người khiếm thị, nếu không được giới thiệu trước: "Tình hai mươi nồng nàn lửa cháy, ngực hai mươi căng phồng sức trẻ, tương lai hai mươi trong tầm tay với, chân bước vững tin trên đường đi tới...".

Sôi nổi, mạnh mẽ, lạc quan một cách đáng ngạc nhiên. Nhưng sẽ không có gì là ngạc nhiên nữa khi bạn được tiếp xúc với Chương. Chàng trai vẫn rất hồn nhiên và yêu đời, như đúng lời ca của anh: "Dù ngày dài hay đêm tối, dù đường gập ghềnh xa muôn lối, dù gió xuôi hay bão ngược, ta vẫn ung dung đón mặt trời lên...".

Chúc mừng tác phẩm thứ hai của Hà Chương và cảm ơn bài học của anh về sự kiên cường không đầu hàng nghịch cảnh của con người hành trình trước tuổi

Viết Nam
.
.
.