Nhiều game mới được cấp phép, mạnh tay dẹp game lậu

Thứ Tư, 11/02/2015, 23:26
Hôm nay (12/2), Thông tư 24/2014/TT-BTTTT quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) ban hành chính thức có hiệu lực.

Theo đó, game online sẽ chính thức được cấp phép trở lại sau hơn 4 năm tạm ngừng cấp phép. Tuy nhiên, bên cạnh việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất và phát hành game trong nước phát triển, Bộ TT&TT cũng đặt ra những quy định và điều kiện khắt khe hơn nhằm hạn chế tối đa tác hại của game.

Một trong những điểm đáng chú ý là Thông tư 24/2014/TT-BTTTT đã quy định chi tiết những hành vi bị cấm trong hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử tại Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.

Đó là cấm nhập khẩu, sản xuất, cung cấp, quảng cáo, sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử có hình ảnh, âm thanh, hành động giết người, tra tấn người tàn ác, rùng rợn, kích động bạo lực, thú tính; khiêu dâm, dung tục, vô luân, trái với truyền thống đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc; xuyên tạc, phá hoại truyền thống lịch sử, vi phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ...

Cấm  quảng cáo, giới thiệu, cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử đối với các trò chơi điện tử chưa được cấp quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản, chưa thông báo cung cấp dịch vụ theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 31 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP. Cấm lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, lừa đảo,...

Game online sẽ được cấp phép trở lại kể từ ngày 12/2. (ảnh minh họa)

Thông tư 24 đưa ra những quy định và điều kiện chặt chẽ về việc cấp phép game mới, như: Trò chơi điện tử có nội dung kịch bản không vi phạm các quy định cấm; có sự phân loại theo độ tuổi người chơi; có nhân sự tốt nghiệp từ đại học trở lên quản lý nội dung trò chơi và diễn đàn người chơi; có biện pháp kỹ thuật để quản lý thông tin tài khoản của người chơi, cũng như phương án bảo đảm chất lượng dịch vụ, bảo đảm an toàn hệ thống khi có sự cố xảy ra.

Về phía DN cung cấp trò chơi G1 (trò chơi tương tác giữa nhiều người chơi qua hệ thống máy chủ của DN) phải lưu giữ thông tin cá nhân người chơi cho tới khi người chơi ngừng sử dụng dịch vụ trong 6 tháng. DN cũng phải triển khai hệ thống thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ sẵn sàng kết nối với cơ sở dữ liệu CMND hoặc hệ thống mã số cá nhân quốc gia theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để xác thực thông tin của người chơi.

Thông tư 24 cũng đưa ra thời hạn cụ thể về việc tiến hành cấp phép trở lại cho game online kể từ ngày 12-2. Đây được xem là một bước tiến mới bởi trong cả một khoảng thời gian dài từ cuối năm 2010 trở lại đây, ngành game Việt rơi vào khó khăn, suy thoái khi Bộ TT&TT buộc phải ra quyết định tạm ngừng thẩm định game online trước áp lực xã hội về tác hại của loại hình này. Điều này đã dẫn đến hệ quả là nhiều DN game trong nước gặp khó, phải ngừng hoạt động hoặc giải thể như trường hợp của FPT game; game lậu hoành hành, gây thất thu thuế cho nhà nước và rủi ro cho người chơi.

Theo đại diện của VTC game, đây có thể xem là tin vui với các DN sản xuất và phát hành game trong nước, bởi lẽ khi Thông tư 24 có hiệu lực và việc cấp phép game được nối lại sẽ tạo ra sự khác biệt rõ rệt giữa những DN làm ăn bài bản với các DN “ăn xổi”. Các quy định chặt chẽ về hệ thống, máy chủ, quản lý khách hàng sẽ tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn giữa các nhà phát hành game.

Dự kiến, trong năm 2015. VTC game sẽ cung cấp mỗi tháng 1 sản phẩm với nhiều thể loại khác nhau, nhắm đến hai nền tảng iOS và Android. Tương tự, đại diện của Vina Game cũng cho biết, Vina game hiện có 20 sản phẩm đang chờ được cấp phép, trong đó có 3 game dự định phát hành ra thị trường nước ngoài.

Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Phát Thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT cũng cho rằng: Lượng game lậu lưu hành trên thị trường vẫn còn rất lớn, dù lực lượng chức năng đã có nhiều đợt kiểm tra, xử phạt nặng trong năm 2014. Để tạo điều kiện cho các game mới sắp được cấp phép trở lại, việc "dọn dẹp" game cũng lậu sẽ được Bộ TT&TT đẩy mạnh trong năm 2015.  

Huyền Thanh
.
.
.