Cấp giấy chứng nhận VSATTP tại TP HCM: Mừng nhưng vẫn lo

Thứ Bảy, 05/08/2006, 08:38
Theo cơ quan chức năng, đến ngày 2/8 đã có khoảng 40 cơ sở tới xin làm thủ tục. Song tất cả những quy định mới muốn "đi" vào thực tế cần rất nhiều yếu tố nhiều khi nằm ngoài "chủ quan" của những người xây dựng nên nó.

Ngày 1/8, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh chính thức tiếp nhận hồ sơ của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sản xuất kinh doanh thực phẩm (thuộc 10 nhóm có nguy cơ cao) để thẩm định và cấp "giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm" - (VSATTP).

6 tháng đầu năm 2006, số ca ngộ độc thực phẩm tại TP vẫn ở con số 745 người. Vào cùng thời điểm năm ngoái, con số này mới chỉ là 501 - đó là điều đáng báo động về chất lượng VSATTP ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tìm hiểu chúng tôi được biết, việc thẩm định và cấp giấy chứng nhận VSATTP sẽ được phân theo 3 cấp TP quận, huyện và phường xã.

Theo đúng quy trình, việc cấp giấy chứng nhận phải được thực hiện trong vòng một tháng, và từ nay tới 31-12 phải hoàn tất việc cấp giấy với khoảng 20.000 cơ sở (chưa thống kê đầy đủ) trên thành phố. Về tiến độ, theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Trưởng phòng Quản lý VSATTP - Sở Y tế thì với số lượng trên là "nằm trong tầm tay" giải quyết của ngành.

Được biết, trong thời gian một tháng kể từ ngày Sở Y tế ra Văn bản số 3786/SYT-VSATTP đến ngày 1/8 chính thức tiến hành tiếp nhận hồ sơ và thực hiện việc thẩm định cấp giấy chứng nhận, theo đó sẽ có rất nhiều công việc phải làm từ họp bàn triển khai, thông báo đến cơ sở cùng nhiều công việc khác nhưng một trong những việc rất quan trọng là năng lực thẩm định của cán bộ thì lại gói gọn trong… một ngày tập huấn đối với quận, huyện, phường, xã. Nhiều người cho rằng trong một ngày tập trung tập huấn liệu lượng kiến thức "chuyên môn" sẽ khó có sự đồng nhất.

Theo ông Hòa: "Trước đây tất cả các đơn vị kinh doanh TP đều phải có giấy này do Bộ Y tế cấp, sau một thời gian thì Chính phủ ra lệnh bỏ loại giấy này. Nhưng trong quá trình quản lý thấy rằng cần lập lại, nên Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 11 để trở lại giấy chứng nhận và chỉ những cơ sở đủ điều kiện như quy định mới được cấp giấy chứng nhận và được hành nghề".

Như vậy có thể coi đây là một loại giấy phép cũng không hề sai và doanh nghiệp, nhà sản xuất, người kinh doanh buôn bán trong lĩnh vực này phải chấp nhận thực hiện theo quy định mới. Tuy chắc chắn sẽ thực hiện nhưng nhiều doanh nghiệp lớn cũng có băn khoăn vì sẽ có những người "ma mãnh" cố gắng bằng mọi cách để qua được đợt kiểm tra thẩm định. Khi có giấy chứng nhận trong tay nó trở thành "bửu bối" để thu hút khách, còn chuyện VSATTP thì… như cũ.

Dư luận hiện đang đặt câu hỏi, liệu các cơ quan chức năng có đủ lực lượng và khả năng để giám sát họ thực hiện đúng theo tiêu chuẩn của giấy chứng nhận hay không? Câu hỏi đặt ra hoàn toàn có lý do khi mà ở cấp TP thì còn… "tạm ổn" với phòng quản lý VSATTP, thanh tra của Sở Y tế và kiểm tra của TTYTDP. Còn toàn bộ tuyến quận, huyện, nhất là phường, xã thì nhân lực đã quá mỏng mà đa số còn phải kiêm nhiệm.

Được biết, để tránh chuyện các cơ sở "mặc sức tung hoành", sau khi có giấy, sẽ có chương trình "hậu kiểm", do các bộ phận thanh kiểm tra. Nếu phát hiện sẽ có biện pháp xử lý buộc cơ sở phải khắc phục ngay hoặc sẽ là rút giấy chứng nhận.

Tuy nhiên, những việc thanh kiểm tra, kể cả việc ngưng, đóng cửa, rút giấy phép… vẫn được làm thời gian qua, nhưng ngộ độc thực phẩm vẫn cứ tăng dần theo năm tháng. Những giải thích trên đây e còn chưa đủ sức thuyết phục.

Bởi vào năm 2004 vẫn còn nhiều quận, huyện chưa có cán bộ chuyên trách hoặc nếu có cũng chỉ có… một người và mỗi cơ sở ở cấp quận cũng chỉ được thanh, kiểm tra 1-2 lần/năm. Các phường, xã trọng điểm cũng còn chưa làm đủ theo "10 nguyên tắc vàng" của  Bộ Y tế về thức ăn đường phố...

Sẽ còn nhiều việc phải làm với một đợt triển khai lớn về VSATTP nhưng những đợt tập huấn cho người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong dịp này sẽ là cơ hội để giúp họ nâng cao hiểu biết và nhận thức nghiêm túc hơn về an toàn cho sức khỏe cộng đồng, là tiền đề các ngành chức năng không chỉ tập huấn mà còn tuyên truyền vận động ý thức mỗi người tham gia tự giác trong việc giữ gìn VSATTP cho sản phẩm của mình. Và có như thế khâu "hậu kiểm"  mới mong… nhẹ được

Huyền Nga
.
.
.